Thế giới “hàng nóng”

06-08-2010 08:11 | Xã hội
google news

Nghe tiếng về Hà Khẩu (Vân Nam - Trung Quốc) đã lâu nhưng giờ tôi mới được đặt chân đến để "mục sở thị" về những món hàng cấm, siêu cấm là vũ khí như dao, côn, bình xịt hơi cay, thậm chí cả súng đạn.

Nghe tiếng về Hà Khẩu (Vân Nam - Trung Quốc) đã lâu nhưng giờ tôi mới được đặt chân đến để "mục sở thị" về những món hàng cấm, siêu cấm là vũ khí như dao, côn, bình xịt hơi cay, thậm chí cả súng đạn. Phía dưới những thanh kiếm đa năng nguy hiểm ấy mới là những dùi cui điện, súng điện, thuốc xịt cay... dễ dàng tuồn vào nước ta theo yêu cầu của bất cứ khách hàng nào.

Thủ tục quá dễ!

Thành phố Lào Cai (Việt Nam) cách Hà Khẩu (Trung Quốc) chỉ một con sông Nậm Thi ngắn ngủi. Việc làm thủ tục nhập cảnh giữa hai nước cũng tương đối đơn giản và nhanh gọn. Nhưng việc vượt biên trái phép vẫn diễn ra hàng giờ, hàng ngày trên những chuyến đò trên con sông Nậm Thi này. Đa số họ là những người không muốn dùng chứng minh nhân dân và hộ chiếu, sang bên biên giới để mua "hàng" tuồn về Việt Nam. Hà Khẩu là một huyện tự trị của Trung Quốc, thuộc phía Nam của tỉnh Vân Nam, giáp biên giới với tỉnh Lào Cai, Việt Nam. Huyện có diện tích 1.313km2 và khoảng gần 100 nghìn dân. Đây là huyện có đường xe lửa từ Côn Minh đến Hà Nội chạy qua.

 Mặt hàng “nóng” này vào Việt Nam rất dễ.
Như đã làm "thủ tục" ở bên Việt Nam, chúng tôi được giới thiệu một người tên Hoa, là hướng dẫn viên du lịch “chuyên nghiệp” với nhiều năm kinh nghiệm “làm ăn” ở đất Hà Khẩu này. Qua giới thiệu, Hoa sinh năm 1985, người gốc ở TP. Lào Cai, nhưng lại lấy chồng ở thị trấn Hà Khẩu. Hoa “làm giá” 280 nghìn VNĐ bao gồm cả một chuyến xe điện đi vòng quanh Hà Khẩu theo nhu cầu của khách. Điều đặc biệt, trên các tấm biển quảng cáo của các cửa hàng, trung tâm thương mại, các dịch vụ khác đều thể hiện song ngữ Việt - Trung với những câu chữ rất... Việt Nam: "bán buôn, giá rẻ, một giá"...

Đến Trung tâm thương mại Bằng Hữu được xem như trung tâm mua sắm lớn nhất ở thị trấn Hà Khẩu này. Đây là một khu chợ 3 tầng và rộng hàng nghìn mét vuông được đặt tên "chợ Việt" với dòng chữ chạy dọc "cơm hương vị Việt". Nhưng đã đặt chân vào đó sẽ chỉ thấy toàn vũ khí, "đồ chơi người lớn" và cả "dịch vụ người lớn", đơn giản chỉ nhìn qua đã sởn gai ốc và đầy... ngượng ngùng. Khác với vẻ trật tự trên lãnh thổ Việt Nam, chỉ cách một con sông nhỏ, ngay bên kia biên giới là một thế giới tự do của kiếm dài, kiếm ngắn, đao, thương, dao bấm... tất cả được bày bán la liệt, công khai tại chợ người Việt ở Hà Khẩu. Khách muốn, chỉ cần trả tiền, "hàng" sẽ được "xách giùm" qua biên giới.

"Hàng nóng" - Loại nào cũng có

Theo tìm hiểu thì đa số gian hàng này là của người Việt Nam sang kinh doanh, tuy mỗi gian hàng khoảng chừng 9-10m2 nhưng sản phẩm bày bán thì đầy đủ chủng loại. Từ các loại máy lửa, đến dao, kiếm, đao, súng đạn và hàng sextoy, thuốc kích dục cho cả phái nam và nữ. Ghé vào sạp hàng ngay đầu chợ của một anh chàng trẻ tuổi, mặt hiền khô, chúng tôi hỏi mua một bộ kiếm treo 3 chiếc và mới ngộ ra việc đưa những thứ hàng cấm này vào trong nước hóa ra quá đơn giản. Đa phần những cây kiếm ở đây có giá đủ "mềm" để khách hàng rước về cả bộ. Ở tầng 1, dạo qua một lượt gian hàng, chúng tôi đều được mời chào với những lời hấp dẫn hay thủ thỉ vào tai. Do đây là một khu tự trị nên việc bày bán rất công khai các mặt hàng cấm chứ không như ở các cửa khẩu khác phải lén lút, bán chui lủi. Đập vào mắt khách mua hàng nhiều nhất là các loại dao, kiếm, đao. Với giá dao động từ 300.000 VNĐ đến hàng triệu đồng, khách có nhu cầu mua thì thoải mái để lựa chọn. Loại để trưng bày cho đẹp cũng có, loại để "sử dụng" cũng rất nhiều.

Một trong những hàng bán chạy, theo như lời Hoa nói thì chủ yếu là các loại xịt cay, côn và roi điện. Một số mặt hàng "siêu cấm" như súng (bắn đạn bằng bi sắt có khả năng sát thương) thì không được công khai bày bán, nhưng đa số cửa hàng nào chúng tôi hỏi cũng đều có. Khách có thể xem và thử hàng ở trong phòng kín. Giá cho mỗi chiếc súng này khoảng trên 500.000 VNĐ kèm theo hai gói đạn khoảng 100 viên/gói. Tưởng chúng tôi có ý định mua, Hoa kéo tôi ra ngoài nói chuyện, rằng khi mua xong không được trả tiền ngay, mà cần yêu cầu chủ cửa hàng đưa sang Việt Nam mới thanh toán, vì nếu chúng tôi "xách tay" sẽ bị hải quan phạt và thu hàng hóa. Đúng như lời Hoa nói, đa số các chủ cửa hàng đều bảo đảm đưa sang Việt Nam an toàn, nếu chúng tôi mua những mặt hàng này. Để đảm bảo chữ "tín", các chủ cửa hàng không thu tiền trước, lúc nào nhận hàng bên Việt Nam thì mới trả tiền, chỉ cần cho số điện thoại, địa điểm và thời gian chờ thì chỉ sau 5-10 phút là khách có thể nhận được hàng ngay. Không biết thực hư chuyện này như thế nào và các mặt hàng này tuồn qua cửa khẩu sang Việt Nam ra sao, nhưng theo Hoa thì "trót lọt 100%".

Tiếp đó, hàng sẽ được ngụy trang chở đi các nơi. Nếu vận chuyển bằng tàu, chủ hàng chỉ cần "làm luật" với một nhân viên trên tàu. Hàng chuyển bằng tàu thì an toàn hơn, nhưng giá sẽ cao hơn. Giới làm ăn rất rõ ràng, chuyển hàng có bảo hiểm đàng hoàng. Nếu trên đường có lỡ bị các cơ quan chức năng phát hiện thu mất thì người nhận chuyển sẽ đền toàn bộ. Thường thì chuyển về đến Hà Nội, giá hàng sẽ lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Chủ hàng này còn cho biết: Anh ta thỉnh thoảng vẫn phải đóng hàng vào tận TP.HCM cho các mối quen. Được biết, dù từ Bắc vào Nam có rất nhiều cửa khẩu để tuồn hàng lậu vào trong nước, nhưng cửa khẩu Lạng Sơn và Lào Cai là nơi tập trung nhiều hàng "nóng" nhất. Bởi vậy, dù có xa xôi, các chủ buôn vẫn phải nhập hàng từ đây. Càng vào sâu trong chợ, những gian hàng như thế này càng nhiều và chủ hàng càng nhiệt tình chào mời. Bất cứ ai, chỉ cần ghé vào hỏi, các chủ này sẽ nhanh chóng đưa cho số điện thoại kèm lời hứa mang hàng về tận nơi. Vào đến các gian này, giá rẻ hơn từ vài chục đến hàng trăm nghìn một chiếc.

Từ những chợ "hàng nóng" công khai như thế này, hàng loạt hung khí, công cụ hỗ trợ trái phép được tuồn vào trong nước. Càng chứng kiến sự nhiệt tình tiếp thị "hàng nóng" của các chủ hàng người Việt cho đồng bào mình, càng cảm thấy rờn rợn, xót xa trong lòng. Mong rằng các cơ quan chức năng trong nước nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn.

Phóng sự của Thành Nam


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn