Hà Nội

Thoái hóa khớp gối: Nguyên nhân, biểu hiện, điều trị và cách phòng bệnh

08-07-2024 10:52 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Thoái hóa khớp gối phổ biến nhất. Bệnh tiến triển qua nhiều giai đoạn, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh.


1. Tổng quan về khớp gối

Đầu gối là một trong những khớp lớn nhất và phức tạp nhất trên cơ thể. Đầu gối nối xương đùi với xương ống chân (xương chày). Xương mác (nằm ngoài cẳng chân, chia sẻ bớt gánh nặng cho xương chày) và xương bánh chè là những xương khác góp phần tạo nên khớp gối.

Gân kết nối xương đầu gối với cơ chân, giúp khớp gối cử động linh hoạt. Trong khi đó, các dây chằng xung quanh xương đầu gối có nhiệm vụ tạo sự ổn định cho đầu gối.

Có 4 loại dây chằng gối:

  • Dây chằng chéo trước: ngăn không cho xương đùi trượt ra sau trên xương chày (hoặc xương chày trượt ra trước trên xương đùi).
  • Dây chằng chéo sau: ngăn không cho xương đùi trượt ra trước trên xương chày (hoặc xương chày trượt ra sau trên xương đùi).
  • Dây chằng chéo giữa và dây chằng bên: ngăn không cho xương đùi trượt từ bên này sang bên kia.

Hai miếng sụn hình chữ C (gọi là sụn chêm giữa và sụn bên) đóng vai trò giảm xóc giữa xương đùi và xương chày. Còn bao hoạt dịch – túi chứa đầy chất lỏng – giúp đầu gối cử động trơn tru.

Thoái hóa khớp gối là hiện tượng lớp đệm tự nhiên giữa các khớp (sụn) bị mài mòn. Khi tình trạng này xảy ra, xương của các khớp cọ xát với nhau mạnh hơn dẫn đến trạng thái đau, sưng, cứng, giảm khả năng di chuyển và đôi khi hình thành các gai xương ở vùng đầu gối.

Thoái hóa khớp gối phổ biến nhất. Bệnh tiến triển qua nhiều giai đoạn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh.

Thoái hóa khớp gối phổ biến nhất. Bệnh tiến triển qua nhiều giai đoạn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh.

2. Nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối

Nguyên nhân phổ biến nhất của thoái hóa sụn khớp gối là :

Tuổi tác. Những người cao tuổi hầu hết bị thoái hóa khớp gối do khả năng tự chữa lành của sụn giảm dần.

Trọng lượng cơ thể. Nếu bạn bị thừa cân, béo phì, tải trọng lớn sẽ làm tăng áp lực lên tất cả các khớp, đặc biệt là đầu gối.

Di truyền. Yếu tố này bao gồm các đột biến di truyền và hình dạng bất thường của xương bao quanh khớp gối (khiến sụn khớp dễ bị thoái hóa sớm).

Giới tính. Phụ nữ từ 55 tuổi trở lên có nhiều khả năng bị thoái hóa ở khớp gối hơn nam giới.

Chấn thương. Những người thường xuyên thực hiện các động tác gây áp lực cho khớp, chẳng hạn như quỳ, ngồi xổm hoặc nâng vật nặng…

Chơi thể thao hoặc vận động quá sức. Những rủi ro, tai nạn khiến bạn bị đứt dây chằng , gãy xương bánh chè, chơi thể thao quá sức, các vận động viên tập luyện cường độ cao làm sụn bị tổn thương dẫn đến thoái hóa khớp nhanh.

Lười vận động, luyện tập thể dục.

Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt thiếu khoa học, uống rượu bia quá nhiều khiến sụn khớp bị hủy hoại nghiêm trọng.

3. Triệu chứng thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối có 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn đặc trưng bằng các triệu chứng và dấu hiệu khác nhau

  • Giai đoạn 1

Sụn khớp gối bị thoái hóa giai đoạn 1 thường không có biểu hiện rõ ràng. Người bệnh sẽ không cảm thấy đau hoặc khó chịu do sự mài mòn xảy ra giữa các thành phần của khớp là không đáng kể.

  • Giai đoạn 2

Đây được coi là giai đoạn nhẹ của bệnh. Lúc này, chụp X-quang khớp gối sẽ thấy không gian giữa các xương chưa bị thu hẹp, và các xương không bị cọ xát với nhau. Đồng thời, chất lỏng hoạt dịch được duy trì đủ để khớp vận động bình thường.

Tuy nhiên, đây là thời kỳ mà người bệnh có thể bắt gặp các triệu chứng đầu tiên: đau sau một ngày dài đi bộ hoặc chạy, cứng khớp nhiều hơn khi không cử động trong vài giờ hoặc đau khi quỳ/cúi.

  • Giai đoạn 3

Giai đoạn 3 của thoái hóa khớp được phân loại là "thoái hóa khớp mức độ trung bình". Trong giai đoạn này, sụn giữa các xương có dấu hiệu tổn thương rõ ràng, và không gian giữa các xương bắt đầu thu hẹp lại. Những người bị thoái hóa sụn khớp gối giai đoạn 3 có khả năng bị đau thường xuyên khi đi bộ, chạy, cúi, quỳ. Họ cũng có thể bị cứng khớp sau khi ngồi trong thời gian dài hoặc thức dậy vào buổi sáng. Trong khi đó, hiện tượng sưng khớp sẽ xuất hiện nếu người bệnh cử động liên tục trong thời gian dài.

  • Giai đoạn 4

Giai đoạn 4 thoái hóa khớp được coi là "nghiêm trọng". Khi bệnh đã tiến triển đến thời kỳ này, bệnh nhân sẽ cảm thấy rất đau và khó chịu mỗi khi đi bộ hoặc cử động khớp. Đó là do không gian giữa các xương bị giảm đáng kể – sụn hầu như không còn nguyên vẹn, khiến khớp bị cứng và đôi lúc trở nên bất động. Lượng chất lỏng hoạt dịch cũng ít đi và không còn đảm nhận được nhiệm vụ giảm ma sát giữa các bộ phận chuyển động của khớp.

4. Điều trị thoái hóa khớp gối

  • Sau khi thăm khám tổng quát, một số chẩn đoán cận lâm sàng sẽ giúp bác sĩ đưa ra kết luận chính xác về tình trạng bệnh của bạn. Tùy theo bệnh đang ở giai đoạn nào, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, hãy từ bỏ những thói quen khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng, chẳng hạn như hút thuốc lá, uống rượu bia, chơi thể thao quá sức… đồng thời xây dựng lối sống và chế độ ăn uống có lợi cho xương khớp. Nếu bạn béo phì, thừa cân thì nên giảm cân để giảm tải trọng cho khớp gối.
  • Sử dụng thuốc giảm đau và thuốc chống viêm. Các loại thuốc không kê đơn như acetaminophen, ibuprofen, naproxen natri… chỉ nên dùng trong tối đa 10 ngày.
  • Một số liệu pháp thay thế có thể hiệu quả đối với tình trạng thoái hóa sụn khớp gối giai đoạn nhẹ hoặc trung bình. Các liệu pháp này bao gồm kem bôi có capsaicin, châm cứu hoặc chất bổ sung (glucosamine, chondroitin…).
  • Nếu tình trạng thoái hóa khớp khiến bạn gặp khó khăn trong sinh hoạt, các bài tập vật lý trị liệu sẽ rất hữu ích. Chuyên gia sẽ hướng dẫn bạn cách tăng cường cơ bắp và tăng tính linh hoạt cho khớp. Ngoài ra, họ cũng chỉ bạn cách thực hiện các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như làm việc nhà, sao cho ít gây đau khớp nhất.
  • Phẫu thuật.
Nếu tình trạng thoái hóa khớp khiến bạn gặp khó khăn trong sinh hoạt, các bài tập vật lý trị liệu sẽ rất hữu ích. Ảnh minh họa

Nếu tình trạng thoái hóa khớp khiến bạn gặp khó khăn trong sinh hoạt, các bài tập vật lý trị liệu sẽ rất hữu ích. Ảnh minh họa

5. Cách phòng tránh thoái hóa khớp gối

  • Duy trì cân nặng hợp lý (BMI < 23): Trọng lượng cơ thể dư thừa sẽ gây thêm áp lực lên đầu gối, góp phần làm mòn sụn.
  • Kiểm soát lượng đường trong máu.
  • Tập thể dục thường xuyên với cường độ vừa phải.
  • Tránh hoạt động quá sức.

Xây dựng chế độ ăn uống khoa học nên ăn gì, kiêng gì sẽ cải thiện được tình trạng thoái hóa khớp gối, đó là:

  • Những thực phẩm nên lựa chọn: Ăn các loại cá như thu, ngừ, hồi, trích chứa nhiều acid béo omega-3. Các loại thịt heo, thịt gia cầm được nuôi hữu cơ. Bổ sung các loại ngũ cốc, đậu nành, rau xanh. Ăn các loại trái cây cam chứa nhiều men kháng viêm và vitamin C như đu đủ, dứa, chanh, cam. Sử dụng và chế biến thức ăn hằng ngày bằng dầu, bơ thực vật, dầu dừa, dầu ôliu nguyên chất, các loại hạt. Dùng thực phẩm chức năng bổ sung: Glucosamine, chondroitin - ức chế enzyme gây thoái hóa sụn. MSM hỗ trợ giảm đau, kháng viêm, kết hợp cùng Glucosamine tạo nên collagen, giúp duy trì tính đàn hồi của khớp.
  • Những thực phẩm nên kiêng: Nên kiêng thịt đỏ như bò, cừu, thịt lợn, dê. Hạn chế đồ chiên rán, nướng, các loại thực phẩm làm gia tăng tình trạng viêm khớp. Không nên ăn mặn, ăn nhiều đồ ngọt, uống rượu bia…

Xem thêm video được quan tâm

Loại chuối nào tốt nhất cho sức khoẻ? | SKĐS


Bs. Đào Thủy
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn