Sáng 29/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022. Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5 và thời gian tới cùng một số nội dung quan trọng khác.
Sự đúng đắn của các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch
Các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá, trong tháng 4, cả nước tiếp tục quyết liệt triển khai Chương trình tổng thể phòng, chống COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tiếp nối đà tích cực của Quý I, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong chương trình, kế hoạch và cả các công việc phát sinh. Nhờ đó, kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm tiếp tục khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, nhiều lĩnh vực đạt mức tốt hơn cả những năm trước đại dịch.
Dịch bệnh được kiểm soát với số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong giảm sâu từ cuối tháng 3 cho thấy rõ sự đúng đắn của các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra, củng cố niềm tin, sự an tâm của người dân, doanh nghiệp để tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Thủ tướng nêu rõ, trong thời gian qua, công tác phòng chống dịch trên phạm vi cả nước ngày càng tốt hơn. Chúng ta tiếp tục tiêm mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi, đặc biệt là các đối tượng rủi ro cao, cơ bản hoàn thành việc tiêm mũi thứ 3 cho người từ 12-18 tuổi, triển khai tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi trên diện rộng.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục trực tiếp chỉ đạo Bộ Y tế và các địa phương triển khai chương trình tiêm chủng vaccine để đạt được mục tiêu Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả, phù hợp tình hình.
Đồng thời, các cấp, các ngành không được lơ là, chủ quan với dịch bệnh, bám sát tình hình thực tế, tiếp tục quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống dịch trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, đất nước đã mở cửa, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều nước và có nguy cơ xuất hiện biến chủng mới.
Cũng tại phiên họp, Thủ tướng bày tỏ trăn trở khi còn xảy ra nhiều vụ trẻ em tự tử, đuối nước thương tâm; yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu, sớm có giải pháp với tình trạng đuối nước, tự tử ở trẻ em, nhất là các biện pháp tư vấn tâm lý học đường, các cơ quan truyền thông cũng phải quan tâm hơn nữa về vấn đề này.
Thủ tướng nhấn mạnh, cùng với đó an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân được cải thiện. Các hoạt động chăm lo đối tượng chính sách, người nghèo được triển khai tích cực, chu đáo, hiệu quả, tiết kiệm, trong đó có các gói hỗ trợ do ảnh hưởng dịch COVID-19 đạt 80.998 tỷ đồng cho 728.319 lượt người sử dụng lao động, trên 49,52 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.
Không chủ quan, lơ là, "ngủ quên trên vòng nguyệt quế"
"Tổng thể lại, những kết quả đạt được trong tháng 4 là đáng mừng, tích cực, tạo niềm tin và là cơ sở để thực hiện các mục tiêu của các tháng còn lại và cả năm 2022. Kết quả này có được nhờ sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước, trong đó có Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp; sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế", Thủ tướng phát biểu.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu rõ, chúng ta không chủ quan, lơ là, "không ngủ quên trên vòng nguyệt quế" như căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phải tiếp tục rà soát các công việc để đi tiếp chặng đường, thực hiện thành công chương trình công tác của năm 2022, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm các tháng tới, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các địa phương phải tập trung thực hiện quyết liệt các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt, Quốc hội, Chính phủ, trong đó có Nghị quyết 01, 02, Nghị quyết 11 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết 38 về chương trình phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ; bám sát tình hình, chủ động giải quyết các vấn đề phát sinh theo theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nhất quán giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh có thể tác động tới vĩ mô.
Các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phải triển khai nhanh, đúng, đủ, để người dân và doanh nghiệp được hưởng thụ sớm, hưởng thụ thật, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; gia hạn nộp thuế; thực hiện các giải pháp bảo đảm công khai, minh bạch cho các thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản…
Khẩn trương, quyết liệt hơn trong việc tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đề ra tại Chương trình phục hồi và phát triển. Thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Trưởng Ban để chỉ đạo và thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, thành lập Tổ công tác do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Tổ trưởng để đôn đốc, hỗ trợ Bộ Y tế thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong lĩnh vực y tế.
Bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa, cân đối về điện, xăng dầu
Các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện, trình phương án xử lý các vấn đề theo các kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa, bảo đảm cân đối cung-cầu, điều hành, bình ổn giá phù hợp; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa, cân đối về điện, xăng dầu, chủ động phương án sản xuất, vận hành hệ thống điện, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong mùa cao điểm nắng nóng sắp tới.
Theo dõi sát tình hình thiên tai, mưa lũ để có giải pháp ứng phó phù hợp; có biện pháp kiểm soát và ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi, thúc đẩy mạnh việc nghiên cứu và sản xuất vaccine dịch tả lợn Châu Phi.
Theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, nhất là tình hình lạm phát, giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược, phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản phù hợp, phương án ứng phó kịp thời để điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và bình ổn giá. Thực hiện quyết liệt, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ điều hành, bảo đảm thống nhất, xuyên suốt, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở; xử lý nghiêm các sai phạm, không để thao túng, lũng đoạn thị trường.
Triển khai hiệu quả mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, bảo đảm an ninh, an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4, 01/5, đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch. Các thủ tục phải bảo đảm thông thoáng cho du khách nhưng kiểm soát được dịch bệnh.
Tiếp tục rà soát, triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân. Chuẩn bị, bảo đảm cho Nhân dân nghỉ lễ 30/4-1/5 vui tươi, lành mạnh, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn dịch bệnh.
Chuẩn bị để tổ chức kỳ thi trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022 bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng, chú ý việc lấy ý kiến người dân; hoàn thiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng Khung chiến lược phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2021-2030.
Khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị, tổ chức SEA games 31 thành công, hiệu quả, tiết kiệm, bảo đảm tinh thần thể thao cao thượng, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dự báo thời tiết 30/4 - 1/5: Thời tiết xấu, miền Bắc không có bão, miền Nam mưa dông | SKĐS