Tam thất là rễ của cây tam thất, còn gọi là sâm tam thất. Trước đây được coi như vị thuốc "giả nhân sâm", ý nói có thể thay nhân sâm. Chính vì vậy mà ngay tên khoa học của nó cũng phản ánh được điều này: Panax pseudo ginseng Wall. Ở đây từ Panax mang ý nghĩa tên "chi" của nhân sâm (về phân loại thực vật), xuất phát từ tiếng Hy Lạp Panacen, tức là chữa được rất nhiều loại bệnh. Còn pseudo, có nghĩa là giả và ginseng là phiên âm từ nhân sâm. Ngày nay tên khoa học của tam thất là Panax Notoginseng (Bark.) F.H. Chen, họ nhân sâm Araliaceae (ngũ gia bì). Trong Đông y, tam thất còn được gọi là "kim bất hoán", "kim", tức là vàng, bất hoán, là không đổi được; có nghĩa là vị thuốc tam thất rất quý, đến mức có vàng cũng không thể đổi được.
Thổ tam thất. |
Tác dụng sinh học của tam thất
Tam thất có tác dụng tăng lực rất tốt, tác dụng này giống với tác dụng của nhân sâm; rút ngắn thời gian đông máu; tiêu máu ứ và tăng lưu lượng máu ở động mạch vành của động vật thí nghiệm. Làm tăng sức co bóp cơ tim ở liều thấp; tác dụng kích dục, đối với chức năng nội tiết sinh dục nữ, thể hiện ở các hoạt tính oestrogen và hướng sinh dục; giãn mạch ngoại vi và không ảnh hưởng đến huyết áp và hệ thần kinh trung ương; điều hòa miễn dịch; kích thích tâm thần, chống trầm uất.
Tại sao tam thất lại tác dụng tốt như vậy?
Tam thất cũng chứa các hợp chất giống như nhân sâm. Các bộ phận của cây như rễ con, lá, hoa tam thất đều chứa các hợp chất saponosid nhóm dammaran. Ngoài ra còn phải kể đến các thành phần có giá trị khác như các acid amin, các chất polyacetylen và panaxytriol...
Tính đa dạng trong sử dụng tam thất
Trong Đông y, tam thất được xếp vào loại đầu vị của nhóm chỉ huyết (cầm máu). Khi nhấm có vị đắng nhẹ, hơi ngọt và để lại dư vị đặc trưng của nhân sâm. Để dễ phân biệt, tiền nhân có câu nói về vị của tam thất: "Tiền khổ, hậu cam, hậu cam cam". Nghĩa là khi nhấm, lúc đầu thấy vị đắng, sau thấy ngọt và càng về sau càng thấy ngọt. Trên thực tế, tam thất được sử dụng rất đa dạng. Như ta đã biết, tam thất thuộc vào dòng nhân sâm nên có tác dụng bổ, song lại có phần khác với nhân sâm là tam thất lại theo hướng tác dụng vào phần âm huyết là chính. Tuy nhiên từ trước đến nay, tam thất vẫn là vị thuốc được sử dụng chính để cầm máu, tiêu máu cục và bổ máu. Cầm máu vẫn là tác dụng được ưu tiên của tam thất. Với 3 tác dụng trên, đối tượng được quan tâm sử dụng nhiều nhất của tam thất vẫn là phụ nữ sau khi sinh, vì thuốc có tác dụng chữa chảy máu, máu tụ và thiếu máu. Để tăng thêm ý nghĩa bổ, tam thất thường được sử dụng dưới dạng tần gà. Tam thất được dùng để cầm máu khi xuất huyết bên trong như rong kinh, băng huyết, chảy máu cam, ho ra máu, thổ huyết, trĩ xuất huyết... hoặc thiếu máu gây hoa mắt, chóng mặt, da dẻ xanh xao... Có thể sử dụng dưới dạng uống (thuốc hãm, bột thuốc). Với chảy máu bên ngoài như chấn thương, bị thương chảy máu có thể dùng bột tam thất rắc vào vết thương rồi băng lại.
Cây và củ tam thất. |
Cần chú ý thêm rằng, đối với trường hợp làm tiêu máu tụ, chỉ nên sử dụng tam thất khi triệu chứng xuất huyết mới xảy ra. Ví dụ xuất huyết tiền phòng ở mắt, dùng tam thất lúc này rất tốt. Nếu trong mạch máu hoặc trong tim đã có các cục máu đông, không nên dùng tam thất nữa. Nếu dùng, cục máu này sẽ là trung tâm để kết tụ, làm cho cục máu to dần lên, ảnh hưởng đến sự lưu thông của mạch máu, đôi khi gây ra đột quỵ. Ngày nay, tam thất còn được dùng để trị các bệnh u xơ, u cục..., cho kết quả khá tốt, tuy nhiên không phải là tất cả. Ngoài ra còn dùng tam thất kết hợp với một số vị thuốc khác, như đan sâm để trị bệnh đau thắt ngực do xơ vữa động mạch vành, hoặc lưu lượng huyết quản giảm, hoặc sau tai biến mạch máu não...
Những cây mang danh tam thất
Do tam thất có nhiều tác dụng tốt nên trên thực tế, người ta đã dùng nhiều vị thuốc "giả danh" tam thất. Do vậy, khi sử dụng vị thuốc quý này, cần biết những vị thuốc thường được dùng dưới tên gọi là tam thất, song không có những tác dụng như vị tam thất đã giới thiệu.
Tam thất gừng Stablianthus thorelli Gagnep, họ Gừng Zingiberaceae.
Cây này có hình thái thực vật giống cây nghệ, lá có mùi nghệ, được trồng nhiều ở Ba Vì. Ở mỗi gốc nhổ lên có rất nhiều củ nhỏ, có hình tròn dẹt. Trên thị trường đôi khi người ta đánh bóng vỏ rễ bằng một lớp màu đen, khi nhấm có vị đắng, mùi nghệ. Nhiều người đã mua nhầm.
Thổ tam thất Gynura pinnatifida L., tên đồng danh Gynura segetum (Lour.) Merr, G. japonica (Thunb.) Juel., họ cúc Asteraceae. Cây này thường trồng ở Hải Dương, Hưng Yên với tên bạch truật nam, cũng được gọi là tam thất.
GS.TS. Phạm Xuân Sinh