Hà Nội

Tá hỏa khi cho mẻ ‘ăn’ bún, sau nửa năm sợi bún vẫn còn nguyên

11-12-2024 18:03 | Cảnh giác thực phẩm
google news

SKĐS - Chị Hà rất bất ngờ và có phần lo lắng, không biết lý do vì sao sau nửa năm cho mẻ "ăn" bún mà sợi bún vẫn còn nguyên.

Chị Minh Hà (35 tuổi, Hà Nội) có "nuôi" một lọ mẻ để tiện cho việc nấu nướng của gia đình. Chị thường xuyên mua bún về để cho mẻ "ăn". Bình thường, cho bún vào lọ mẻ chỉ sau khoảng 3 - 5 ngày là nát hết, bún đã thành mẻ. Tuy nhiên, lần gần đây nhất cho mẻ ăn bún (cách đây đã nửa năm) khiến chị Minh Hà rất bất ngờ, vì sau nhiều ngày sợi bún vẫn còn nguyên vẹn.

Từ thời điểm đó đến nay chị Minh Hà đã cho mẻ "ăn" cơm thay vì "ăn" bún. Tuy nhiên, sợi bún có "niên đại" nửa năm "nằm" trong lọ mẻ hiện vẫn còn nguyên vẹn. Chị Hà rất bất ngờ và có phần lo lắng, chị cũng không hiểu nguyên nhân do dâu?

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, Giáo sư Huỳnh Thị Phương Liên - nguyên Trưởng khoa Virus của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho rằng, nguyên nhân khiến sợi bún vẫn còn nguyên trong lọ mẻ thời gian dài có thể là do bún có chứa hóa chất.

Tá hỏa khi cho mẻ ‘ăn’ bún, sau nửa năm sợi bún vẫn còn nguyên- Ảnh 1.

Sợi bún vẫn còn nguyên trong lọ mẻ sau thời gian dài. Ảnh: NVCC.

"Bún có thể đã được cho chất gì đó bảo quản, làm ức chế sự phát triển men, khiến cho sợi bún không bị chua. Tuy nhiên, để biết được chính xác là chất gì thì cần phải đem đi xét nghiệm", Giáo sư Huỳnh Thị Phương Liên cho hay.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh - nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng cho rằng, sợi bún kể trên có thể đã được người làm bún cho thêm hóa chất như hàn the hay chất bảo quản khiến bún dai và để được lâu hơn. Chính vì vậy bún khi cho vào mẻ không thể lên men để tạo thành mẻ được.

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cũng cho biết thêm, mẻ là cơm hoặc bún được ủ lên men có vị chua. Quá trình lên men này nhờ một loại vi khuẩn kị khí, biến tinh bột và đường thành acid lactic. Chính loại acid này tạo nên vị chua của mẻ.

Trong cơm mẻ sẽ bao gồm các thành phần như con mẻ, vi khuẩn lên men, nấm men, acid lactic. Trong đó, con mẻ là một loại tuyến trùng hữu ích có tên khoa học Panagrellus redivivus, kích thước rất nhỏ nhưng vẫn có thể quan sát bằng mắt thường. Chúng bò ngọ nguậy trên bề mặt cơm trong hũ cũng như thành hũ và các dụng cụ. Thức ăn của con mẻ sẽ là nấm men.

Tuy nhiên, con mẻ thực chất không đóng vai trò cốt yếu trong quá trình lên men của cơm hay bún, mà chỉ báo hiệu cho con người biết chất lượng của cơm mẻ có đạt chuẩn hay không.

Cách lựa chọn bún ngon

Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, để lựa chọn được bún ngon, an toàn, cần chú ý một vài điểm về màu sắc, mùi vị và thời gian để của bún.

Cụ thể, bún không chứa chất tẩy thường có màu trắng đục đặc trưng của gạo. Bún có màu sắc quá trắng thường đã được sử dụng chất tẩy sunfit.

Bún không chứa hàn the sẽ không quá dai và bóng. Nếu bún được cho hàn the sẽ rất dai, trông đẹp mắt. Khi dùng tay kéo sợi bún sẽ cảm nhận thấy rất rõ độ dai của bún.

Khi ngửi bún sẽ thấy mùi hơi hơi chua, không bị chua gắt hoặc có mùi lạ. Nếu bún có mùi quá chua hoặc có mùi lạ là do bún đã để lâu, ăn vào nhiều khả năng gây hại cho sức khỏe.

"Bún để nhiệt độ ngoài trời chỉ trong ngày, thậm chí vài giờ đã bị thiu, nên nếu mua bún về để lâu mà không thấy hỏng thì chứng tỏ bún đã được sử dụng hóa chất. Có một mẹo nhỏ là thử mua một ít bún về, để xem trong bao lâu bún bị hỏng. Nếu thấy bún để lâu mà không bị hỏng thì không nên ăn và không mua bún tại cửa hàng đó nữa", PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh hướng dẫn thêm.

Xem thêm bài viết:

Sức khỏe học sinh nhập viện nghi ngộ độc sau khi ăn bún ở căng tin hiện ra sao?Sức khỏe học sinh nhập viện nghi ngộ độc sau khi ăn bún ở căng tin hiện ra sao?

SKĐS - Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn cho biết, đã tiếp nhận và đang theo dõi, điều trị 5 trường hợp là học sinh Trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn (Quận 3) nghi ngộ độc thực phẩm.


Quỳnh Mai
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Tags: