Hà Nội

Thắp lửa lòng dân trong cuộc chiến chống tham nhũng

30-04-2018 07:00 | Pháp luật
google news

SKĐS - "Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì đứng sang một bên cho người khác làm” là lời khẳng định đanh thép được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại cuộc họp của Ban Bí thư vừa diễn ra mới đây về công tác chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng.

Đây cũng là lời tuyên chiến của Đảng về cuộc chiến không khoan nhượng với tham ô, tham nhũng, với những quan chức tha hóa; phá tan những suy nghĩ còn mơ hồ, nghi ngờ về quyết tâm chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy của Đảng.

Công tác phòng chống tham nhũng đang có được sự đồng thuận cao từ người dân

Có thể thấy rằng, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn liền với công tác phòng chống tham nhũng, chống “lợi ích nhóm”, chưa bao giờ quyết liệt và nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân như lúc này. Từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, những “đặc ân” trong việc xử lý cán bộ, đảng viên đã bị xóa bỏ. Điều này được thể hiện rất rõ, hàng loạt cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao của Đảng bị kỷ luật, bị khởi tố, xử phạt tù với mức án rất nghiêm khắc, như trường hợp nguyên Ủy viên Bộ Chính trị bị khởi tố, xử phạt tù với mức án lên đến 30 năm tù. Gần đây nhất, ngày 12/4, một Ủy viên Trung ương Đảng bị xử lý cảnh cáo, là ông Trần Quốc Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đăk Lăk. Ông Cường bị kỷ luật vì các vi phạm khi giữ cương vị Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Chính trị - Hậu cần, Tổng cục Tình báo, Bộ Công an (giai đoạn 2009-2012). Trước khi ông Cường bị kỷ luật mấy hôm, ông Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và ông Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng C50 (Bộ Công an) cũng bị khởi tố bắt giam, bị tước danh hiệu Công an Nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận Cuộc họp Ban Bí thư.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận Cuộc họp Ban Bí thư.

Khách quan nhìn nhận, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, đã được Trung ương Đảng, Bộ Chính trị qua các thời kỳ rất quan tâm, luôn xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, kết quả không như kỳ vọng. Đã có một thời kỳ, uy tín của Đảng bị thử thách ghê gớm, sự nghiệp của Đảng, sự tồn vong của chế độ như con thuyền chòng chành giữa những cơn sóng dữ... Trong suốt thời gian dài, các cụm từ “lợi ích nhóm”, “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất” liên tục được nhắc đến, nhưng tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không giảm mà còn diễn biến phức tạp; lòng tin vào Đảng, vào chế độ của người dân bị lung lay.

Với sự quyết tâm của Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XII, công tác chống tham nhũng đã có những bước chuyển rất quan trọng và lập tức phát huy hiệu quả. Có một thực tế, chưa bao giờ đấu tranh phòng, chống tham nhũng lại trở thành một xu thế, một phong trào trong xã hội như hiện nay. Cũng chưa bao giờ kết quả phòng, chống tệ nạn, tội phạm tham nhũng làm ấm lòng dân đến thế. Khảo sát Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh PAPI ở Việt Nam cho thấy, năm 2017, chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công tăng điểm mạnh, từ 5,8 điểm năm 2016 lên 6,15 điểm.

Kỷ luật nghiêm minh để không còn khái niệm “hạ cánh an toàn”

Hơn 2 năm sau Đại hội XII của Đảng, đã có hơn 50 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý cả đương chức lẫn nghỉ hưu bị kỷ luật, thậm chí là bị xử lý hình sự với những mức án rất nghiêm khắc. Chưa bao giờ, quyết tâm và hành động chống tiêu cực lại quyết liệt như thời gian vừa qua. Tại cuộc họp Ban Bí thư đầu tháng 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, một trong những kinh nghiệm rút ra trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng là phải cụ thể hóa các chủ trương của Đảng bằng quy định, quy chế, để có căn cứ xử lý vi phạm của cán bộ đảng viên.

Mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ký ban hành Hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định 102 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Những quy định này là bước tiến của Đảng trong xử lý, kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm bởi vì sẽ không còn khái niệm “hạ cánh an toàn” nếu trước đó mắc sai phạm, khuyết điểm.

Trong một diễn biến gần đây liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”), 7 bị can đã bị khởi tố. Trong đó, có 2 cựu Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và một người đã từng là Trung tướng Tình báo công an, cùng với đó là nguyên Giám đốc và nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng.

“Hạ cánh không an toàn” đó là cụm từ dư luận dành cho những vụ việc cán bộ bị kỷ luật, thậm chí là khởi tố trong thời gian gần đây. Đơn cử như một số nội dung được nêu trong quy định Hướng dẫn thực hiện Quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm được đánh giá là có nhiều điểm mới như quy định trường hợp đảng viên vi phạm đặc biệt nghiêm trọng qua đời thì vẫn kiểm tra, kết luận và xử lý kỷ luật. Hoặc quy định con của đảng viên phạm tội, đảng viên phải chịu trách nhiệm liên đới nếu sinh hoạt trong gia đình và trực tiếp phụ thuộc vào việc nuôi dưỡng, quản lý của đảng viên đó. Hoặc quy định đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không xử lý nội bộ. Một bước đột phá trong công tác xây dựng Đảng của nhiệm kỳ này chính là đã cụ thể hóa các chủ trương của Đảng bằng các quy định, quy chế rõ ràng, chặt chẽ để có căn cứ không chỉ xử lý các vi phạm, mà còn ngăn chặn các nguy cơ suy thoái, tiêu cực trong cán bộ đảng viên.

Cuộc chiến chống tham nhũng, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng đang bước vào giai đoạn mới, vẫn còn nhiều ngổn ngang, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, nhưng nhiều người dân tin và kỳ vọng Tổng Bí thư và những người đang giương cao ngọn cờ làm trong sạch Đảng - “những người đốt lò” sẽ luôn giữ được lửa, giữ được bản lĩnh, không chùn bước khi phải chặt hạ những cây “củi tươi”, “củi to” vì sự phát triển chung của đất nước.


Hải Phong
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn