Sáng 28/6, Bệnh viện Trung ương Huế phối hợp với Hiệp hội điều dưỡng Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học điều dưỡng toàn quốc lần thứ 11 với chủ đề "Xu hướng mới trong đào tạo và thực hành điều dưỡng". GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế dự và phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu khai mạc, GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), với những đặc trưng như biến động nhanh chóng, không chắc chắn, phức tạp và nhiều thứ rất mơ hồ đã làm thay đổi nhiều chính sách về y tế hiện nay.
Vì vậy, công tác chăm sóc sức khỏe nói chung và công tác điều dưỡng nói riêng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức đa dạng, đòi hỏi người điều dưỡng phải thích ứng với xu hướng mới của thời đại, năng động hơn, sáng tạo hơn, chuyên nghiệp hơn để cung cấp chất lượng dịch vụ chăm sóc người bệnh ngang tầm khu vực và thế giới.
Theo GS.TS Phạm Như Hiệp, với sự chỉ đạo của Bộ Y tế, sự nỗ lực vượt bậc của các bệnh viện và các cơ sở y tế, hoạt động điều dưỡng nói chung và chất lượng chăm sóc người bệnh đã có những thay đổi đáng ghi nhận trong những năm gần đây.
Trong đó, điều dưỡng đã áp dụng thực hành y khoa dựa vào bằng chứng, công nghệ trong chăm sóc người bệnh. Đặc biệt, trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, nhiều đề tài khoa học và sáng kiến cải tiến trong hoạt động chăm sóc người bệnh được thực hiện và áp dụng…
Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, điều dưỡng là một nghề cao quý, đóng vai trò thiết yếu trong việc chăm sóc, điều trị và hỗ trợ bệnh nhân, đòi hỏi không chỉ kiến thức chuyên môn vững vàng mà còn phải có tình yêu thương, sự tận tâm và tinh thần trách nhiệm cao cả.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, trong những năm qua, ngành điều dưỡng đạt dược nhiều thành tựu đáng tự hào. Các trường đào tạo điều dưỡng không ngừng tham khảo kinh nghiệm quốc tế, ứng dụng vào thực tiễn tại Việt Nam để nâng cao chất lượng giáo dục, cập nhật chương trình giảng dạy đáp ứng nhu cầu thực tế. Lực lượng điều dưỡng viên thể hiện sự chuyên nghiệp, kiên trì và trách nhiệm trong công việc, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, ngành điều dưỡng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao do sự gia tăng dân số và tuổi thọ trung bình. Sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ y tế đòi hỏi điều dưỡng viên phải liên tục cập nhật kiến thức và kỹ năng.
Bên cạnh đó, vấn đề thiếu hụt nhân lực điều dưỡng ở một số khu vực và sự phân bổ không đồng đều cũng đặt ra nhiều khó khăn. Đồng thời, nhận thức về công việc và đóng góp của công tác điều dưỡng vào việc nâng cao kết quả điều trị và cải tiến chất lượng bệnh viện còn chưa đặt đúng tầm quan trọng của điều dưỡng trong hệ thống y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, để đáp ứng những thách thức, xu hướng mới trong đào tạo và thực hành điều dưỡng, cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng không chỉ về y thuật mà còn cả y đức. Công nghệ y tế và phương pháp điều trị luôn thay đổi, do đó việc học tập không ngừng là cần thiết để đảm bảo điều dưỡng viên luôn cập nhật kiến thức mới nhất.
"Chúng ta cần chú trọng đổi mới chương trình đào tạo điều dưỡng theo hướng hiện đại, sát thực tiễn và phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại, trau dồi y đức, các kỹ năng giao tiếp, ứng xử hướng tới sự hài lòng hơn nữa của người bệnh, đặc biệt là đối tượng điều dưỡng trẻ, tạo điều kiện cho họ phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và thực hành", Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Thứ trưởng nhấn mạnh, quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm là mục tiêu xuyên suốt của nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Điều này đòi hỏi điều dưỡng viên không chỉ chăm sóc về mặt thể chất mà còn phải quan tâm đến tâm lý, xã hội và tinh thần của người bệnh. Sự chăm sóc toàn diện này giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn và có chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo và thực hành điều dưỡng cũng là một xu hướng tất yếu. Học trực tuyến, sử dụng phần mềm mô phỏng và các ứng dụng di động hỗ trợ học tập đang ngày càng trở nên phổ biến. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho học viên tiếp cận kiến thức mọi lúc, mọi nơi.
"Chúng ta cần tận dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công việc, làm giảm những gánh nặng hành chính lên người điều dưỡng, để họ tập trung vào chuyên môn, tránh xảy ra sai sót, hay chí ít là có thêm chút thời gian quý báu để cân bằng giữa công việc và cuộc sống", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chia sẻ.
Thứ trưởng cũng cho rằng, không chỉ tập trung chuyên môn, cần tăng cường vai trò của điều dưỡng trong quản lý và lãnh đạo y tế. Điều dưỡng viên cần được trang bị kiến thức và kỹ năng quản lý để có thể tham gia vào quá trình lập kế hoạch, đánh giá và cải thiện chất lượng dịch vụ y tế. Điều đó không chỉ đẩy mạnh vai trò của điều dưỡng viên, góp phần cải thiện toàn diện hệ thống y tế mà còn nâng cao vị thế của người điều dưỡng trong xã hội.
"Với lực lượng chiếm trên một nửa tổng số công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế Việt Nam với 150.000 điều dưỡng, hộ sinh, đây là một lực lượng đông đảo, có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn đến không chỉ chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà còn cả hệ thống khám bệnh, chữa bệnh. Với sự nỗ lực không ngừng của toàn ngành và sự hỗ trợ từ các cấp, ngành điều dưỡng Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.