Đã mở cửa nền kinh tế, du lịch và trường học an toàn
Ngày 5/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm, việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình và giải pháp đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; việc triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia.
Tại cuộc họp, các ý kiến đánh giá, quý I/2022, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp như cuộc xung đột tại Ukraine; giá dầu và lạm phát tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây; một số nền kinh tế lớn thu hẹp quy mô nới lỏng chính sách tiền tệ… đã tác động không nhỏ đến kinh tế.
Trước những diễn biến mới phức tạp, đột xuất, bất ngờ, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương vừa thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên; vừa khắc phục các hạn chế, bất cập trong thời gian qua; vừa giải quyết các vấn đề tồn đọng, kéo dài liên quan tới các dự án, ngân hàng yếu kém, các vụ án, kết luận thanh tra, kiểm tra; vừa xử lý các vấn đề phát sinh do tình hình mới. Nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai để bảo đảm nguồn cung, ổn định giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, tỉ giá…; dịch bệnh được kiểm soát, tạo nền tảng để triển khai hiệu quả lộ trình mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế từ giữa tháng 3, mở cửa trường học, dịch vụ vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật… tạo điều kiện phục hồi nhanh ngay trong quý I.
Các ý kiến cho rằng, các bộ, cơ quan và địa phương cần tập trung hoàn thành dứt điểm các nhiệm vụ thuộc chương trình phục hồi và phát triển, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022. Các địa phương cũng nêu nhiều đề xuất, kiến nghị, đặc biệt là về phân cấp, phân quyền trong công tác quy hoạch đô thi, thành lập, mở rộng các khu công nghiệp, chuyển mục đích sử dụng đất…
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao phát biểu của các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố. Thủ tướng đánh giá, tình hình quý I có những khó khăn, thách thức trong và ngoài nước tác động mạnh tới việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành, giám sát, phối hợp của Quốc hội; sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các cấp chính quyền; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, bạn bè, đối tác quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến, khởi sắc rất tích cực.
Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, Việt Nam đạt độ bao phủ vaccine rất cao, các biện pháp y tế được coi trọng, đẩy mạnh toàn diện, nhờ đó số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong giảm sâu từ cuối tháng 3. Chúng ta đã mở cửa trở lại nền kinh tế, du lịch và tiếp tục mở cửa trường học an toàn.
Tăng trưởng kinh tế phục hồi ở hầu hết các địa phương, một số địa phương tăng trưởng GRDP trên 10% như Bắc Giang, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Nam, Kon Tum, Hải Phòng, nhiều địa phương tăng trưởng trên 8% như Lai Châu, Hà Nam, Hưng Yên, Quảng Ninh…
Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát dù sức ép rất lớn, thị trường tiền tệ, lãi suất ổn định trong khi xu thế thế giới là tăng lãi suất; Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt kết quả tích cực với 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9%, là tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư ngay từ những tháng đầu năm; Phát triển doanh nghiệp khởi sắc với gần 60.000 doanh nghiệp đăng ký mới và tái gia nhập thị trường; Thương mại, dịch vụ phục hồi tích cực, đặc biệt sôi động trong tháng 3, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I tăng 4,4% so với cùng kỳ, trong đó tháng 3 tăng 9,4%.
Tập trung, quyết liệt triển khai chương trình phòng chống dịch COVID-19
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, đời sống người dân được bảo đảm. Việc triển khai các gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68, 126, 116 đạt gần 79,2 nghìn tỷ đồng cho 48,6 triệu lượt người lao động và 742,5 nghìn lượt đơn vị sử dụng lao động/hộ kinh doanh…
Thủ tướng nhấn mạnh, những kết quả toàn diện, đồng bộ ở các địa phương là rất đáng trân trọng trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, trong nước có nhiều khó khăn, thách thức. Đây là cơ sở để chúng ta có khí thế hơn, tự tin hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhằm đạt kết quả tốt hơn thời gian tới, phát huy mặt tích cực, khắc phục những hạn chế, tồn tại.
Về dự báo tình hình quý II, Thủ tướng yêu cầu phải xác định còn khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi, nhất là liên quan tới giá cả, lạm phát, nguyên liệu đầu vào, thị trường biến động…, có những khó khăn chưa thể dự báo hết được, cộng với những hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức đã được chỉ ra. Do đó, phải quyết tâm, quyết liệt, cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.
Đặc biệt, trong phân bổ và triển khai đầu tư công, Thủ tướng đề nghị các địa phương chia sẻ với Trung ương, "chung tay phát triển hạ tầng", không trông chờ, ỷ lại, suy nghĩ, tính toán, đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm tối đa chi thường xuyên, thậm chí "thắt lưng buộc bụng", rà soát, bố trí lại nguồn vốn để dành cho đầu tư phát triển, cho các công trình trọng điểm, lan tỏa cao, mặt khác phải đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng chiến lược, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước.
Thủ tướng nêu rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà các bộ, ngành, địa phương phải tập trung triển khai thực hiện trong quý II năm 2022 như: Tập trung, quyết liệt triển khai chương trình phòng chống dịch COVID-19, chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 4 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; nếu không hoàn thành thì kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện điều chuyển vốn theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế, của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; Đẩy mạnh kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện cam kết tại COP26.
Các bộ, ngành, cơ quan tổ chức thực hiện thật tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ bất thường tại khu vực miền Trung, bảo đảm cao nhất an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Tiếp tục coi trọng công tác phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tổ chức các hình thức dạy học phù hợp, an toàn.
Các địa phương chủ động, phối hợp với các cơ quan Trung ương bảo đảm cung cầu lao động. Đẩy mạnh công tác rà soát, hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính. Nắm sát tình hình, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực bất động sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, môi trường, xăng dầu..., rà soát, phát hiện các lỗ hổng về cơ chế, chính sách để điều chỉnh phù hợp.
Về các dự án giao thông trọng điểm, Thủ tướng yêu cầu tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, giúp người dân yên tâm, tin tưởng cuộc sống ở nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; Các địa phương cũng tập trung cho công tác lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch…
Xem thêm video đang được quan tâm:
Hộ chiếu Vaccine Việt Nam: Hơn 1.000 người đầu tiên đã được cấp, thay thế giấy tiêm chủng | SKĐST