Thận trọng để không bị 'mắc bẫy' điểm sàn xét tuyển

23-07-2024 14:30 | Xã hội

SKĐS - Ở các mùa tuyển sinh trước, không ít thí sinh phải trả giá trước "bẫy" điểm sàn thấp và trượt đại học dù điểm thi cao. Các chuyên gia khuyến cáo, thí sinh và phụ huynh cần cẩn trọng.

Điểm sàn khác điểm chuẩn

Đến thời điểm này, hầu hết các trường đại học đã công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển. Điểm sàn là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, là mức điểm tối thiểu thí sinh đủ điều kiện đăng ký xét tuyển, từ thực tế hồ sơ thí sinh nộp vào trường sẽ xác định điểm chuẩn trúng tuyển. Mức điểm này khác nhau tùy trường, khối ngành đào tạo.

Trong mùa tuyển sinh đại học năm nay, nhóm ngành hot ở các trường top trên điểm từ 20 trở lên, còn lại phổ biến mức 15 - 20, có trường/ngành còn đưa ra con số dưới 15 điểm.

Vài năm trở lại đây, mức điểm sàn xét tuyển thường khá thấp. Xu hướng công bố điểm sàn thấp với nhóm trường có mức độ cạnh tranh cao, có trường/ngành điểm chuẩn cao hơn sàn 6 - 8 điểm. Điều này khiến một số thí sinh nhầm tưởng điểm sàn là điểm chuẩn nên chỉ cần bằng hoặc cao hơn sàn 1 - 2 điểm đã vội chốt nguyện vọng.

Theo TS. Nguyễn Thanh Hiền - Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, điểm sàn là mức điểm tối thiểu thí sinh phải đạt được để đăng ký xét tuyển vào trường đại học. Điểm chuẩn vào trường sẽ được công bố sau đó. Do vậy, thí sinh lưu ý, điểm sàn mới là điều kiện cần, chưa phải đủ.

Thí sinh cần cẩn trọng

Việc các cơ sở đào tạo đặt ra điểm sàn nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng đầu vào, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời giúp thí sinh có căn cứ để đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Để tránh những sai lầm đáng tiếc, PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương khuyến cáo, cần phân biệt điểm sàn và điểm chuẩn trúng tuyển nhằm tránh những nhầm lẫn đáng tiếc, ảnh hưởng đến quyền lợi của mình trong xét tuyển. Do tính chất khác nhau nên thông thường, điểm chuẩn trúng tuyển của nhiều trường đại học vượt xa điểm sàn. Không ít thí sinh "vỡ mộng" khi trường công bố điểm trúng tuyển cách xa điểm sàn từ 6 - 9 điểm.

Thận trọng để không bị 'mắc bẫy' điểm sàn xét tuyển- Ảnh 1.

Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh đại học năm 2024 tại Hà Nội.

TS. Lê Anh Đức - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân tư vấn, thí sinh không nên căn cứ vào điểm sàn để đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Thay vào đó, các em cần tham khảo điểm chuẩn những năm trước của ngành/trường mà mình dự định đăng ký xét tuyển. Ngoài ra, thí sinh tìm hiểu về chỉ tiêu tuyển sinh, chương trình đào tạo, cơ hội việc làm của ngành/trường đại học đó… Sau khi nghiên cứu, cân nhắc nhiều yếu tố, các em thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT.

ThS Phạm Doãn Nguyên - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM lưu ý, để tránh "mắc bẫy" điểm sàn, thí sinh cần tham khảo sự chênh lệch giữa điểm này và điểm chuẩn năm 2023 của các trường. Các em cần tìm hiểu chỉ tiêu năm nay của ngành học trước khi đăng ký nguyện vọng trên Hệ thống.

Để đăng ký nguyện vọng xét tuyển, PGS.TS Lê Đình Tùng - Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường Đại học Y Hà Nội khuyên thí sinh nên dựa vào hai yếu tố, đó là điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm chuẩn trúng tuyển những năm gần đây của các trường mà bản thân đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Theo quy định, thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng. Vì thế, các em nên mạnh dạn chọn những ngành/trường học yêu thích và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến hết. Hệ thống sẽ ghi nhận thông tin và xác nhận thí sinh trúng tuyển nguyện vọng duy nhất. Thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng nào, hệ thống sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó, không xét tiếp.

Thí sinh được đăng ký bao nhiêu nguyện vọng vào một trường?

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, ngay sau khi biết điểm thi, thí sinh có 12 ngày (từ 18/7 đến 17h ngày 30/7) để đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần. Như vậy, thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển mà không giới hạn số lượng để vào đại học 2024. Tuy nhiên, các nguyện vọng trong cùng một trường đó phải là những ngành khác nhau và sắp xếp thành những nguyện vọng khác nhau, theo thứ tự ưu tiên 1,2,3,4...


Điểm sàn xét tuyển nhóm ngành Sức khỏe năm 2024 cao nhất bao nhiêu?Điểm sàn xét tuyển nhóm ngành Sức khỏe năm 2024 cao nhất bao nhiêu?

SKĐS - Bộ GD&ĐT vừa công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) khối ngành Sức khỏe năm 2024.


Đỗ Vi
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn