Thân gái dặm trường "săn" cổ vật

16-04-2009 20:10 | Xã hội

Một mình đi cùng cả đám đàn ông giữa đêm khuya, rồi ôm những món đồ dấm dấm dúi dúi như đồ... ăn cắp - đấy là chuyện thường ngày của Nguyễn Phương Lan, kể từ ngày chị "nghiền" cổ vật.

Một mình đi cùng cả đám đàn ông giữa đêm khuya, rồi ôm những món đồ dấm dấm dúi dúi như đồ... ăn cắp - đấy là chuyện thường ngày của Nguyễn Phương Lan, kể từ ngày chị "nghiền" cổ vật.

Phận gái chốn "giang hồ"

Lâu lâu không "đi sứ", Phương Lan thấy uể oải như người... bị ốm. Bạn bè đùa: Đấy là lên cơn "vật", cứ làm một "bi" là khỏe liền. Nói thế, Phương Lan chỉ còn nước tủm tỉm cười, vì quá... chính xác. Cứ ở nhà thấy uể oải, nhưng nói đến "đi sứ", Phương Lan đột nhiên xông xáo, hoạt bát như vừa dùng... doping.

Lâu nay, hễ nói đến dân chơi cổ vật, thiên hạ sẽ “tặng” cho một cái nhìn đầy dè chừng. Điều ấy không hẳn không có lý, cổ vật là một thế giới đầy bí hiểm. Hầu hết, những giới chơi khác đều có những "luật", những "lệ" mà người chơi phải tuân theo. Còn luật chơi của cổ vật, là... chẳng có luật nào cả. Vài chục năm dày mặt trong làng chơi, vẫn xỉa tiền mua phải đồ lởm là chuyện bình thường. Chẳng may vấp, chỉ còn biết đem câu "con kiến kiện củ khoai" ra mà tự động viên. Luật của cổ vật là thế. Một số người phất lên, nhưng cũng vô số người khuynh gia bại sản, cũng chỉ vì chơi cổ vật. Hơn chục năm nay, Phương Lan cũng phải dấn thân vào chốn "giang hồ" đầy cạm bẫy như bao người khác.

Nói chuyện "đi sứ", không mấy ai hiểu nó diễn ra thế nào. Những thợ "săn" cổ vật, được gọi là "thợ sứ" luồn lách khắp các hang cùng ngõ hẻm trên đất nước. Khi lùng được món đồ cổ nào đó, thông tin được chuyển đến người chơi. Bất kể khi nào có thông tin, dân chơi phải lên đường một cách sớm nhất. Đến sớm hay muộn trong vài tích tắc, có thể món đồ kia đã được ngã giá xong xuôi. May mắn hơn, nếu chưa được "làm giá", thì người chơi phải tham gia vào một cuộc "đấu giá" ngoài mong muốn với một "đội" chơi khác.

Những cuộc điện thoại gọi "đi sứ" có thể đến bất cứ lúc nào. Nhiều nhất vẫn là ban đêm. Có những lúc đi xe liên tu bất tận từ chiều đến 2-3 giờ sáng, thậm chí không dám dừng lại để mua cái bánh mì, hay mua chai nước để đổ vào dạ dày, chỉ vì sợ đến muộn, món đồ đó đã được một đội chơi khác nẫng mất, chuyến đi hóa uổng công. Những chuyến "đi sứ" thường cứ nhằm vào đêm mà diễn ra. Không phải dân cổ vật lén lút, mà giới cổ ngoạn không phải ai xa lạ, họ cũng là viên chức nhà nước, là chủ doanh nghiệp, là công nhân lao động..., như tất cả mọi người, họ thường phải hoàn thành công việc vì miếng cơm manh áo, rồi mới lên đường.

"Của đáng tội, mỗi lần “đi sứ”, cứ lọ mọ đi đêm về hôm với toàn cánh đàn ông, hàng xóm thế nào cũng cho là mình... có vấn đề. Nhiều hôm đi về cũng sợ lắm, "đồng đội" thả mình xuống xe, lóc cóc ôm cổ vật về nhà. May mà chưa lần nào gặp bọn nghiện. Giả sử nó "xin đểu" mà mình chỉ có mỗi mấy cái thứ cổ quái, thế nào cũng ăn đòn", Phương Lan tâm sự một cách hóm hỉnh.

Có người đùa Phương Lan là "lý trưởng thời hiện đại", vì đi "săn" cổ vật trở về, Phương Lan thường tay ôm đồ, nách cắp guốc (chị có thói quen dùng guốc mộc), vì sợ đêm hôm tiếng guốc mộc khua vang, làm mọi người để ý! Rất hiếm người phụ nữ nào trụ được với thú chơi, khi chuyện "đi sứ" với dân chơi cổ vật là chuyện giống như mặt trời mọc ở đằng Đông, lặn ở đằng Tây. Thế mà chuyện đi đêm về hôm như thế đã diễn ra được 10 năm với Phương Lan.

Cổ vật là thú chơi  phải “trả học phí" rất cao. Tuy nhiên, không phải cứ chịu khó "trả học phí", là được... lên lớp. Đó là lý lo có những đại gia làng bỗng chốc trở thành... "tiểu gia", rồi phải "bán xới" khỏi làng cổ vật. Công nghệ giả cổ ngày càng tinh vi, ngay cả những tay cổ quái nhất trong làng cổ vật, không phải lúc nào cũng dám đưa ra lời khẳng định khi đứng trước những món cổ vật. Nói đến chuyện "học phí", Phương Lan chỉ ngay cho tôi một chiếc ấm: "Ấm nâu đấy, đến "thợ sứ" cũng khẳng định 100% là ấm Lý - Trần. Lúc gặp ấm này, tham quá, vì có dáng vòi rất lạ. Vừa rồi mới té ngửa ra, mấy "cao thủ" chỉ đích thị cái vòi ấm này là vòi hàn. 500 đô đi tong đấy. Bây giờ chỉ bán đồ lưu niệm". Tôi hỏi những thứ như thế có nhiều không, Phương Lan bảo: "Không trả học phí, sao khá được".

"Mình đi trước nên hiểu rồi, đừng có dại mà mê, mê nó rồi "chết" có ngày đấy!", Phương Lan thường bảo thế, khi ai đó quá say sưa ngắm những món cổ vật.

 Phương Lan trong một chuyến “săn” cổ vật và giao lưu tại Bảo tàng cổ vật Hoàng Long (Thanh Hóa).

Quán cà phê cổ vật đầu tiên ở Hà Nội

Được biết đến cổ vật lần đầu qua mấy món đồ của ông chú, rồi "mắc nợ" với nó lúc nào không hay, Phương Lan vẫn hay bảo mọi người "đừng có dại mà mê cổ vật", nhưng Phương Lan "nói một đằng, làm một nẻo". Chị là người hăng như "lên đồng", trong việc "xúi" người khác chơi cổ vật.

Bằng chứng về việc "xúi dại" người khác, là mở một quán cà phê cổ vật ở  101 - C1 Hoàng Ngọc Phách - hiện đây là quán cà phê cổ vật duy nhất ở Hà Nội. Quán cà phê xinh xắn được trang trí bằng chính những đồ cổ chị sưu tập được. "Cổ vật để trong tủ thấy tiếc lắm. Phải bày ra cho mọi người, để mọi người cùng hiểu. Còn nói mọi người chớ dại, là vì muốn mọi người đừng quá ham mà có thể ảnh hưởng đến gia đình. Phụ nữ ham cổ vật khổ lắm, lúc nào đầu cũng muốn nổ ra vì tính toán khoản nào tiêu cho công việc, khoản nào tiêu cho cổ vật", Phương Lan tâm sự.

Trong vô vàn cách chơi, Phương Lan chỉ chọn gốm nâu và gốm hoa nâu. "Mình bán cà phê mà, cà phê nâu, nên mình chỉ chơi đồ gốm nâu", Phương Lan cho biết. Nhưng sự trùng hợp giữa nghề nghiệp và thú chơi, chỉ là lí do thứ nhất. Lí do thứ hai, cũng là lí do chính, là màu gốm nâu hiền hòa, màu gốm nâu dung dị, là một thứ "đặc sản" của Việt Nam. Men nâu không sang trọng như men ngọc, cũng không đài các như gốm hoa lam, nhất là lam Minh - Thanh, nhưng men nâu mộc mạc, thuần phác như chính tính cách con người Việt Nam. Phương Lan cũng chưa từng mua một món đồ ngoại quốc nào, cho dù rẻ và có thể có lãi đến mấy.

Là người Việt, trước hết phải hiểu văn hóa Việt, chị quan niệm thế. Cuộc sống thường ngày của Phương Lan đầy những sóng gió. Sống ở đất Hà thành bằng nghề bán cà phê, hàng ngày phải chao chát với những phường buôn, bạn bán, thế mà, chị có những suy nghĩ, có cách nhìn thật khó giải thích. Có lẽ, cách giải thích hợp lý nhất, là cổ vật đã đem đến những góc rất đẹp cho tâm hồn con người.

Quán cà phê cổ vật của Phương Lan đầy ắp những kỉ niệm. Có những cụ già đến ngồi cả buổi trầm ngâm bên những món đồ. Cuối buổi mới lại gần bà chủ quán bảo: "Lúc nào cho bác gặp bố cháu hay ông cháu nhé. Các cụ nhà mình có thú chơi hay thật". Phương Lan bảo, lúc ấy bụm miệng cười mà giải thích cho các bô lão. Phương Lan chưa dám nói đến thành công, nhưng ít nhất, chị được hưởng những niềm vui nho nhỏ từ quán cà phê cổ vật này, chị đã có thêm nhiều người bạn tâm giao khi thường xuyên có những vị khách đến ngồi hàng giờ ngắm cổ vật và cùng chị chia sẻ.

  Phương Lan mách tôi một cách để ít tiền vẫn chơi được cổ vật, đó là chọn cho mình một hướng đi thích hợp. Bộ sưu tập của chị đến giờ, có khoảng 200 đồ gốm nâu và hoa các loại, niên đại chủ yếu cuối thời Lý đầu thời Trần. Phương Lan có quyền tự hào, chị không nhiều cổ vật, nhưng khó có ai "qua mặt" được chị về số lượng đồ gốm nâu, hoa nâu cũng như về sự phong phú trong các kiểu dáng. Trong số khá nhiều những bình, bát, đĩa nâu, tôi đặc biệt chú ý tới một chiếc bình vôi nâu. "Không mấy ai có nhiều đồ nâu bằng mình; cũng không mấy ai chỉ mua đồ nâu, mà chưa từng bán một chiếc nào như mình", Phương Lan cười tếu táo.

 Ở một góc quán có treo rất nhiều bằng khen. Hóa ra, dù bộ sưu tập còn rất khiêm tốn, nhưng chị lại nhiều lần hiến tặng cổ vật cho các bảo tàng. Cũng lạ, người phụ nữ "keo kiệt" trong chăm sóc bản thân (đa phần phụ nữ thích làm đẹp), "keo kiệt" đến nỗi chị gái phải phàn nàn: "Sao không bỏ mấy trăm nghìn ra mà mua quần áo mặc cho nó ra hồn?" lại dám bạo gan tặng những cổ vật tiền triệu, thậm chí còn hơn thế. "Hiến tặng ư? Cũng xót ruột lắm chứ, vì là mồ hôi của mình cả. Nhưng tiếc cũng phải làm, để mọi người cùng hiểu thêm về giá trị cổ vật", Phương Lan bảo thế.

Nghĩ đến Phương Lan, lại nghĩ đến một số đại gia trong làng cổ vật, lúc nào cũng bo bo giữ mấy món đồ "độc" để quảng bá cho "thương hiệu" của mình. Đấy có phải là cách bảo tồn, cách phát huy những giá trị cổ vật như chính những đại gia cổ vật ấy thường nói?

Bài, ảnh: Kinh Bắc


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn