Sau những thông tin về hậu quả của thuốc siêu nạc đối với gia súc (thịt heo), trong các bữa tiệc ở các nhà hàng hiện nay, người ta lại chuộng món thịt thỏ.
So với thịt heo, thịt bò, thịt gà, thịt dê thì thịt thỏ không ngon bằng nhưng giá trị dinh dưỡng của nó cao hơn nhiều.
Hàm lượng protein trong thịt thỏ khoảng 21,50%, cao gấp đôi hàm lượng protein ở thịt heo, thịt dê, hơn 18,7% ở thịt bò và hơn 33% ở thịt gà. Trong khi đó hàm lượng mỡ lại chỉ có 0,4%, bằng 1/16 ở thịt lợn, 1/7 ở thịt dê và bằng 1/5 ở thịt bò. Còn hàm lượng cholesterol, cứ 100g thịt thỏ thì có khoảng 60 - 80mg, thấp hơn các loại thịt khác… Từ đó có thể thấy thịt thỏ là một loại thức ăn có lượng protein cao, lượng mỡ và cholesterol thấp.
Thịt thỏ giàu protein, ít cholesterol
Về mặt bổ dưỡng: 100g thịt thỏ có 40g nước, 13g protein, 4g chất béo, 12mg canxi, 124mg photpho, lmg sắt, 4mg nicotinamid.
Thịt thỏ còn chứa nhiều loại vitamin và acid amin cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là acid amin ngậm nước và acid amin màu mà cơ thể dễ thiếu. Ăn nhiều thịt thỏ có lợi cho việc trao đổi chất của các tế bào trong cơ thể, giúp trẻ em sinh trưởng phát triển và giúp người già kéo dài tuổi thọ.
Canh thịt thỏ bồi bổ cơ thể: 120g thịt thỏ, 30g đảng sâm, 30g sơn dược, 30g táo đỏ, 15g câu kỷ tử cùng với hành, gừng, rượu vang, muối. Nấu thành canh ăn. Khi ăn thì bỏ hành, gừng, ăn thịt thỏ uống nước canh; đảng sâm, sơn dược, câu kỷ và táo cũng có thể ăn. Loại canh này có tác dụng tăng cường trí tuệ, bổ dưỡng thần kinh, bổ tì vị, tăng khí huyết, rất thích hợp với những người cơ thể suy nhược do ốm lâu, người gầy yếu, mất sức, hụt hơi, ăn ít.
Đối với tim mạch: trong thịt thỏ rất giàu dịch nhầy có thể ngăn chặn những tác dụng có hại của albumin, mỡ mật độ thấp, có khả năng ngăn chặn sự phát sinh và phát triển của bệnh vành tim, xơ cứng động mạch và bệnh cao huyết áp. Do đó, thịt thỏ được coi là một loại thức ăn lý tưởng cho những người béo và những người mắc bệnh tim.
Hỗ trợ trị đái tháo đường (ĐTĐ): câu kỷ tử thịt thỏ là món ăn cho người ĐTĐ. Câu kỷ tử vị ngọt tính bình, có tác dụng bổ gan bổ thận, lợi tinh và sáng mắt. Nghiên cứu về dược lý cho thấy nó có tác dụng hạ đường huyết rất tốt, có thể trị bệnh ĐTĐ. Thịt thỏ vị cay tính bình, khi vào tỳ vị thì có tác dụng bổ trung ích khí, bổ âm trị khát; là một loại thức ăn hoàn toàn là protein, hơn nữa do sợi cơ mịn và thưa, lượng nước nhiều nên thịt thỏ có chất non mịn, dễ tiêu hóa hấp thụ. Thịt thỏ là món ăn lý tưởng của những người mắc bệnh ĐTĐ. Câu kỷ tử và thịt thỏ kết hợp với nhau có công dụng bồi bổ gan thận, bổ tỳ trị khát, rất thích hợp với người bệnh ĐTĐ.
Cách làm: lấy 15g câu kỷ tử, 250g thịt thỏ, cho vào nồi rồi đổ nước hầm nhỏ lửa cho đến khi thỏ chín thì cho thêm muối, mì chính, ăn thịt thỏ, uống canh, câu kỷ tử cũng có thể ăn kèm.
Thịt thỏ nấu nấm: món này thích hợp với thực đơn bệnh ĐTĐ, vì Đông y quan niệm ĐTĐ thuộc chứng tiêu khát do chân âm hao tổn, thận suy không gạn lọc được chất bổ dưỡng nên đái ra đường. Thịt thỏ bổ âm, bổ thận. Cơ thể người bệnh ĐTĐ khô nóng. Thịt thỏ mát và sinh tân dịch. Thực đơn ĐTĐ cần giảm mỡ, thịt thỏ ít mỡ. Nấm thanh nhiệt, kết hợp đồng vận với thịt thỏ. Nấm lại ít carbohydat và hầu như không có đường.
Với bệnh ĐTĐ týp II (không phụ thuộc insulin), tuần hoàn trì trệ tạo thuận lợi cho liên kết glucoz protein tăng xơ động mạch. Những sự kiện này cản trở glucoz khuếch tán vào các mô. Thịt thỏ hoạt huyết, nấm thông khí huyết, hai vị kết hợp giúp glucoz khuếch tán tốt hơn, không tồn đọng trong máu nên glucoz-huyết giảm.
Món này cũng thích hợp với người bệnh tim mạch với lý do: ít chất béo và cholesterol. Làm mạnh khí huyết, giảm nguy cơ kết đọng tiểu cầu và chất béo đọng vào thành mạch máu. Thành mạch không xơ cứng, vẫn đàn hồi nên giúp ổn định huyết áp.
Tư âm bổ thận, ích gan: câu kỷ hầm thịt thỏ. Món này thích hợp với các bệnh do âm suy như ĐTĐ, cao huyết áp do can dương vượng, cao huyết áp thiểu suy do trì trệ tuần hoàn ngoại vi (giảm tiết chất thư giãn nội mô ở thành mạch máu).
Trị suy nhược cơ thể sau khi bệnh, phụ nữ huyết hư, gầy yếu: thịt thỏ 200g, thái nhỏ, hấp cách thủy hoặc nấu chín nhừ với táo tàu 20g, ăn nóng. Mỗi ngày hoặc cách ngày ăn 1 lần. 10 ngày là một liệu trình. Có thể nghỉ vài ngày rồi tiếp tục cho đến khi phục hồi sức khỏe.
Trị can thận bất túc, tóc bạc sớm, người gầy còm khô, bí đại tiện, đau lưng mỏi gối, thần kinh mệt mỏi, tay chân mềm yếu: thịt thỏ 500g, mè (vừng) đen 30g, hành, gừng, muối, dầu vừng, nấu thành canh, ăn cả nước lẫn thịt.
Trị chứng bệnh bội nhiễm do điều trị các loại ung thư bằng tia phóng xạ gây nên, bị bệnh ở mạch vành của tim, xơ cứng mạch máu, bị trẹo (bong gân) đau vùng thắt lưng, chân tay tê, mất ngủ và hay mộng mị, cao huyết áp: bách hợp 12g, tam thất 6g, thịt thỏ 200g. Rửa sạch bách hợp, thái tam thất thành những lát nhỏ. Rửa sạch thịt thỏ, thái thành miếng. Cho cả ba thứ vào trong nồi, cho nước vừa phải vào đun sôi xong để nhỏ lửa cho sôi đến khi thịt chín nhừ, cho gia vị vào là được. Mỗi tuần ăn 2 - 3 lần.
Chế biến thịt thỏ: thịt thỏ là món ăn bằng thịt lý tưởng cho những người béo phì, người mắc bệnh ĐTĐ và bệnh vành tim nhưng thịt thỏ tính thiên về lạnh, vì vậy, những người tỳ vị hư hàn ăn vào không hợp. Để khắc phục tình trạng này, khi xào nấu nếu cho thêm ớt, trần bì thì có thể kềm chế được tính lạnh của thịt thỏ, cách chế biến này sẽ phù hợp với mọi người, ai dùng cũng được.
Nhiều bộ phận khác của thỏ cũng được dùng làm thuốc như xương thỏ (thỏ cốt) có vị ngọt, chua, tính bình, có tác dụng trần tĩnh, khu phong, giải độc, tiêu sưng...
Xương thỏ phơi khô, tán bột rắc trị mụn nhọt, ghẻ lở. Gan thỏ (thỏ can) có vị ngọt, đắng, mặn, tính hàn, có tác dụng bổ gan. Ngày dùng 16 - 20g gan phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn.
Nếu bị “ám ảnh” vì những hậu quả độc hại do các hóa chất đang được dùng cho các gia súc (đặc biệt là heo, gà…) thì thịt thỏ, với nguồn dinh dưỡng cao, lành mạnh (do được nuôi bằng thảo mộc), đáng là “ưu tiên” khi chọn cho mình thực phẩm “bổ mà sạch”!
Lương y HOÀNG DUY TÂN