Tăng đầu tư nội địa cho phòng chống HIV/AIDS

26-07-2012 9:26 PM | Tin nóng y tế

Chương trình phối hợp của Liên hiệp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) vừa công bố một báo cáo mới và các tài liệu đi kèm,

(SKDS) - Chương trình phối hợp của Liên hiệp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) vừa công bố một báo cáo mới và các tài liệu đi kèm, cho thấy trong khi nguồn kinh phí quốc tế cho phòng chống AIDS đang dần bị cắt giảm thì ngày càng có nhiều quốc gia tăng đầu tư nội địa cho lĩnh vực này và thế giới hiện đã đạt con số có 8 triệu người nhiễm HIV được điều trị ARV.

Hơn 80 quốc gia tăng gấp đôi đầu tư trong nước cho phòng, chống HIV/AIDS

Báo cáo cho thấy đầu tư quốc gia dành cho phòng chống HIV/AIDS đã vượt trội so với nguồn kinh phí quốc tế. Các nước có thu nhập ở mức thấp và trung bình đã đầu tư 8,6 tỷ USD cho phòng chống HIV/AIDS trong năm 2011, tăng 11% so với năm 2010. Có 81 quốc gia đã tăng hơn gấp đôi đầu tư trong nước cho phòng chống AIDS trong khoảng thời gian từ 2006 đến 2011. Chi tiêu công từ các nguồn trong nước cho phòng chống AIDS đã tăng cùng với tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia có thu nhập ở mức thấp và trung bình này. Ví dụ, chi tiêu công từ các nguồn trong nước cho lĩnh vực này ở các quốc gia khu vực tiểu sa mạc Sahara, châu Phi (ngoại trừ Nam Phi) đã tăng 97% trong vòng 5 năm qua. Nam Phi đã sử dụng các nguồn trong nước để chi trả hơn 80% chi phí cho phòng chống AIDS và đã tăng đầu tư trong nước cho phòng chống HIV/AIDS lên gấp ba lần trong khoảng thời gian 2006-2011. Ông Michel Sidibé, Giám đốc điều hành UNAIDS cho biết, các quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng nhất của dịch HIV/AIDS đang cho thấy sự chủ động và vai trò lãnh đạo trong ứng phó với HIV. Tuy vậy, nguồn hỗ trợ quốc tế cũng cần phải tăng chứ không thể tiếp tục chững lại, nếu chúng ta muốn đạt được các mục tiêu đã đề ra cho năm 2015.

Nhằm tăng cường hơn nữa tính chủ động và trách nhiệm của các quốc gia thành viên, Liên minh châu Phi đã công bố Lộ trình chia sẻ trách nhiệm và tình đoàn kết toàn cầu trong phòng chống AIDS, lao và sốt rét tại châu Phi, ngay trước thềm Hội nghị Quốc tế về AIDS tổ chức tại Washington. Tài liệu này đặt ra một lộ trình nhằm tiến tới đa dạng hóa, cân bằng và đảm bảo tính bền vững cho nguồn tài chính cho phòng chống AIDS ở châu Phi vào năm 2015, qua đó cho thấy vai trò lãnh đạo và tiếng nói mới của châu Phi trong ứng phó toàn cầu với AIDS.

 Phát thuốc điều trị cho bệnh nhân AIDS tại Bệnh viện 09 - Hà Nội. Ảnh: TH

Các nước trong nhóm BRICS (gồm Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã tăng chi tiêu công cho phòng chống HIV/AIDS từ các nguồn trong nước lên hơn 120% trong khoảng thời gian 2006-2011. Những nước này hiện đang tự chi trả cho trung bình 75% tổng kinh phí phòng chống AIDS quốc gia. Nam Phi và Trung Quốc hiện đã tự chi trả hơn 80% chi phí cho phòng chống AIDS, và Chính phủ Trung Quốc đã cam kết sẽ hoàn toàn tự túc chi phí trong những năm tới. Ấn Độ cũng đã cam kết tăng ngân sách quốc nội lên hơn 90% trong giai đoạn tới nhằm ứng phó quốc gia với AIDS. Braxin và Nga hiện đã hoàn toàn tự túc kinh phí phòng chống AIDS.

Tuy vậy, kinh phí dành cho phòng chống HIV/AIDS của cộng đồng quốc tế đã chững lại trong thời gian từ năm 2008 đến năm 2011, hiện đứng ở mức 8,2 tỷ USD. Trong đó đóng góp của Chính phủ Hoa Kỳ chiếm gần 48% tổng viện trợ quốc tế dành cho phòng chống AIDS.

Và những nỗ lực

Trong lúc đầu tư quốc nội cho phòng chống AIDS đang tăng lên thì vẫn còn một khoảng thiếu hụt lớn trong đầu tư toàn cầu cho lĩnh vực này. Dự tính đến năm 2015, khoảng thiếu hụt hàng năm sẽ là 7 tỷ USD. Cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hiệp quốc về AIDS năm 2011 đã thông qua Tuyên bố Chính trị về HIV/AIDS trong đó các quốc gia thống nhất tăng đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS đạt 22-24 tỷ USD vào năm 2015. Nếu muốn đạt được mục tiêu này, tất cả các quốc gia đều cần nỗ lực và phối hợp nhịp nhàng.

Việt Nam đã có bước tiến lớn trong việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia đầu tiên về phòng chống HIV/AIDS, qua đó tăng ngân sách quốc gia năm 2012 dành cho ứng phó với HIV lên 20% so với năm 2011. “Tuy vậy, là một quốc gia có thu nhập ở mức trung bình, Việt Nam cần tiếp tục tăng các nguồn kinh phí trong nước dành cho phòng chống HIV/AIDS để bù đắp thiếu hụt trong các năm tới do cắt giảm các nguồn tài trợ nước ngoài và để không đảo ngược những thành quả đã đạt được.” Ông Eamonn Murphy, Giám đốc UNAIDS Việt Nam nhấn mạnh. Các quốc gia cần tích cực chủ động và toàn thế giới cần đoàn kết hơn nữa để ứng phó với AIDS được bền vững. Các khoản đầu tư cho AIDS cần được sớm lên kế hoạch và có tính bền vững. Các quốc gia cũng cần phải huy động và sử dụng các nguồn lực với hiệu quả cao. Mỗi đồng dùng cho phòng chống AIDS là một khoản đầu tư chứ không phải là chi phí và chúng ta hiện cần tập trung vào việc thực hiện các mục tiêu đến năm 2015 nhưng cũng cần nhìn xa hơn thế và hướng hành động tới tầm nhìn chung về không còn người nhiễm mới HIV, không còn phân biệt đối xử và không còn tử vong do AIDS”.       

 

  Hồng Dương


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH