Hà Nội

Thông tin ban đầu về độc tính của cây lược vàng: Những kết quả bất ngờ

18-03-2009 15:54 | Thời sự
google news

“Kết quả nghiên cứu về cây lược vàng mà lâu nay vẫn được dân gian coi như cây "thần dược" chữa bách bệnh thực chất không có tác dụng chống viêm cấp trên mô hình gây viêm cấp thực nghiệm bằng caragenin,

“Kết quả nghiên cứu về cây lược vàng mà lâu nay vẫn được dân gian coi như cây "thần dược" chữa bách bệnh thực chất không có tác dụng chống viêm cấp trên mô hình gây viêm cấp thực nghiệm bằng caragenin, đặc biệt còn gây chết súc vật thí nghiệm ở liều uống cao......". Kết quả nghiên cứu ban đầu của Viện Dược liệu trùng hợp với đánh giá sơ bộ của các chuyên gia y dược học mà báo Sức khỏe & Đời sống đã nhiều lần đăng tải, cảnh báo.

“Thần dược” hay sự đồn thổi?

Giải thích lý do về việc nhóm các nhà khoa học của Viện Dược liệu quyết định nghiên cứu về cây “thần dược” lược vàng với đề tài “Bước đầu nghiên cứu về thành phần hóa học và tác dụng sinh học của cây lược vàng”, TS. Nguyễn Minh Khởi, Viện trưởng Viện Dược liệu cho biết, thời gian qua có khá nhiều người dân đã liên lạc với Viện Dược liệu để tìm câu trả lời về cây lược vàng, do đó tháng 9/2008, một nhóm các nhà khoa học đang công tác tại Viện đã vào cuộc. TS. Khởi cũng cho hay, việc nghiên cứu này nhằm góp phần tạo cơ sở khoa học cho việc sử dụng cây lược vàng làm thuốc một cách hiệu quả và an toàn, đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của nhân dân.

 Cây lược vàng hiện đã được bày bán ở nhiều nơi. Ảnh: KM

TS. Trịnh Thị Điệp, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, cây lược vàng (tên khoa học là Callisi fragrans) là cây thuốc được sử dụng theo kinh nghiệm dân gian ở Nga và có thông tin cho rằng ở Nga loại cây này được dùng để chữa nhiều chứng bệnh như viêm đường hô hấp, viêm răng lợi, viêm đường tiết niệu, bệnh dạ dày, đau xương khớp đến các bệnh về tim mạch, huyết áp, thậm chí cả ung bướu... nhưng trên thế giới có rất ít các công bố khoa học về thành phần hóa học và tác dụng sinh học của cây lược vàng. Tại Việt Nam, cây lược vàng chưa được nghiên cứu mà chủ yếu mới chỉ được dùng chữa bệnh theo kinh nghiệm. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của nhóm thu được thật bất ngờ. Về kết quả thử tác dụng chống viêm cấp trên thực nghiệm với liều dùng tương đương với 50g dược liệu tươi/kg thể trọng chuột cho thấy lược vàng không có tác dụng chống viêm, thậm chí cao chiết cồn 50% từ thân lược vàng còn tăng phản ứng viêm. Về khả năng kháng khuẩn, trong 3 chủng vi khuẩn thường gặp, cao chiết của lá và thân lược vàng có tác dụng kháng khuẩn đối với Staphylococcus aureus nhưng phải ở nồng độ rất cao so với kháng sinh tham chiếu là azithromycin. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy cao chiết lá và thân lược vàng còn có độc tính cấp, gây chết chuột thí nghiệm ở liều uống cao tương đương với từ 2.100g-3.000g dược liệu tươi/kg thể trọng.

Sẽ có nghiên cứu chuyên sâu hơn

Theo TS. Trịnh Thị Điệp đại diện nhóm nghiên cứu, về nguyên tắc, có độc tính không có nghĩa là không nên dùng mà vấn đề đáng quan tâm là liều dùng nào đạt được tác dụng dược lý mong muốn và liều dùng nào gây ảnh hưởng không có lợi với sức khỏe con người. Bởi trên thực tế một số loại thuốc có liều độc vẫn có thể được chấp nhận dùng để chữa bệnh nhưng phải đặt dưới sự theo dõi của bác sĩ điều trị. Với cây lược vàng, liều sử dụng trên súc vật thí nghiệm không phải là liều sử dụng cho người. Nếu so với liều dùng bình thường, như người dân sử dụng 5-6 lá/ngày thì liều độc gây chết (50%) thì phải gấp 1.000 lần như thế, điều này đồng nghĩa với việc người dân không nên xay cây lược vàng nhiều như rau má để uống. Qua kết quả nghiên cứu bước đầu này, nhóm nghiên cứu chưa thể khẳng định rằng người dân sử dụng với liều lượng 5 - 6 lá/ngày có bị ảnh hưởng đến sức khỏe hay không. Đồng thời, tuy các kết quả nghiên cứu dược lý ban đầu chưa làm sáng tỏ tác dụng chữa bệnh của cây lược vàng nhưng cũng đã cho thấy rằng lược vàng phải chứa các thành phần có hoạt tính sinh học mạnh thì mới có ảnh hưởng rõ đến chuột thực nghiệm. Vì thế cần phải tiến hành một nghiên cứu sâu hơn mới có thể đưa ra kết luận cuối cùng về vấn đề này. Do đó, TS. Điệp khuyến cáo khi các nhà khoa học chưa đưa ra kết luận cuối cùng về tác dụng chữa bệnh của cây lược vàng, người dân hãy thận trọng khi sử dụng loại cây vốn được đồn thổi là “thần dược” có thể chữa bách bệnh này.

Hiện tại, Viện Dược liệu đã đề nghị Bộ Y tế cho tiến hành một đề tài nghiên cứu cấp Bộ về vấn đề này để có thể nghiên cứu về cây lược vàng đầy đủ và toàn diện hơn nhằm làm sáng tỏ xem cây này có tác dụng thực sự như dân gian truyền miệng hay không và hoạt chất thực sự của nó là gì. Trên cơ sở đó sớm cung cấp những thông tin khoa học chính xác để trả lời dư luận, giúp người dân sử dụng cây lược vàng an toàn và hiệu quả. Theo đó nếu đề tài được phê duyệt, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục thực nghiệm thử về kháng khuẩn, thử chống viêm trên mô hình khác (gây viêm bằng các tác nhân khác), thử tác dụng hạ đường huyết và khả năng trên hệ miễn dịch xem có khả năng kích thích hệ miễn dịch hay không. Đặc biệt, sẽ tiến hành thử nghiệm trên động vật thí nghiệm trong thời gian dài. Sau đó làm xét nghiệm sinh hóa kiểm tra trên tế bào gan thận, xem có ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của cơ thể hay không. “Nếu không nghiên cứu chuyên sâu về loại cây này có thể sẽ làm lãng phí một nguồn dược liệu dễ trồng nhưng cũng có thể không phát hiện ra yếu tố không có tác dụng tốt cho sức khỏe con người” - TS. Điệp Nhấn Mạnh.

Thái Bình


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn