Tập luyện phục hồi chức năng: Liệu pháp điều trị thoái hóa khớp

12-12-2015 10:00 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Trong số các liệu pháp điều trị thoái hóa khớp, các chuyên gia châu Âu đặt tập luyện phục hồi chức năng lên hàng đầu, trên cả phẫu thuật khớp và thuốc giảm đau.

Khi được hỏi về lợi ích của các liệu pháp điều trị thoái hóa khớp khác nhau, các chuyên gia châu Âu đặt tập luyện phục hồi chức năng lên hàng đầu, trên cả phẫu thuật khớp, thuốc giảm đau và giáo dục kiến thức về bệnh cho bệnh nhân.

Tập luyện phục hồi chức năng (PHCN) là biện pháp điều trị hiệu quả đối với thoái hóa khớp thông qua một số cơ chế. Các hoạt động cơ làm giảm đau thông qua cơ chế tương tác tương tự như châm cứu. Đó là làm tăng nồng độ endophin trong não làm giảm cảm giác đau. Tăng sức mạnh của cơ và cải thiện chức năng thần kinh cơ giúp tăng sự ổn định xung quanh khớp và giúp giảm tải lên khớp. Nghiên cứu cho thấy, 4 tháng tập luyện phục hồi chức năng không chỉ cải thiện sức mạnh cơ mà còn cải thiện chất lượng của sụn khớp gối. Tập luyện thường xuyên còn giúp giảm cân từ đó giúp giảm trọng tải lên khớp.

Liệu pháp điều trị thoái hóa khớp 1

Đạp xe là phương pháp tập phù hợp nhất đối với người thoái hóa khớp. (Nguồn internet)

 

Tuy nhiên, quá trình tập luyện rất dễ bị thất bại. Bệnh nhân thường khó duy trì việc tự tập luyện khi triệu chứng đau đã giảm mặc dù đã được bác sĩ phục hồi chức năng hướng dẫn. Để đạt được hiệu quả, tập luyện phục hồi chức năng và hoạt động thể lực phải được thực hiện thường xuyên.

Phương pháp tập luyện PHCN

Thoái hóa khớp là một bệnh mạn tính. Việc tập luyện PHCN phải được đưa vào cuộc sống hằng ngày và quan trọng nhất là lựa chọn hình thức tập phù hợp cho từng bệnh nhân. Để tạo thuận lợi cho việc tập luyện, bệnh nhân nên được đánh giá ban đầu và ở từng giai đoạn, nhằm điều chỉnh chương trình tập luyện cho phù hợp và nhằm tối ưu hóa lực tải đè ép lên các khớp bị ảnh hưởng. Điều đó có thể đạt được thông qua các bài tập tăng sức cơ, làm tăng sức ép lên các yếu tố thần kinh cơ, mà ít gây tải trọng lên khớp. Khi bắt đầu tập luyện, bệnh nhân sẽ có cảm giác đau tăng lên. Tuy nhiên, tình trạng đau sẽ giảm dần sau khi tập và sẽ không tăng theo thời gian. Trong giai đoạn này, bệnh nhân cũng có thể được áp dụng các biện pháp giảm đau tạm thời như điện phân, sóng ngắn, hồng ngoại, paraphin, châm cứu... Một hình thức tập luyện đã được chứng minh tính hiệu quả và dễ được áp dụng là đạp xe, khi đó các cơ được vận động tối đa mà rất ít gây tải trọng lên các khớp.

Yếu tố nguy cơ quan trọng đối với thoái hóa khớp là chấn thương. Do chấn thương khớp thường xảy ra trong khi hoạt động thể lực, vì vậy tốt nhất nên xem xét các hoạt động thể lực nào là phù hợp. Chấn thương thường xảy ra trong bóng đá và các môn thể thao khác như cầu lông, tennis, bóng bàn..., do đó bệnh nhân thoái hóa khớp nên tránh tập luyện các môn thể thao này.

Bệnh nhân thoái hóa khớp toàn bộ hoặc đau cơ xơ có phản ứng mạnh đối với tập luyện, cần được chỉ định cường độ rất thấp trong thời gian dài và hiệu quả thường không bằng thoái hóa khớp ở các khớp riêng lẻ. Các chỉ định cho bệnh nhân thoái hóa khớp trong bài không thích hợp cho các nhóm bệnh này.

Các hình thức tập luyện PHCN phù hợp

Đạp xe ngoài trời hoặc đạp xe tại chỗ: Là hình thức tập luyện hiệu quả giúp kích thích các nhóm cơ lớn ở chân với mức độ tải trên khớp thấp. Các dữ liệu cho thấy đây là hình thức tập luyện phù hợp nhất và giúp tăng sức mạnh cơ đồng thời giảm bệnh tật. Tuy nhiên, vị trí của yên xe và tay lái rất quan trọng. Yên xe nên được điều chỉnh sao cho khi duỗi gối hết mức, gối gập 1 góc từ 0 - 15 độ. Nên gắn thêm đồng hồ theo dõi tốc độ. Nên chọn xe có yên ngồi thoải mái, đồng thời có thể dễ dàng điều chỉnh yên xe và tay lái.

Đi bộ: An toàn cho hầu hết bệnh nhân, dễ thực hiện, không tốn chi phí. Cải thiện sức khỏe, giảm đau và chống trầm cảm. Nhưng không phù hợp với thoái hóa khớp nặng ở các vị trí hông, gối và mắt cá chân.

Đi bộ với gậy: Phương pháp này cũng giúp cải thiện nhanh hơn so với đi bộ không có gậy. Cũng có hiệu quả cho các bệnh lý ở cổ và lưng. Cần chú ý: Lựa chọn độ dài gậy thích hợp để hãm tốt và chuyển động theo kiểu con lắc một cách thoải mái, giúp không làm đau vai. Gậy nên cao hơn 1m trên khuỷu tay khi đứng thẳng với cánh tay xuôi dọc theo cơ thể. Chọn gậy có thể điều chỉnh được độ dài.

Chạy bộ: Chưa đủ bằng chứng khoa học trên bệnh nhân thoái hóa khớp. Có thể gây chấn thương do quá tải tại khớp. Các thay đổi về tình trạng cơ học như trong thoái hóa khớp sẽ dẫn đến tăng nguy cơ chấn thương và tạo lực tải cao cho khớp hông, khớp gối và khớp cổ chân.

Ngoài ra, dùng máy chạy bộ hoặc chạy bộ dưới nước có tải trọng lên khớp gối và bàn chân.

Bơi lội và các môn thể thao dưới nước sẽ rất ít áp lực lên các khớp.

Khiêu vũ: Các nghiên cứu cho thấy khiêu vũ có tác dụng cải thiện sức khỏe và tăng khả năng vận động cũng như giảm đau, giảm bệnh và chống trầm cảm nhưng có thể gây tải trọng lớn cho khớp. Nguy cơ chấn thương cao. Không phù hợp với thoái hóa khớp nặng ở các vị trí hông, gối và mắt cá chân.

Leo cầu thang và máy tập nâng bước: Hoạt động chức năng, tương tự như đi bộ lên cầu thang. Nhiều tài liệu cho thấy, bệnh nhân trẻ có tổn thương khớp gối tập với máy tập nâng bước cũng có hiệu quả tốt.

BS. Mai Trung Dũng

(Phó Chủ nhiệm Khoa Phục hồi chức năng - Bệnh viện 354)

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn