(SKDS) - Véo von, du dương, giàu nhạc tính vốn là một thuộc tính cơ bản của thơ ca trong suốt thế kỷ qua. Nhưng xem ra, ngày nay, trong thơ hiện đại đang hình thành một xu hướng trái ngược: không lệ thuộc, thậm chí khước từ mọi sự du dương, trầm bổng của thơ ca để tìm đến với những trường thẩm mỹ mới.
Một xu hướng chẻ đôi dư luận
Cuộc tọa đàm khoa học “Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều” tại Viện Văn học đã khép lại gần một tháng, thế nhưng dư âm của nó đến nay vẫn sục sôi trên báo chí và các diễn đàn mạng. Khơi mào cho nhiều tranh cãi nhất chính là một số ý kiến đề cao sự cách tân trong thơ Nguyễn Quang Thiều cũng như một số nhà thơ khác cùng thế hệ với ông: Lê Vĩnh Tài, Mai Văn Phấn, Đinh Thị Như Thúy, Đỗ Doãn Phương, Trương Đăng Dung… Những ý kiến này cho rằng Nguyễn Quang Thiều và các nhà thơ trên đã có sự cách tân táo bạo, đã mở đầu cho một xu hướng thi ca mới bằng tư duy hiện đại, “khước từ mọi sự véo von nhễ nhại, du dương tội nghiệp” của thơ ca suốt thế kỷ qua để tìm đến những trường thẩm mỹ mới.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nhiều người lại khẳng định: một khi mất đi tính hiệp vần, sự du dương, trầm bổng thì thơ sẽ không còn là thơ. Đã gọi là thơ thì phải có vần, có nhịp, dễ thuộc, dễ nhớ! Những câu thơ như: Những ngón chân xương xẩu, móng dài và đen toẽ ra như móng chân gà mái/ Đã năm năm, mười lăm năm, ba mươi năm và nửa đời tôi thấy/ Những người đàn bà xuống gánh nước sông… trong bài Những người đàn bà gánh nước sông của Nguyễn Quang Thiều bị chê là thơ dịch, là kiểu thơ… tân con cóc, trúc trắc khó đọc, nặng tây nhẹ ta và quá trần trụi.
Vấn đề được tranh cãi ở đây là: thơ có nhất thiết cần phải vần, phải du dương hay không? Thể loại thơ không du dương là thơ hay hay dở? Và đây liệu có phải là xu hướng tất yếu của thơ ca hiện đại khi mà ngày càng có nhiều nhà thơ trẻ khước từ đặc tính du dương này?
![]() Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: MH |
Sao không chọn cách
“sống chung”!?
Theo PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng Viện Văn học, quả thật hiện có rất nhiều đánh giá khác nhau về thơ Việt Nam đương đại. Có người cho rằng, thơ đương đại của ta “nền rộng nhưng thiếu đỉnh”, người lại bảo “thơ ta đang đi ngang”, người thì khen “chất lượng và bề thế hơn”, nhưng cũng có người chê là “cách tân thụt lùi”… Sự rối trí của người đọc và của giới phê bình không chỉ thể hiện trong việc định giá, lý giải những trường hợp cụ thể mà còn xuất hiện trong những nhận định mang tính khái quát về cả một giai đoạn văn học.
Phải thừa nhận thơ hiện đại ngày nay có nhiều đổi mới, đặc biệt là về nhạc điệu câu thơ, bài thơ, nó không chau chuốt, không du dương, ngôn từ như câu nói, câu kể nhưng lại đậm chất suy tư. Nếu với thời thơ mới, phần du dương của nhạc điệu được coi trọng thì với thơ hiện đại bây giờ, thể thơ tự do được nhiều nhà thơ trẻ đề cao. Họ ưa dùng những “nghịch âm”, những cú ngắt bất chợt, những nhịp gãy… nhằm gây một tác động khác vào nhạc cảm của người nghe thơ.
Một nhà thơ trẻ đã có lần chia sẻ, cô làm thơ tự do là để xác lập quyền tự do của bản thể. “Tôi hoàn toàn có thể viết được một bài thơ lục bát hay. Nhưng điều này giống như sự đọa đày bởi vì tôi sẽ bị lệ thuộc, bị cầm tù bởi vần điệu, nhịp điệu của nó”. Dẫn chứng như thế để thấy rằng, tính nhạc điệu của thơ được cảm nhận và thể hiện không chỉ bởi từng nhà thơ khác nhau mà còn bởi từng thời đại thơ khác nhau. Và đối với nhà thơ hiện đại, thơ tự do, thơ không nhịp điệu dường như đang trở thành con đường tất yếu. Đó chính là biểu hiện của sự tìm tòi, khám phá nhịp điệu thời đại và giọng điệu của nhà thơ hiện đại.
Ủng hộ xu hướng khước từ sự du dương và nhịp điệu, nhà thơ Thanh Thảo cho rằng, sự thưởng thức luôn là đa dạng và thẩm mỹ là điều khó “vào khuôn phép”, khó tranh cãi nhất. Mỗi người có một ý thích khác nhau, có “gu” thẩm mỹ khác nhau. Điều đó lý giải tại sao ta vẫn có chèo, có vọng cổ đi bên cạnh nhạc trẻ, bên cạnh pop-rock. “Tất cả đều có thể cùng tồn tại, đều có thể chung sống hòa bình với nhau dù dấu ấn thẩm mỹ của mỗi thời một khác” – tác giả bài thơ nổi tiếngĐàn ghi-ta của Lorca khẳng định!
Nên chăng cần phải có cái nhìn rộng mở hơn đối với những nhà thơ, những bài thơ không du dương, bất tuân niêm luật. Và nên chăng cũng đừng tán dương quá đáng cho rằng sự bất tuân niêm luật, khước từ du dương là sự cách tân táo bạo. Đơn giản vì thời đại đã thay đổi và thơ cũng cần phải thay đổi cho phù hợp hơn với nhịp điệu tâm hồn con người hiện đại và nhịp điệu của thời đại. Vậy thôi!
|