Chuyện xảy ra đã khá lâu rồi, từ cái thời đàn ông Việt còn hay mặc áo dài, phụ nữ Việt còn chăm chỉ nữ công gia chánh và các gia đình Việt còn hay thích sống quây quần "tứ đại đồng đường" trong một ngôi nhà.
Đinh Thư là một nhà phê bình văn học. Hôm ấy anh cần đến một trường đại học để nói chuyện cho sinh viên nghe. Ở trong nhà, anh tìm mãi mà không còn chiếc áo nào anh mặc vừa. Vì vậy, anh phải chạy đến cửa hiệu bán quần áo cũ, mua tạm một chiếc áo dài. Về đến nhà đem ra mặc thử mới thấy chiếc áo bị dài quá. Làm thế nào bây giờ đây? Anh vội vàng bảo vợ sửa giúp, cắt ngắn đi 3 phân. Nhưng vợ anh nói rằng hôm nay con đang ốm, chị rất bận, không thể sửa ngay được. Anh lại chạy đi tìm em gái để nhờ cô sửa giúp, cô em đang bận nấu cơm cho cả nhà, quay lại "chất vấn" anh trai: "Ăn cơm và sửa áo, việc nào quan trọng hơn?". Bí quá, anh đành chạy đi tìm mẹ, nhờ mẹ sửa áo giúp. Bà mẹ nói: "Cứ để đó, mẹ sẽ sửa ngay cho!". Nhưng ăn cơm xong, bà mẹ quên khuấy mất chuyện sửa áo dài và lên giường ngủ luôn. Cô vợ dỗ con ngủ xong, liền nhớ ra rằng chiếc áo dài của chồng vẫn chưa sửa, cô lặng lẽ đi lấy chiếc áo ra, cắt ngắn đi 3 phân, khâu lại thật cẩn thận, đem là cho phẳng, rồi treo áo vào chỗ cũ. Cô em gái sau khi làm xong công việc gia đình, trước khi đi ngủ, cô nhớ ra chuyện anh trai nhờ sửa áo dài, cô cũng rón rén đến chỗ để áo, đem ra cắt ngắn đi 3 phân, khâu lại rồi treo vào chỗ cũ. Đang ngủ, bà mẹ chợt tỉnh giấc, nhớ ra việc con trai nhờ mình vẫn chưa làm, bà lập tức ra khỏi giường, lấy áo dài của con đem ra sửa ngay. Bà cắt đi 3 phân rồi khâu lại.
Ngày hôm sau, Đinh Thư mặc áo dài đi diễn thuyết. Anh vừa bước chân lên diễn đàn thì ở dưới bỗng có tiếng khúc khích, rồi tiếng cười nhanh chóng lan ra, rộ lên khắp khán phòng... Thì ra, chiếc áo dài anh đang mặc đã trở thành một chiếc áo lửng lơ, không phải áo dài nhưng lại chẳng là áo ngắn!
ĐỖ ĐĂNG LƯU
(Nhà giáo nghỉ hưu - 97 Nguyễn Trường Tộ-HN)