"Thăng Long - Hà Nội - Thời đại Hồ Chí Minh" - một trong những sự kiện nổi bật của Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (TL - HN) hứa hẹn sẽ là một bản hùng ca tái hiện lại những biến cố lịch sử hùng vĩ diễn ra tại mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến trong thời đại Hồ Chí Minh, dự kiến sẽ diễn ra tại SVĐ Hàng Đẫy (Hà Nội) vào tối 3/10/2010. Tác giả kịch bản chương trình - nhà văn Nguyễn Khắc Phục vừa chia sẻ với phóng viên.
* Là người xây dựng kịch bản, nội dung chương trình sẽ thể hiện như thế nào để xứng với tầm vóc của TL - HN trong thời đại Hồ Chí Minh như tên gọi, thưa nhà văn Nguyễn Khắc Phục?
Đúng với tên gọi "Thăng Long - Hà Nội - Thời đại Hồ Chí Minh", chương trình được chia làm 4 phần chính theo các chủ đề diễn ra trong khoảng thời gian 120 phút. Chương trình sẽ tái hiện lại TL - HN qua các giai đoạn, thời kỳ lịch sử: Cuộc chuyển mình trong giông bão; Thủ đô Nhà nước Công Nông; Thủ đô anh hùng - bản hùng ca mùa đông năm 1946; Thành phố vì hoà bình và khát vọng tương lai.
Với những điểm nhấn trên, tôi hy vọng chương trình sẽ mang đến cho công chúng một không gian toàn diện, sống động với những cảm xúc thực tế để được hoà mình và sống lại những thời khắc từng ghi dấu ấn vàng son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc...
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục. |
Chương I: Cuộc chuyển mình trong giông bão sẽ dựng lại hình ảnh Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20. Khán giả sẽ thấy Hà Nội trong một giai đoạn lịch sử trở thành nơi tụ hội những nhà ái quốc nuôi khát vọng canh tân cứu nước như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can, Tăng Bạt Hổ... và việc dốc sức lực, tiền của cho việc lập Trường Đông Kinh Nghĩa Thục, phong trào Đông Du...
Bên cạnh đó, lần đầu tiên vụ "Hà thành đầu độc" do một số đầu bếp và binh lính người VN phục vụ cho quân Pháp đóng ở thành Hà Nội tiến hành ngày 27/6/1908, nhằm đầu độc quân Pháp để chiếm lại Hà Nội sẽ được tái hiện lại một cách khá chi tiết.
Chương II: Thủ đô Nhà nước Công Nông và chương III: Thủ đô anh hùng - bản hùng ca mùa đông năm 1946 khắc họa hình ảnh đời sống, sinh hoạt của đồng bào và nhân dân Thủ đô trong những ngày tiêu thổ kháng chiến. Đặc biệt, điểm nhấn của hai chương này là chi tiết mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc: hình ảnh nhạc sĩ Văn Cao viết Tiến quân ca bên ngọn đèn dầu và đống tro tàn của những đồng bào đã chết vì nạn đói năm 1945...
Chương IV: Thành phố vì hoà bình và khát vọng tương lai sẽ mở màn bằng việc chiếu phim tài liệu và trình diễn ca múa nhạc Mùa xuân đại thắng mở ra thời kỳ huy hoàng với khát vọng hoà bình. Tiếp theo, cuộc chiến đấu ác liệt của Trung đoàn Thủ đô nhằm "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" sẽ được tái hiện bằng những tiết mục múa đương đại trong giai điệu của ca khúc Người Hà Nội của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi.
Màn đại hợp xướng "Thăng Long - Hà Nội - Thời đại Hồ Chí Minh" trong ngày vui đại thắng sẽ kết thúc chương trình trong niềm vui hân hoan, phấn khởi...
* Khi viết kịch bản, ông có lường trước được khó khăn khi tái hiện lại những đại cảnh, cảnh đổ máu, cảnh hành quyết rất đỗi thương tâm… Ngoài những đại cảnh trên, còn cảnh nào "làm khó" cho ông và các cộng sự của mình khi bắt tay vào thực hiện?
- Khi bắt tay vào viết kịch bản tôi suy nghĩ rằng những cảnh này rất cần thiết, thông qua đó sẽ giúp thế hệ trẻ ngày hôm nay hiểu được giá trị của độc lập tự do mà cha ông ta đã đổ biết bao xương máu mới giành lại được.
Ngoài những hình ảnh trên, chương trình còn tái hiện lại nạn đói năm 1945 với 2 triệu người chết thê thảm. Khó, nhưng đây chính là nguồn sức mạnh làm nên khát vọng chiến thắng của dân tộc VN!
Chương trình "Thăng Long - Hà Nội - Thời đại Hồ Chí Minh" được dàn dựng và thực hiện công phu với sự tham gia của nhạc sĩ Đức Trịnh, NSND Nguyễn Công Nhạc, NSND Trần Bình và các diễn viên của Trường đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội, Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ VN... Ngoài ra, sẽ có 1.000 diễn viên nghiệp dư là những cựu chiến binh tham gia chương trình bằng một màn hợp xướng thể hiện những ca khúc ra đời trong khói lửa chiến tranh sẽ mang đến cho người xem một âm hưởng, khí thế hào hùng trong chiến đấu của nhân dân ta...
* Một chương trình được dàn dựng hoành tráng, công phu và rất nhiều những đại cảnh... nhưng lại mở cửa miễn phí cho người dân Thủ đô và du khách trong nước cũng như bạn bè quốc tế vào xem. Kinh phí đầu tư có làm chất lượng của chương trình bị ảnh hưởng không, thưa ông?
Tôi nghĩ, chương trình được đầu tư nhiều kinh phí chưa chắc đã hay mà quan trọng là nội dung nói lên được điều gì? Chương trình thành công hay không chính là không khí nghệ thuật phải chân thực, đầy cảm hứng văn hoá và anh hùng, khắc họa được hình ảnh "Thăng Long - Hà Nội - Thời đại Hồ Chí Minh"... đúng như tên gọi.
* Xin cảm ơn ông!
Khánh Minh (thực hiện)