Khi bị nhiễm SARS-CoV-2, có thể xuất hiện các triệu chứng: Mệt mỏi, rối loạn vị giác và khứu giác, khó thở, đau ngực... Đối với hầu hết bệnh nhân phát triển dạng nhẹ, các dấu hiệu lâm sàng này biến mất nhanh chóng sau khi họ khỏi bệnh. Nhưng ở một số cá nhân những triệu chứng này vẫn tồn tại trong vài tuần hoặc vài tháng sau khi nhiễm bệnh, được gọi là "COVID -19 kéo dài" hoặc "COVID -19 dai dẳng".
Theo các nghiên cứu trước đây, những người này có thể gây ra không chỉ các rối loạn về thể chất mà còn có các hậu quả về tâm lý. Bệnh nhân mắc chứng "COVID -19 kéo dài" cũng sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn trong vòng sáu tháng kể từ khi nhiễm COVID-19, ngay cả khi họ không nhập viện.
Nguy cơ tử vong tăng ở bệnh nhân mắc COVID kéo dài.
Các nhà khoa học đã xem xét hồ sơ y tế của 73.435 người Mỹ mắc bệnh COVID-19 không phải nhập viện; sử dụng cơ sở dữ liệu của Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ, xác định các di chứng của COVID-19 được quan sát sau sáu tháng nhiễm bệnh. Sau khi thực hiện phân tích, các tác giả phát hiện: Sau 30 ngày đầu tiên bị bệnh, những người bị nhiễm COVID-19 kéo dài có nguy cơ tử vong cao hơn và có nhiều khả năng cần được chăm sóc y tế trong sáu tháng tiếp theo.
Theo các nhà nghiên cứu, những bệnh nhân này cũng có một loạt các di chứng như: Các triệu chứng về phổi, rối loạn hệ thần kinh và nhận thức, rối loạn tâm thần, rối loạn chuyển hóa, rối loạn tim mạch, rối loạn tiêu hóa… Các dấu hiệu lâm sàng như khó chịu, mệt mỏi, đau cơ xương và thiếu máu cũng được biểu hiện. Ở những bệnh nhân này, có sự gia tăng sử dụng một số loại thuốc, bao gồm thuốc giảm đau (opioid và không opioid), thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm lo âu, thuốc hạ huyết áp và thuốc hạ đường huyết.