Phát biểu tại buổi góp ý Đề án “Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám, chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020-2030” tổ chức tại TP.HCM sáng nay 13/12, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám Chữa bệnh cho rằng, TP.HCM có tiềm năng rất lớn bởi các bệnh viện đã quan tâm đầu tư và đào tạo một đội ngũ cán bộ trình độ tay nghề cao.
Cụ thể ở khối công lập phải kể đến các bệnh viện Chợ Rẫy, 115, Bình Dân, Từ Dũ, Răng Hàm Mặt… Bênh cạnh đó các bệnh viện khối ngoài công lập như Vinmec, Gia An 115… cũng đều hướng tới các kỹ thuật cao nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt khối ngoài công lập đã có sự đầu tư dịch vụ ở mức cao cấp, sẵn sàng phục vụ bệnh nhân nước ngoài và giữ chân bệnh nhân trong nước.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê chủ trì buổi góp ý đề án sáng 13/12
Theo PSG.TS Lương Ngọc Khuê, bác sĩ Việt Nam hiện nay đã làm chủ được rất nhiều kỹ thuật điều trị cao không thua các nước khác, điển hình là các kỹ thuật làm răng, thụ tinh trong ống nghiệm, điều trị đột quỵ, ghép gan, ghép thận, ghép tim, chữa khớp, mổ nội soi, phẫu thuật mắt, kỹ thuật chẩn đoán…Chính sự phát triển này đã thu hút rất nhiều Việt kiều về nước điều trị. Ngoài ra điều, một trong những thế mạnh của y tế trong nước là chi phí thấp hơn các nước. Đây là điều đáng mừng nhưng các bệnh viện vẫn phải lưu ý.
“Để thu hút bệnh nhân, điều đầu tiên cần làm là các cơ sở y tế phải tự làm tốt chuyên môn, phải có năng lực thực sự, mình phải tốt thì mới tạo được lòng tin chứ không phải đánh bóng quảng bá mang tính hình thức. Phải lấy khẩu hiệu lấy người bệnh làm trung tâm, phải chăm sóc toàn diện, phải thay đổi tư duy phục vụ từ người bảo vệ, người tiếp tân, điều dưỡng cho đến bác sĩ điều trị”, PSG.TS Lương Ngọc Khuê nói.
Góp ý đề án, BS. Phạm Thanh Việt, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, BV Chợ Rẫy cho biết, số lượng người nước ngoài, kiều nào nước ngoài đến khám chữa bệnh tại bệnh viện tăng dần. Bên cạnh những đi du lịch nhập viện cấp cứu do tai nạn hay bệnh xảy ra đột ngột, hiện đã có một số người nước ngoài, nhiều nhất là Campuchia đã chủ động đến bệnh viện điều trị. Ngoài ra cũng có số lượng lớn Việt kiều về nước điều trị.
Điểm mạnh của việc thu hút người nước ngoài đến Việt Nam điều trị là chi phí dịch vụ thấp nhưng chất lượng chuyên môn không thua gì các nước khác. Tuy nhiên bên cạnh đó, điều hạn chế nhất là chế độ phục vụ chưa thật cao.
Theo BS. Việt, muốn thu hút được người nước ngoài đến khám chữa bệnh hoặc giữ chân những người thì phải phát triển đồng bộ. Ví dụ ở Thái Lan, một chuyến du lịch sức khỏe sẽ được chăm sóc từ tận sân bay đến phòng ở, đến khám chữa bệnh, du lịch các điểm, có người biết tiếng Việt để đi theo suốt chuyến đi.
“Muốn làm tốt và chiếm được cảm tình của khách thì phải biết tự nâng giá trị dịch vụ bằng cách chấp nhận cung cách phục vụ khách hàng tận tâm từ chuyện nhỏ nhất, không chỉ chăm sóc y tế mà cả du lịch. Sự đồng bộ ở đây chính là sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, là sự kết hợp với ngành du lịch. Không thể để tình trạng xung quanh một bệnh viện có người nước ngoài đến khám lại nhếch nhác, phòng trọ bết bát, giá cả chặt chém, an ninh trật tự lộn xộn”, BS. Việt nói.
Với khối y tế ngoài công lập, TS.BS. Trương Vĩnh Long, Giám đốc BV. Gia An 115 cho biết, thực hiện chủ trưởng của ngành y tế trong việc nâng cao chất lượng điều trị, khánh thành từ tháng 12/2018, ngay từ đầu, bệnh viện đã hướng tới cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao. “Tiêu chí của chúng tôi là lấy người bệnh làm trung tâm với quy trình hoàn toàn khép kín từ nhận bệnh, kiểm tra phân loại, bác sĩ thăm khám, thực hiện chỉ định cận lâm sàng, nhập viện, cho đến chăm sóc, giáo dục, tư vấn cho bệnh nhân. Ngoài chất lượng chuyên môn, bệnh viện còn có dịch vụ nội trú và chăm sóc đặc biệt với giá trị dịch vụ ở mức cao nhất, đảm bảo sự hài lòng cho những bệnh nhân cao cấp”, BS. Long nói.
Theo kết quả khảo sát nhanh do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh thực hiện tháng 8/2019 tại 329 bệnh viện, tổng số 6 tháng đầu năm có 88.983 lượt người nước ngoài khám bệnh và 10.170 người nước ngoài điều trị nội trú tại các bệnh viện các tuyến. Đây là kết quả ban đầu đáng khích lệ. Do đó Bộ Y tế đã đề xuất chủ trương mới “Dây rút ngược” trong năm 2019 với quan điểm sáng tạo và bứt phá định hướng cho các bệnh viện đầu ngành, tuyến cuối ưu tiên phát triển kỹ thuật chất lượng cao, thay vì tiếp nhận nhiều mặt bệnh như hiện nay.
Chính vì vậy, trước thực trạng và lý do nêu trên, việc xây dựng Đề án “Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám, chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020-2030” là việc hết sức cần thiết và cấp bách. Giai đoạn hiện nay đã đủ điều kiện để xây dựng đề án.
Các chính sách, hoạt động mang tính đồng bộ, liên ngành theo nội dung đề án sớm được triển khai sẽ tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho các bệnh viện, giảm “chảy máu ngoại tệ”, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách quốc gia mà còn tạo nên nhiều hiệu ứng tích cực tác động đến sự phát triển của ngành y và xã hội, góp phần nâng cao uy tín ngành y tế đồng thời mang lại sự hài lòng thực sự cho người bệnh và nhân viên y tế.
Theo chỉ tiêu của đề án, đến năm 2030, tỷ lệ bệnh viện xây dựng đề án khám, chữa bệnh chất lượng cao, kỹ thuật cao tại tuyến trung ương là 100%, tuyến tỉnh 20%, tư nhân 15%. Tỷ lệ bệnh viện tuyến trung ương được công nhận có khu điều trị quốc tế chất lượng cao là 95%. Tỷ lệ tỉnh/thành phố có bệnh viện được công nhận có khu điều trị quốc tế chất lượng cao là 80% và tỷ lệ người nước ngoài khám, chữa bệnh tại Việt Nam tăng trưởng hàng năm từ 1% trở lên.