"Chèo kéo không được là đánh vào mặt người ta, rất phản cảm", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói về tiêu cực ở bến xe dịp Tết. Để đảm bảo an toàn cho dân, các ngành trọng yếu như Giao thông, Công an, Tài chính, Công thương... đều được yêu cầu tăng cường hoạt động ở mọi mặt trận.
Trong phiên họp Chính phủ chiều 25/1, nhiều vấn đề dân sinh liên quan tới dịp nghỉ Tết 9 ngày đã được các thành viên Chính phủ tập trung bàn thảo.
Theo người đứng đầu ngành công thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, do tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn nên sát Tết sức mua vẫn chậm, chỉ tăng 25-30% so với ngày thường. Tình trạng này phản ánh thực tế cách chi tiêu tiết kiệm của người dân dù giá cả không tăng, thậm chí còn giảm. Nhiều địa phương nhất là ở Hà Nội, TP HCM có kế hoạch mở cửa bán lẻ cho đến 30 Tết và chỉ nghỉ 1 Tết. Mùng 2 mở cửa trở lại.
“Hàng hóa rất dồi dào, người dân không phải mua hàng trữ Tết”, Bộ trưởng Hoàng khẳng định.
Trước tình hình giao thông căng thẳng, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ Giao thông và Bộ Công an đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm đảm bảo đi lại cho người dân. Việc triển khai bán vé tàu Tết được thực hiện sớm, ngành hàng không chuẩn bị 2 triệu chỗ ngồi trong khi hầu hết các bến xe đều có xe dự phòng.
“Chúng tôi yêu cầu không được để bất cứ người dân nào không được về quê ăn Tết vì thiếu xe. Nếu có, phải lấy xe giám đốc bến đưa về”, ông Thăng nhắc lại điều mà Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo khi kiểm tra các bến xe ở Hà Nội vào sáng cùng ngày.
Về tình hình tai nạn, Bộ trưởng Thăng cho hay, dù số người bị thương giảm nhưng số thiệt mạng thực tế lên tới 900 người, tăng 10 người so với cùng kỳ năm ngoái. Để hạn chế số vụ tai nạn và thương vong, Bộ Công an, Giao thông đã cử hơn 20 đoàn kiểm tra, công khai 11 số đường dây nóng cho cả Hà Nội, TP HCM để khi người dân phản ánh là có người xử lý.
“Dịp Tết quân số cảnh sát giao thông sẽ đảm bảo đủ. Rút kinh nghiệm từ 2013, cảnh sát sẽ được tăng cường tại các vùng nông thôn nhằm hạn chế tai nạn khi người dân uống rượu bia”, ông Thăng nêu giải pháp.
Trong khi đó, để giúp người dân, đặc biệt là công nhân đỡ vất vả trong việc rút tiền mặt, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu mang bàn đổi trả tiền ra các khu công nghiệp. Điều này đã giúp hạn chế việc tắc nghẽn tại các cột ATM.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương ngay trong tháng 2 phải bắt tay ngay vào thực hiện các nhiệm vụ được giao tại nghị quyết về kinh tế - xã hội và ngân sách 2014. Nhiệm vụ hàng đầu vẫn là bảo đảm ổn định vĩ mô của nền kinh tế.
Dịp Tết Nguyên đán ngay trước mắt, Thủ tướng nhấn mạnh, việc đi lại, về quê ăn Tết của người dân là hết sức quan trọng, kể cả trước, trong và sau Tết. Vì thế, bảo đảm an toàn là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu. Nhắc đến phóng sự trên truyền hình về tình trạng chèo kéo khách tại các bến xe, Thủ tướng cho biết, ông “rất bức xúc”. “Chèo kéo không được là đánh vào mặt người ta, rất phản cảm”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị có chính sách cho cảnh sát giao thông bởi vai trò của lực lượng này vào các dịp lễ tết là hết sức quan trọng trong việc kiềm chế tai nạn. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp, tăng cường hơn cho khoa chấn thương, chỉnh hình bởi Tết năm nào khoa này cũng đầy bệnh nhân do tai nạn giao thông.
Thủ tướng cũng nhắc nhở các địa phương chăm lo cho người nghèo, người dân tộc thiểu số. Lực lượng công an cần truy quét tội phạm, đảm bảo thanh bình cho người dân, khách du lịch.
“Cần cố gắng làm hết sức để lo cho người dân một cái Tết cổ truyền thiêng liêng thật sự vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Với dịp nghỉ tết dài ngày, tôi đề nghị các lực lượng vũ trang phải bố trí thường trực ở biên giới hải đảo, cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Trần Đại Quang: Tội phạm giảm trước Tết
Theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, Bộ Công an đã mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm để đảm bảo an toàn từ 16/12/2013. Đợt cao điểm này còn kéo dài tới 28/2/2014. Sơ kết một tháng cho thấy kết quả tốt. Trật tự an toàn xã hội dịp trước Tết có chuyển biến tích cực với số vụ trọng án giảm rõ rệt - các vụ như giết, cướp giảm 50%; cố ý gây thương tích giảm 12%. Khoảng 9.000 nghi can đã bị bắt.
Với quy luật chung là tội phạm gia tăng vào dịp Tết, Bộ trưởng Công an cũng lưu ý một số hình thức tội phạm nguy hiểm như cài mìn, đặt chất nổ, điển hình như vụ đặt thuốc nổ trong cassette ở Thanh Hóa.
Vấn đề nhức nhối nhất thời gian qua là tình trạng cháy nổ. Tháng 1 xảy ra 211 vụ cháy, tăng 33 vụ so với tháng 12, gây thiệt hại gần 200 tỷ đồng. “Bộ Công an chỉ đạo không để xảy ra cháy nổ dịp Tết, nhất là pháo nổ phải làm quyết liệt”, ông Quang nói.