Trẻ sơ sinh trong các lồng ấp được sơ tán xuống tầng hầm của một bệnh viện ở phía đông Aleppo sau khi máy bay chính phủ ném bom xuống một địa điểm cách cơ sở này chỉ vài trăm mét. Ảnh: AFP |
Trong thư, 15 bác sĩ phục vụ 300.000 dân tại khu vực phía đông Aleppo, thành phố đang bị vây hãm ở Syria, kêu gọi ông Obama thiết lập một tuyến đường an toàn để có thể vận chuyển thiết bị y tế và thuốc men cấp thiết tới đây, theo CNN.
"Chúng tôi chưa thấy nỗ lực nào từ phía Mỹ nhằm giải vây hoặc sử dụng ảnh hưởng của họ để thúc ép các bên bảo vệ người dân", lá thư có đoạn.
Bức thư ngỏ được gửi đi trong bối cảnh quân nổi dậy vừa mới phá vòng vây do quân chính phủ thiết lập suốt nhiều tháng qua ở Aleppo, thành phố bị tàn phá nặng nề nhất trong cuộc nội chiến Syria.
Từ giữa tuần, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố ngừng các hoạt động không kích ở Aleppo mỗi ngày ba giờ để người dân địa phương có thời gian nhận các nguồn cứu trợ nhân đạo, đồng thời hối thúc họ rời khỏi khu vực chiến sự.
Tuy nhiên hòa bình có lẽ vẫn còn là điều quá xa vời khi hàng chục nghìn gia đình vẫn mắc kẹt giữa cuộc chiến, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng và hỗ trợ nhân đạo còn hạn chế.
Chọn người để cứu
Vị trí thành phố Aleppo. Đồ họa: BBC |
Các nhóm nổi dậy kiểm soát phía đông Aleppo từ năm 2012. Tuy nhiên, dưới sự yểm trợ hỏa lực từ các máy bay chiến đấu Nga, quân chính phủ gần đây bao vây khu vực này và cắt đứt nhiều tuyến tiếp tế của đối phương. Hơn 6.000 người, gồm nhiều dân thường, đã thiệt mạng hoặc bị thương trong 80 ngày chiến sự liên tiếp tại Aleppo, theo tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), trụ sở tại Anh.
"Điều làm chúng tôi đau lòng nhất, với tư cách bác sĩ, là phải chọn ai được sống và ai phải chết", họ viết. "Nhiều em nhỏ được chuyển đến phòng cấp cứu của chúng tôi bị thương quá nặng đến nỗi chúng tôi phải ưu tiên cứu những em có cơ hội sống cao hơn, hoặc đơn giản là chúng tôi không đủ dụng cụ y tế để cứu chúng", các bác sĩ chia sẻ trong thư.
Bất chấp khó khăn, họ khẳng định: "Chúng tôi chọn ở lại đây. Chúng tôi cam kết giúp đỡ những người cần giúp".
Một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ hôm qua cho biết Nhà Trắng đã tiếp nhận bức thư.
"Mỹ từng nhiều lần lên án hành động ném bom bừa bãi của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhằm vào các cơ sở y tế ở Aleppo cùng những nơi khác tại Syria. Các vụ tấn công này gây kinh hãi và cần phải chấm dứt. Chúng tôi tuyên dương sự dũng cảm của các nhân viên y tế trên khắp Syria, những người đang làm việc hàng ngày trong nguy hiểm với trang thiết bị y tế tối thiểu để cứu người", quan chức này nhấn mạnh.
Ông cũng thêm rằng chính phủ Mỹ đang làm việc với Liên Hợp Quốc và trao đổi cùng Nga nhằm tìm ra hướng giải quyết ngoại giao giúp giảm bạo lực và cho phép hỗ trợ nhân đạo bên trong thành phố.
Bác sĩ Hamza ở Aleppo, một trong những người ký tên vào lá thư ngỏ, cho hay ông thấy sốc trước phản hồi từ Nhà Trắng.
"Nói về hỗ trợ nhân đạo, đàm phán hay giải pháp ngoại giao là vô cùng nực cười vào lúc này", ông quả quyết. "Nhà Trắng biết rõ chuyện gì đang diễn ra".
Theo Hamza, phản ứng của chính quyền Obama là không thể hiểu nổi, nhất là vào thời điểm quân đội Syria đang vướng cáo buộc tổ chức một vụ tấn công bằng khí clo hôm 10/8, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng.
Nguồn cung cạn kiệt
Một bé gái đi lấy nước sinh hoạt tại một bể công cộng ở Aleppo. Ảnh: AFP |
Các bác sĩ ở phía đông Aleppo cho biết cứ 17 giờ lại xảy ra một cuộc không kích nhằm vào cơ sở y tế trong thành phố. Điều này đồng nghĩa với việc các dịch vụ y tế trong khu vực đang đứng trước nguy cơ bị hủy diệt trong vòng một tháng nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.
"Chỉ là vấn đề thời gian trước khi chúng tôi bị quân đội chính phủ bao vây trở lại, nạn đói sẽ xảy ra và các nguồn cung cho bệnh viện cạn kiệt hoàn toàn, trừ phi một tuyến đường an toàn thường trực dẫn đến Aleppo được mở. Cái chết dường như ngày càng khó tránh", lá thư có đoạn.
Trong khi đó, theo người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephen O'Brien, khắp thành phố Aleppo, hơn hai triệu người không có điện để dùng. Nguồn nước ít ỏi từ các giếng đào và bồn chứa hầu như không đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân giữa mùa hè oi bức. Vì thế, trẻ em có thể dễ mắc các căn bệnh do ô nhiễm nguồn nước.
Dù phải chứng kiến thảm kịch hàng ngày, các bác sĩ ở Aleppo vẫn đề cao nghĩa vụ giúp đỡ người khác, đồng thời hối thúc Mỹ cùng gánh vác trách nhiệm.
"Nếu thiếu chúng tôi, thêm nhiều bạn bè và láng giềng của chúng tôi sẽ phải chết. Chúng tôi có nghĩa vụ ở lại và giúp đỡ", các bác sĩ nhấn mạnh trong thư.