Sự dở dang thể hiện ở việc nội dung "Táo Quân" thường bị kiểm soát và "cắt xén" để tránh những vấn đề "nhạy cảm". Việc "cắt xén" này xét trên góc độ quản lý thì chúng ta không bàn đến, nhưng sau khi cắt xén xong thì người ta quên mất tính logic của kịch tính, đồng thời quên mất dòng chảy của cảm xúc, và do vậy không thể chuyển đổi từ hài sang bi - chính được một cách dễ hiểu, hợp lý, hay chí ít là không bị gượng ép.
Chương trình "Gặp nhau cuối năm" hay còn gọi là "Táo Quân" đã tồn tại và nhận được sự ủng hộ của khán giả truyền hình hơn 10 năm qua. Tối giao thừa hàng năm, nhà nhà quây quần bên nhau xem Táo Quân cho thư giãn.
Viết kịch, đóng kịch và đạo diễn kịch thực sự là những công việc vất vả và đòi hỏi sự lao động nghiêm túc, mặc dù nội dung kịch có thể là hài, bi, chính kịch hay kịch câm. Trong số các thể loại kịch đó thì hài kịch có lẽ là dễ hơn cả về mặt chất liệu, kịch bản, ngôn ngữ và tình huống, từ đó diễn viên kịch có sự phóng khoáng hơn, hay nói cách khác là "nhiều đất diễn" để sáng tạo hơn.
Thời sinh viên tôi đã đóng một vài vở kịch cho nhà trường, toàn bộ do một anh bạn "Đầu to" đạo diễn và viết kịch bản. Trong các vở kịch ấy, mặc dù chỉ ngắn chừng 30' nhưng chúng tôi đã phải lao động khá vất vả để tránh quên lời, để không cười khi khán giả cười, và phải khóc khi khán giả chưa khóc. Trong một lần duy nhất đóng chính kịch nhân dịp 995 năm Thăng Long Hà Nội, tôi mới thấy chính kịch là đỉnh cao của nghệ thuật kịch nói, khi mà ta phải nhập vai thực sự vào nhân vật, vì tiếng cười có thể che lấp khuyết điểm nhưng cảm xúc thì chỉ có thể là thời điểm bùng phát của một sự dồn nén.
Nói về chương trình "Táo Quân", thoáng qua thì chúng ta thấy nó thuộc thể loại hài kịch, tức là xem để cười và vui là chính. Tuy nhiên, với mục đích cao cả là: vẽ lại bức tranh toàn cảnh của xã hội trong một năm vừa qua, thì sau mỗi tiếng cười sẽ là một đoạn bi hoặc chính kịch được xen vào. Như vậy cái khó của chương trình là làm sao sắp xếp được các "xung đột kịch" một cách có logic để khán giả hiểu được sự chuyển đổi giữa hài - bi - chính. Một cái khó khác nữa, với mục đích cao cả kia, "Táo Quân" sẽ phải lựa chọn các "xung đột xã hội" tiêu biểu nhất năm để nhắm vào, trong khi các xung đột mang kịch tính cao này lại không phải là chất liệu chính cho các vở hài kịch mà thường là bi hoặc chính.
Phân tích vài dòng như vậy để thấy được, ê kíp làm "Táo Quân" đã phải vất vả và sáng tạo đến mức nào mới có thể cho ra lò một sản phẩm "tổng hợp": vừa đem lại tiếng cười đêm giao thừa, vừa nhìn lại một năm với các biến động xã hội.
Tuy nhiên, một tiếng cười dở dang đôi khi lại phản tác dụng. Sự dở dang ở đây được thể hiện trước hết ở hai mục đích chính: tạo tiếng cười và mô tả các mâu thuẫn xã hội. Các mâu thuẫn xã hội tiêu biểu vốn có "kịch tính" rất cao và do vậy không phải là nguyên liệu tốt đẹp gì để tạo tiếng cười. Sự dở dang còn được thể hiện ở việc nội dung "Táo Quân" thường bị kiểm soát và "cắt xén" để tránh những vấn đề "nhạy cảm". Việc "cắt xén" này xét trên góc độ quản lý thì chúng ta không bàn đến, nhưng sau khi cắt xén xong thì người ta quên mất tính logic của kịch tính, đồng thời quên mất dòng chảy của cảm xúc, và do vậy không thể chuyển đổi từ hài sang bi - chính được một cách dễ hiểu, hợp lý, hay chí ít là không bị gượng ép.
Vì sao ê kíp này lại phải cố gắng lồng ghép hai mục đích ngược đời nhau như vậy vào trong một vở kịch? Đơn giản vì dân Việt Nam ta vốn quen với nụ cười, vốn vô tư nhiều khi đến mức vô tâm, thành ra không chịu được sự cay nghiệt, không chịu được sự thật. Hài kịch ở châu Âu chỉ được xem như một món khai vị đầu lưỡi, trong khi chính kịch mới là toàn bộ bữa ăn thịnh soạn với đầy đủ sự hỗ trợ của ánh sáng, trang phục, âm thanh và sân khấu. Ngược lại, với sự vô tư của người Việt Nam thì hài kịch lên ngôi, trong khi chính kịch lại ngoi ngóp cố gắng níu được chỗ đứng của mình trong làng nghệ thuật. Và một lý do nữa, cuối năm rồi người ta chỉ thích cười.
Vậy thì, nên chăng ê kíp "Táo Quân" xem lại mục đích chính của chương trình? Hoặc giữ nguyên thì nếu có bị cắt xén nhớ phải tôn trọng khán giả, hoặc tách ra thành hai chương trình với hai mục đích khác nhau, hoặc, hơn 10 năm rồi nếu có mệt thì nghỉ và chuyển đổi thành chương trình khác cho đỡ mỏi. Dù gì thì chúng tôi cũng rất trân trọng công sức lao động vì nghệ thuật của các anh chị.
Thanh Huyền
Mọi bài vở tham gia diễn đàn xin gửi về email: bandientuskds@gmail.com. Các bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của tòa soạn. Trân trọng cảm ơn!