Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Chúng ta đã bản lĩnh, bình tĩnh hơn để xử lý các vấn đề về dịch bệnh"

28-01-2022 15:14 | Thời sự
google news

SKĐS - Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Với kinh nghiệm được đúc rút, chúng ta đã bản lĩnh, bình tĩnh hơn để xử lý các vấn đề dịch bệnh".

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để 'tháng Giêng là tháng ăn chơi'Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để "tháng Giêng là tháng ăn chơi"

SKĐS - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, khẩn trương triển khai công việc ngay từ những ngày đầu năm sau Tết và có những việc phải làm ngay, làm tốt, làm hiệu quả ngay trong Tết, tinh thần là không để “tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

Sáng 28/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2022. Phiên họp tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1, các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới và dự thảo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu hơn có thể xảy ra

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, tháng đầu tiên của năm 2022 có nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội, đối ngoại quan trọng, các công việc được triển khai toàn diện, có hiệu quả, đạt những kết quả rất đáng khích lệ.

Chính phủ đã tổ chức thành công hội nghị với các địa phương đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của năm 2021, triển khai Kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Chính phủ ban hành Nghị quyết 01, 02, trong đó xác định chủ đề năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển" với 6 quan điểm, trọng tâm và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Chúng ta đã bản lĩnh, bình tĩnh hơn để xử lý các vấn đề về dịch bệnh" - Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2022. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt nhiều giải pháp phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự xã hội, làm tốt công tác an sinh xã hội. Các vấn đề phát sinh cơ bản được giải quyết dứt khoát, không để tồn đọng, như vấn đề ùn tắc hàng hóa nông sản biên giới, thiếu oxy y tế, các đề xuất của doanh nghiệp…

Về công tác phòng chống COVID-19, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Việt Nam đã tiếp nhận gần 212 triệu liều vaccine, tiêm được trên 178 triệu liều; người người từ 18 tuổi trở lên có tỷ lệ tiêm mũi 1, 2, 3 tương ứng là 100%, 95,7% và 22,3%; trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm mũi 1, 2 đạt tỷ lệ 95,2% và 86%. Các ca bệnh nặng và tử vong giảm sâu. Với các kinh nghiệm được đúc rút, chúng ta đã bản lĩnh, bình tĩnh hơn để xử lý các vấn đề dịch bệnh.

Tuy nhiên, biến chủng Omicron lây lan rất nhanh, có thể xuất hiện các chủng mới, ca nhiễm cộng đồng vẫn tăng ở nhiều địa phương, nguy cơ dịch bệnh cao trong dịp Tết. Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; làm tốt công tác dự báo và chuẩn bị sẵn sàng để không bị động, lúng túng, bất ngờ. Tiếp tục thực hiện nghiêm "5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ + đề cao ý thức của người dân và các biện pháp khác" với 3 trụ cột về cách ly, xét nghiệm, điều trị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Chúng ta đã bản lĩnh, bình tĩnh hơn để xử lý các vấn đề về dịch bệnh" - Ảnh 3.

Thủ tướng yêu cầu bám sát diễn biến tình hình để chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháng 2 tốt hơn tháng 1, năm 2022 tốt hơn năm 2021 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng yêu cầu tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, tổ chức thực hiện nghiêm túc chiến dịch thần tốc tiêm chủng vaccine mùa xuân xuyên Tết để đạt mục tiêu đề ra. Khẩn trương tiến hành các thủ tục mua vaccine để tiêm cho các cháu từ 5 đến dưới 12 tuổi. Chủ động, tích cực hơn trong vấn đề thuốc điều trị và các sinh phẩm y tế để sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu hơn có thể xảy ra. Bộ Y tế cấp phép cho các thuốc đã được thế giới công nhận, bảo đảm công khai, minh bạch, chống đầu cơ, nâng giá, tiêu cực, xin - cho.

Tập trung nâng cao năng lực điều trị, y tế cơ sở, y tế dự phòng nhằm giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong. Sẵn sàng lực lượng hỗ trợ kịp thời cho các địa phương khi có diễn biến phức tạp ngoài dự kiến. Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông, nâng cao ý thức người dân tích cực, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Coi trọng, làm tốt công tác phòng ngừa  và tiếp tục xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trên các lĩnh vực, nhất là trong phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Không có giải pháp hoàn hảo mà chỉ có giải pháp tối ưu

Về kinh tế xã hội, Thủ tướng nêu rõ, phát huy thành quả đã đạt được trong năm 2021 với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt ngay từ tháng 1, tình hình kinh tế xã hội chuyển biến tích cực và tiếp tục khởi sắc.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm.  Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất tiếp tục duy trì mặt bằng thấp. Ngân sách nhà nước đáp ứng các nhiệm vụ chi. Ước tính đến 31/1/2022, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 93,47% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao…

Chú trọng công tác bảo đảm đời sống nhân dân, chăm lo người có công, hỗ trợ hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, các đối tượng bảo trợ xã hội, người dân gặp khó khăn do dịch... trong dịp Tết; hỗ trợ các gia đình thiếu đói giáp hạt đầu năm 2022 và bị ảnh hưởng mưa lũ. Đã tặng quà cho người có công và thân nhân liệt sĩ với tổng giá trị trên 480,3 tỷ đồng; chi trả trợ cấp xã hội đầy đủ, kịp thời cho khoảng 3,5 triệu đối tượng bảo trợ xã hội; xuất cấp 6.902 tấn gạo cứu đói trong dịp Tết Nguyên đán và 2.975 tấn gạo cứu đói giáp hạt năm 2022.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Chúng ta đã bản lĩnh, bình tĩnh hơn để xử lý các vấn đề về dịch bệnh" - Ảnh 4.

Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành phối hợp với Bộ Y tế để ban hành quy định phòng chống dịch trong các ngành, thống nhất thực hiện trên toàn quốc, giám sát, kiểm tra để thực hiện hiệu quả.

Nhận định tình hình sắp tới có khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, thời cơ, chúng ta chưa dự báo hết được những diễn biến bất ngờ có thể xảy ra, Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị tâm thế, mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp ở mức cao hơn bình thường. Trước hết, phải chăm lo an sinh xã hội, bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết theo tinh thần tình nghĩa, tri ân, an toàn, lành mạnh, vui tươi, phấn khởi, hạnh phúc và tiết kiệm.

Bộ LĐTB&XH tiếp tục rà soát, ban hành và triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Các bộ ngành phân công ứng trực Tết phù hợp, khoa học để xử lý ngay, hiệu quả các vấn đề có thể xảy ra. Không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không dự các lễ hội nếu không được phân công; không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi...

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương chủ động, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo thực hiện các giải pháp để bảo đảm cung – cầu hàng hóa, cung cấp đủ điện, an toàn, ổn định; Bộ Tài chính chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất giải pháp, hoàn thiện quy định về quản lý thị trường chứng khoán; Bộ GD&ĐT, VHTT&DL lịch công bố công khai, cụ thể về việc mở cửa trường học và các hoạt động du lịch, nêu rõ lộ trình, các điều kiện, công việc cần làm, diễn tập các phương án xử lý khi có ca nhiễm COVID, tinh thần là mở cửa sớm nhất có thể, bảo đảm an toàn, hợp lý, khoa học, hiệu quả, phù hợp tình hình.

Các bộ, ngành phối hợp với Bộ Y tế để ban hành quy định phòng chống dịch trong các ngành, thống nhất thực hiện trên toàn quốc, giám sát, kiểm tra để thực hiện hiệu quả.

Thủ tướng nhắc lại, khi chưa có đủ vaccine thì chúng ta buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính và điều này ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế - xã hội. Đến nay, khi đã đạt độ bao phủ vaccine, đúc kết được các kinh nghiệm, công thức, phương châm phòng chống dịch, chúng ta mạnh dạn, tự tin mở cửa trở lại.

Thủ tướng Phạm Minh Chính
Trong khó khăn, không có giải pháp hoàn hảo mà chỉ có giải pháp tối ưu, nếu cứ chờ đợi thì sẽ lỡ nhịp phát triển.


Chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về quản lý hoạt động đi lại của người dân trong dịp Tết theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nơi nào tự ý đặt các quy định, yêu cầu riêng trái với quy định, hướng dẫn chung thì các bộ ngành phải kiểm tra, xử lý. Phối hợp, tham gia đón người dân từ các nơi trở về an toàn, không ngăn sông cấm chợ và trở lại làm việc sau Tết. Bộ Y tế ngoài công tác phòng, chống dịch COVID-18 cần đảm bảo khám, chữa bệnh và các công việc thường xuyên.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Chuyên gia: Không thể ngăn Omicron lây lan, sau Tết số ca mắc trong cộng đồng chắc chắn tăng | SKĐS


Lê Bảo
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn