Nhân loại yêu tự do, yêu mến Puskin sắp kỷ niệm 210 năm ngày sinh của ông (6/6/1799). Cho dù bao nhiêu năm tháng qua đi thì Puskin mãi mãi vẫn là "mặt trời thi ca", là thiên tài vĩ đại của nền văn học Nga và của cả nhân loại.
Ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, ông để lại một di sản văn học đồ sộ với gần 1000 bài thơ, hàng chục trường ca, truyện thơ, kịch thơ, thơ tiểu thuyết, bút ký, phê bình văn học... Ông đã tạo nên một thời đại hoàng kim của văn học Nga thế kỷ 19 với những cây bút lừng danh Lecmantov, Gôgôn, Đoxtôievxki, LepTonxtôi, Sêkhốp...
Nhà thơ Puskin. |
Những người cùng thời với ông nhận xét rằng thiên tài Puskin vượt ra ngoài mọi khuôn khổ của thi ca. Những sáng tác của ông góp phần thay đổi tiến trình văn học Nga, tạo nên một thời vàng son của nền văn học ấy bởi sự độc đáo của nó. Anđrây Bitov, nhà văn hiện đại Nga đồng thời là nhà Puskin học uy tín đã từng nói: "Không có thiên tài Puskin có lẽ chúng ta chẳng có gì hết”. Nhà thơ Vlađimia Kostrốp, Phó Chủ tịch Quỹ Puskin quốc tế nhấn mạnh rằng "Chính con người đáng kinh ngạc này đã tạo ra thứ tiếng Nga hiện đại, rằng Puskin là người duy nhất trong số các thiên tài Nga được dân tộc Nga tiếp nhận như một sự kết tinh tất cả những gì vĩ đại nhất của bản thể Nga”.
Hơn 200 năm thiếu vắng Puskin, nhưng là hơn 200 năm văn học Nga sống cùng tên tuổi của ông. Hàng thế kỷ đã qua sau cái chết của nhà thơ nhưng vẫn còn một cuộc đời được lưu giữ trong xã hội, trong nhận thức và trong văn học của chúng ta kể từ thời Lecmantov, Gôgôn cho đến hôm nay.
Tư tưởng Puskin dường như bao trùm lên tâm tưởng của hết thảy chúng ta. Chúng ta nâng niu, trân trọng đến từng phân tử tất cả những gì thuộc về lịch sử liên quan đến nhà thơ. Chúng ta hiểu được ông như chúng ta thấu hiểu cuộc sống, bởi chúng ta đã trải nghiệm cuộc sống này. Puskin là người đam mê sống. Ông là con người của thực tại đúng với ý nghĩa sâu xa của từ này. Hiện thực đối với ông là thiên nhiên, niềm vui, nỗi buồn và tình yêu. Bằng kinh nghiệm sống, bằng niềm đam mê cuộc sống, ông thực sự thấu hiểu thế giới nội tâm của con người. Với chủ nghĩa lạc quan đầy chất thơ, ông đã cảm thụ sâu sắc thế giới ấy. Chẳng thế mà trong những giờ phút khó khăn nhất của cuộc đời, người ta say mê đọc Puskin như say mê người bạn, người đồng hành tin cậy. Càng sống lâu trên đời này, càng thấy sự hoà hợp thân thiết hơn, những lời thơ giản dị, thông minh, những ý nghĩ trong sáng trong thơ ông càng gần gũi hơn, quý báu hơn. Mỗi lần tiếp cận với thơ ông đều mở ra một thế giới mới mẻ bởi những vẻ đẹp tinh khôi, trong trẻo sâu sắc và tươi mát của một cảm xúc chưa từng biết, choáng ngợp trong những suy tưởng lung lợi và bất tận... Đó cũng là lý do vì sao thơ Puskin làm nên những điều kỳ diệu làm say đắm lòng người.
Sau khi nhà thơ mất, dường như vẫn còn đó một sự nghiệp sáng tác văn học vĩ đại. Thơ Puskin đang thẩm thấu vào mọi ngõ ngách của cuộc sống chúng ta. Cuộc cách mạng văn hóa của thời đại Xô viết được phát động bằng những khẩu hiệu hiện thực của Xtalin đã không thể nào thực hiện được nếu không có sự thấm nhuần sâu sắc di sản của thế kỷ Puskin. Nói như vậy không phải là chúng ta quay về phía Puskin, mà là cùng với nhà thơ tiến lên phía trước.
Trong những thế kỷ trước, tên tuổi Puskin choán đầy những đề tài lịch sử, văn hóa nước Nga. Ở thế kỷ này, cuộc sống sau cái chết của nhà thơ dường như vẫn không bị gián đoạn. Trên khắp xứ sở nước Nga, bằng những ngôn ngữ khác nhau, tên tuổi vĩ đại Puskin vẫn đang được vang lên, vẫn đang được người đời ca tụng.
Nguyễn Thị Thanh