Đây cũng là đợt quan sát thử nghiệm vũ khí đầu tiên trong năm nay của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Vụ thử nghiệm này được nhận định là một phần trong sáng kiến của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhằm cải cách quân đội, tập trung vào việc phát triển vũ khí công nghệ cao. Tuy nhiên, việc Triều Tiên thử nghiệm loại vũ khí mới đã và dang đặt ra nhiều câu hỏi, đặc biệt là đối với Mỹ.
Mặc dù nhà lãnh đạo Kim Jong-Un nhưng không nêu cụ thể thông số của loại vũ khí mới, nhưng tuyên bố của giới chức Triều Tiên đã và đang làm dấy lên nhiều câu hỏi.
Nhiều phỏng đoán cho rằng, Triều Tiên có khả năng đã thử tên lửa tầm ngắn hoặc tầm trung nhưng việc Triều Tiên tuyên bố thử loại vũ khí mới tốt hơn vũ khí đã có, được cho là một thông điệp của Triều Tiên gửi đến Hoa Kỳ, Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế rằng Triều Tiên không bao giờ chấp nhận những điều kiện áp đặt một chiều của Mỹ. Triều Tiên từng nhiều lần tuyên bố rằng Bình Nhưỡng sẵn sàng giải giáp vũ khí hạt nhân nếu như Mỹ đáp ứng các điều kiện của Triều Tiên. Tuy nhiên từ thời điểm tháng 12/6/2018 đến nay, Triều Tiên đã chờ Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Nhưng qua 5 tháng, Mỹ vẫn chưa gỡ bỏ bất kỳ biện pháp trừng phạt nào nhằm vào Triều Tiên. Trong bối cảnh ấy, dễ hiểu vì sao Triều Tiên cảm thấy bất an. Do đó, việc Triều Tiên thông báo thử nghiệm những loại vũ khí mới được cho muốn gửi tới Washington một tín hiệu rằng “cần phải hiện thực hóa cam kết mà Mỹ và Triều Tiên đạt được tại Singapore ngày 12/6 vừa qua”.
Trong các lần xuất hiện trước công chúng gần đây, nhà lãnh đạo Kim Jong-Un nhiều lần tuyên bố sẽ chuyển hướng sang ưu tiên phát triển kinh tế hơn là quân sự trong những năm tới. Vậy cuộc thử nghiệm vũ khí công nghệ cao vừa qua nói lên điều gì trong chiến lược phát triển quân sự của Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã từng tuyên bố đưa Triều Tiên trở thành một quốc gia hùng mạnh về kinh tế, trong khi đó vẫn giữ lực lượng quốc phòng hùng hậu, đủ sức răn đe các đối thủ. Thực tế cho thấy, việc chính quyền Triều Tiên tuyên bố thử thành công những loại vũ khí mới vừa nêu, ngoài việc gửi các tín hiệu đến Mỹ và Hàn Quốc, còn nhằm một mục đích khác. Đó là việc gửi thông điệp tới 25 triệu người dân Triều Tiên rằng: dù ưu tiên trọng tâm phát triển kinh tế đất nước, nhưng Bình Nhưỡng không bao giờ xao nhãng khả năng phòng thủ đất nước. Nhà lãnh đạo Kim Jong- Un rõ ràng muốn nói với 25 triệu người dân Triều Tiên rằng “chính quyền của ông có đủ khả năng đối phó với tất cả các mối đe dọa từ nước ngoài”.
Một câu hỏi nữa đặt ra hiện nay là: Liệu vụ thử vũ khí mới của Triều Tiên có ảnh hưởng gì đến các cuộc đàm phán hòa bình đang được xúc tiến giữa nước này với Hàn Quốc cũng như với Mỹ hay không?
Thực tế cho thấy việc Hàn Quốc và Triều Tiên liên tục tiến hành các cuộc đàm phán song phương ở nhiều cấp, thậm chí ở các cấp cao nhất trong suốt năm qua, đã tạo bầu không khí tích cực cho cả hai miền. Vì thế, việc Triều Tiên đột ngột tuyên bố thử thành công một loại vũ khí mới có hiệu lực hơn các loại vũ khí sẵn có, có thể khiến Hàn Quốc và Mỹ khó chịu. Thậm chí, có thể làm cho bầu không khí hòa giải trên bán đảo Triều Tiên “chững lại”. Bởi việc Triều Tiên tuyên bố thử thành công một loại vũ khí mới sẽ buộc Hoa Kỳ “cảnh giác” hơn với Triều Tiên, khiến quá trinh hóa giải mâu thuẫn và gây dựng lòng tin giữa Mỹ và Triều Tiên nói chung; giữa Hàn Quốc và Triều Tiên càng thêm khó khăn.
Với việc thử nghiệm loại vũ khí mới vừa công bố, có vẻ như lòng tin giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa được vun đắp.
Vậy, động thái tiếp theo của Mỹ và Triều Tiên sẽ là gì? Giới phân tích nhận định trong bối cảnh hai bên cùng “chưa tin nhau”, thì động thái thử vũ khí mới của Triều Tiên chính là một lời nhắc “Mỹ phải thực hiện cam kết” hoặc là Triều Tiên sẽ từ bỏ các nỗ lực phi hạt nhân hóa.
Hiện, ông Trump đã và đang phải chịu nhiều sức ép từ dư luận trong nước khi đảo ngược chính sách của những người tiền nhiệm trong các vấn đề nhạy cảm như Triều Tiên hay Iran. Do đó, nếu không đạt được tiến triển trong vấn đề Triều Tiên, rất có thể ông Trump sẽ phải hứng thêm nhiều chỉ trích.
Xin nhắc lại rằng Tuyên bố chung cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày 12/6/2018 gồm 4 nguyên tắc cơ bản để duy trì xu hướng hòa giải đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên. Dẫu vậy, sau những cái bắt tay, nụ cười và những lời lẽ nồng ấm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều, liệu bản tuyên bố chung chứa đựng những cam kết hướng tới nền hòa bình thực sự có được hiện thực hóa hay không. Và sau 5 tháng, câu hỏi này vẫn tiếp tục còn bỏ ngỏ.
Cam kết là một chuyện còn hiện thực hóa lại là một quá trình hoàn toàn khác. Để đạt được những kết quả rất tích cực trên bán đảo Triều Tiên, không phủ nhận Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đều có những động lực và mục tiêu riêng. Đó là mục tiêu thay đổi chiến lược ngoại giao mở cửa với thế giới, phát triển kinh tế - thương mại của Triều Tiên nhằm khắc phục hậu quả các biện pháp trừng phạt của Phương Tây. Còn với Mỹ là quyết tâm khẳng định vị thế và vai trò của nước Mỹ trong các điểm nóng quốc tế, cũng như một dấu ấn ngoại giao lịch sử của Tổng thống Đô-nan Trăm. Cùng với nỗ lực ngoại giao từ phía Hàn Quốc, những động lực này đã thôi thúc hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều tìm đến nhau và cùng mở ra một chặng đường mới cho tất cả các bên. Nhưng thực tế và khoảng cách từ cam kết dến hành động vẫn còn quá lớn.
Thời điểm hiện nay, việc Mỹ hiện thực hóa các cam kết với Triều Tiên được cho là điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho tiến trình phi hạt nhân hóa dienx ra suôn sẻ. Nhưng liệu Mỹ có chịu rút quân hay hủy bỏ toàn bộ các cuộc tập trận với đồng minh Hàn Quốc như Bình Nhưỡng mong muốn hay không?... Lộ trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng đang là tâm điểm chú ý của nhiều nước lớn như Trung Quốc, Nga hay Nhật Bản. Và chắc chắn, những nước này đều không muốn “đứng bên lề” trong mỗi bước đi ngoại giao liên quan đến khu vực địa chính trị này.
Rõ ràng từ cam kết tới hành động cụ thể là một khoảng cách mà người ta chưa thể xác định cụ thể là dài hay ngắn, bởi lịch sử cho thấy vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên luôn phức tạp. Và vì thế, việc Triều Tiên tuyên bố thử thành công các loại vũ khí mới chính là một thông điệp mang tính “nhắc nhở” Mỹ, cần “nói đi đôi với làm” trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.