Gonzales cho hay gia đình cô vẫn chưa thể chấp nhận cách giới chức đưa ra kết luận MH370 là "tai nạn" khi không có bằng chứng nào cụ thể và cuộc tìm kiếm ở Ấn Độ Dương vẫn đang diễn ra.
Gonzales nằm trong số những "khách không mời mà đến" tại cuộc họp báo hôm 29/1 của Cơ quan Hàng không dân dụng Malaysia (DCA), khiến ban tổ chức phải hủy sự kiện này. Thay vào đó, tổng giám đốc DCA, ông Datuk Azharuddin Abdul Rahman, đọc một thông báo được phát trên sóng truyền hình.
Grace Subathirai, con gái của hành khách Ann Daisy, nói rằng cô từ chối nhận tiền bồi thường.
"Họ nói họ đưa ra tuyên bố đó là vì lợi ích của các gia đình để chúng tôi có thể nhận bồi thường", cô nói. "Nhưng cách họ xử lý cuộc họp báo, khi chúng tôi được xem là khán giả chính, cho thấy họ không thực tâm mong muốn lợi ích tốt nhất cho chúng tôi".
American Sarah Bajc, người có bạn trai là Philip Wood trên chuyến bay, cũng đặt câu hỏi DCA đã làm cách nào để rút ra kết luận MH370 là một "tai nạn".
"Vài tháng trước, họ vẫn tin rằng nguyên nhân của vụ việc là do không tặc. Sao bây giờ đó lại là tai nạn?", Bajc nói.
Lee Khim Fatt, chồng của một tiếp viên trên chuyến bay, chỉ trích DCA là vô cảm khi công bố tin sốc này gần dịp Tết Nguyên đán.
"Nhiều hành khách là người Trung Quốc và việc đưa ra thông tin là thiếu tôn trọng với họ vào thời điểm này", anh nói. "Họ có thể giảm nhẹ nỗi đau bằng cách nói trước với chúng tôi".
Ông Azharuddin khẳng định tuyên bố của DCA không có nghĩa là một dấu chấm hết và cho biết quá trình tìm kiếm phi cơ mất tích vẫn diễn ra với sự hỗ trợ của Trung Quốc và Australia tại Ấn Độ Dương.
DCA dự kiến công bố báo cáo tạm thời về quá trình điều tra vụ việc vào ngày 7/3, một ngày trước dịp kỷ niệm một năm xảy ra thảm họa MH370. Chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines mất tích khi đang trên hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh với 239 người trên khoang.
Theo VnExpress