Thầy thuốc Bệnh viện Sản Nhi 'hóa' thành nghệ sĩ

22-10-2022 16:05 | Y tế
google news

"Làm bác sĩ khó thế mà các bác còn làm được, thì làm nghệ sĩ có là gì! Thật sự các bác lên sân khấu tài lắm!"

Đó là chia sẻ của một bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện khi có dịp được chứng kiến Hội thi Truyền thông Giáo dục sức khỏe (GDSK) năm 2022 do Công đoàn Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh tổ chức  vừa qua.

Hội thi Truyền thông Giáo dục sức khỏe (GDSK) năm 2022 do Công đoàn Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đã để lại dấu ấn sâu sắc không chỉ trong những cán bộ, viên chức trực tiếp tham gia thi mà còn mang đến hình ảnh đẹp về các y, bác sĩ vừa giỏi chuyên môn, vừa tài nghệ thuật trong lòng đông đảo bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Chia sẻ về ý tưởng khi tổ chức Hội thi, bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thanh – Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh cho biết: Sau 2 năm chiến đấu với COVID-19 cùng các đơn vị y tế, mọi sự cống hiến, những vất vả, hi sinh của đội ngũ y, bác sĩ xứng đáng được tri ân và đền đáp.

Thầy thuốc Bệnh viện Sản Nhi 'hóa' thành nghệ sĩ - Ảnh 1.

Nhờ chuẩn bị kĩ lưỡng từ nội dung kịch bản, diễn viên đến âm thanh, đạo cụ…đội thi Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn đã xuất sắc đạt giải nhất Hội thi Truyền thông Giáo dục sức khỏe Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh.

Cũng đã rất lâu rồi các cán bộ, viên chức của bệnh viện nói riêng và ngành y tế nói chung không có dịp được sinh hoạt, giao lưu văn hóa – văn nghệ do nhiều yếu tố khách quan.

Vì vậy, được sự nhất trí của Ban giám đốc, Công đoàn bệnh viện quyết tâm tổ chức Hội thi Truyền thông GDSK với chủ đề "Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh vững vàng và phát triển".

Dựa trên cơ sở Hội thi Truyền thông Giáo dục sức khỏe của ngành y tế nên quá trình tổ chức không gặp quá nhiều khó khăn. Chỉ có duy nhất một điều là từ khi quyết định tổ chức đến ngày diễn ra Hội thi chỉ vẻn vẹn có 3 tuần, nên thời gian cho các khoa, phòng thành lập đội thi, triển khai ý tưởng, lên kịch bản và tập luyện khá gấp. Mặc dù vậy, với sự quyết tâm cao độ của các đội thi nên đến ngày tổ chức, hội thi vẫn được triển khai hết sức tưng bừng và rực rỡ".

Thầy thuốc Bệnh viện Sản Nhi 'hóa' thành nghệ sĩ - Ảnh 2.

Màn chào hỏi của Khoa Sản Đẻ được Ban giám khảo đánh giá cao nhờ ứng dụng triệt để văn học dân gian để giới thiệu và quảng bá hình ảnh, dịch vụ kĩ thuật y tế của khoa

Hội thi có sự tham gia của 15 đội thi đại diện cho 25 khoa, phòng trong bệnh viện, mỗi đội thực hiện 2 phần thi chào hỏi và tài năng. Màn chào hỏi của các đội thi được thể hiện dưới nhiều hình thức, chủ yếu là trình bày, giới thiệu về khoa, phòng, về những đặc thù chuyên môn nổi bật.

Cùng một mục đích nhưng thông qua cách thể hiện khác nhau, mỗi tiết mục vẫn để lại trong lòng khán giả những cảm xúc riêng. Nếu phần thi Chào hỏi của Khoa Sơ sinh là sự bồi hồi, xúc động thì phần thi của Khoa Sản đẻ lại là sự vui tươi, hóm hỉnh, duyên dáng. Sơ sinh là một trong những khoa có tuổi đời trẻ của bệnh viện, phần thi giống như một lời tự sự, hồi ức về những nốt thăng khi chứng kiến sự hồi sinh kì diệu của những em bé sinh non viết nên câu chuyện "hành trình lớn bắt đầu từ đôi bàn chân nhỏ", thì cũng có những nốt trầm về khoảng thời gian khủng hoảng khi sự cố về kiểm soát nhiễm khuẩn gây hậu quả đáng tiếc… Nhưng tất cả đều là những bài học xương máu, những động lực để 33 cán bộ trong khoa nỗ lực hết mình trở thành người mẹ thứ 2 đồng hành trong những ngày tháng đầu đời đầy khó khăn của các thiên thần.

Nhận xét về phần thi chào hỏi được ban giám khảo đánh giá là có sự đầu tư bài bản, công phu nhất, NSƯT Đinh Bích Hồng – Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, đội thi khoa Sản đẻ đã sử dụng tối đa các hình thức âm nhạc dân gian như trống hội, cải biên giai điệu chèo với phần lời viết về ngành y.

Đặc biệt, cán bộ trong khoa đã tự sáng tác một bài vè rất đặc sắc với nội dung giới thiệu về nhân sự và các dịch vụ kĩ thuật nổi bật của khoa như giảm đau sau đẻ, sàng lọc trước sinh, phục hồi sàn chậu sau sinh, plasma lạnh, massage tắm bé, lấy máu gót chân, sàng lọc thính lực…được lồng ghép vừa dễ nhớ, dễ hiểu lại không thiếu phần dí dỏm, hài hước thông qua phần trình bày trên sân khấu của các diễn viên không chuyên. Cùng với đó là sự đầu tư trang phục đồng bộ khiến phần thi trở nên vô cùng thuyết phục.

Nếu phần thi chào hỏi chỉ là khúc dạo đầu thì phần thi Tài năng được xem là bùng nổ mang đến những thông điệp vô cùng ý nghĩa của hội thi. Chỉ 3 tuần chuẩn bị, vừa đảm bảo hoạt động chuyên môn, vừa lên ý tưởng kịch bản và tập luyện chủ yếu ngoài giờ, nhưng các tiết mục từ múa, hát hay kịch nói đều có sự đầu tư hết sức bài bản.

Bên cạnh các tiết mục hát, múa về chủ đề ngành y, ca ngợi quê hương, đất nước…được đầu tư dàn dựng hoành tráng; thì hình thức kịch do các diễn viên không chuyên thể hiện mang đến những thông điệp sâu sắc.

Trong đó phải kể đến tiết mục kịch "Con ơi, bố mẹ sẽ về!" của đội thi khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. Đó là những câu chuyện thật về hành trình chiến đấu với đại dịch COVID-19 của Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh nói chung và Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn nói riêng.

Về việc anh em trong khoa phải ở lại bệnh viện để đảm bảo công tác chuyên môn khi bệnh viện được chỉ định làm khu cách ly, điều trị F1 là phụ nữ có thai; về việc một nữ điều dưỡng của bệnh viện trực tiếp chăm sóc bệnh nhân F0 không thể về chịu tang mẹ; hay những mẩu chuyện riêng tư của những gia đình cả bố mẹ cùng làm ngành y phải xa con ở lại đơn vị chống dịch, những thanh niên trẻ phải "tạm hoãn việc yêu, việc cưới" để làm nhiệm vụ. Sau cùng, ngày chiến thắng cũng là ngày được trở về với gia đình, con cái và những người thân yêu!

Th.S Lê Nho Khuê – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn cho biết, vở kịch được các thành viên trong khoa phân công tự viết kịch bản, dàn dựng, thiết kế video, âm thanh, làm đạo cụ… Mỗi người một việc nhưng ai nấy đều rất hào hứng, phấn khởi khi được mang "màu cờ sắc áo" đi thi.

Cũng là hình thức kịch nhưng không dùng lời thoại, chỉ bằng ngôn ngữ hình thể, màu sắc, đạo cụ và âm thanh nhưng phần thi tài năng "Những thiên thần áo trắng" của Đội thi Bệnh nhiệt đới – Tiêu hóa cũng mang đến cảm nhận mới mẻ cho hội thi.

Là khoa chuyên điều trị bệnh nhi có tính chất truyền nhiễm, khoa đã dùng sự tương phản, đối lập giữa màu sắc (đen – trắng) và hình tượng (vi khuẩn, virus – cán bộ y tế). Đội thi đã khéo léo sử dụng âm nhạc hỗ trợ cho động tác của các diễn viên: hoang mang khi bệnh nhân bị một loạt các bệnh truyền nhiễm như Adeno, COVID, Rota...mang màu sắc đen tối tấn công dồn dập; đến cao trào khi các y bác sĩ mang sắc áo trắng và hình tượng viên thuốc tới chiến đấu, giành giật lại sức khỏe và sự sống cho bệnh nhân; và hân hoan, tưng bừng khi chính nghĩa đã chiến thắng, các chiến sĩ áo trắng đánh bại lũ vi khuẩn, virus, bảo vệ sức khỏe cho bệnh nhân... Không dùng lời thoại nhưng phần thi vẫn chạm được đến khán giả với thông điệp ngắn gọn nhưng giàu cảm xúc.

Hội thi Truyền thông GDSK Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh năm 2022 đã kết thúc, nhưng những dư âm, ấn tượng đối với  tài năng thể hiện trên sân khấu của đội ngũ thầy thuốc của bệnh viện vẫn đang còn đọng lại không chỉ với cán bộ bệnh viện mà cả người bệnh và người nhà người bệnh.

Đây sẽ là tiền đề để Công đoàn bệnh viện tiếp tục tổ chức Hội thi trong những năm tiếp theo, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho cán bộ, nhân viên bệnh viện thể hiện tài năng và chuyên môn trong góc độ "sân khấu hóa".


 

 


Nguyễn Oanh
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn