Ngày 20/12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2331/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2011. Việc trở thành Chương trình mục tiêu quốc gia độc lập đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta...
Hơn nữa, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS là hoạt động liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, có tính liên kết vùng lãnh thổ trong và ngoài nước... Do vậy, phòng, chống HIV/AIDS phải có sự chỉ đạo, phối hợp liên ngành, liên vùng và sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội, đặc biệt ở tuyến tỉnh, huyện và tại cộng đồng trong việc nâng cao nhận thức của người dân về dự phòng lây nhiễm HIV, thực hành các hành vi an toàn, triển khai các biện pháp can thiệp, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ bệnh nhân AIDS...
Bệnh nhân uống methadon tại Hải Phòng. Ảnh: TH |
Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS còn tạo điều kiện cho Việt Nam thực hiện được các thỏa thuận, sáng kiến và cam kết quốc tế của mình trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS...
* Bà Vũ Thanh Hiền - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hà Giang: HIV/AIDS sẽ được quan tâm hơn Trước kia, HIV/AIDS chỉ là một hoạt động nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS. Vì vậy, khi nói đến chương trình mục tiêu quốc gia này thì HIV/AIDS chỉ là một phần nhỏ. Từ năm 2011, công tác phòng, chống HIV/AIDS được tách ra thành một Chương trình mục tiêu quốc gia. Điều này có nhiều thuận lợi cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt ở các địa phương. Trước hết, có thể thấy nguồn kinh phí đầu tư cho công tác này sẽ được tăng lên giúp cho các địa phương có thêm nguồn lực để duy trì và mở rộng các hoạt động này. Những năm trước, ở Hà Giang, ngân sách Nhà nước cấp khoảng 700 triệu đồng/năm cho công tác này. Năm 2010 là 1,2 tỷ đồng và năm 2011 là 2,5 tỷ đồng. Nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS sẽ được tập trung vào 4 dự án của Chương trình mục tiêu thay vì trải ra 9 chương trình hành động như trước kia. Và khi trở thành Chương trình mục tiêu quốc gia tất yếu sẽ có sự quan tâm nhiều hơn của các cấp lãnh đạo đối với HIV/AIDS. * Ông Đàm Văn Hưởng – Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Sơn La: Độc lập để chủ động Việc tách chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS thành chương trình độc lập đã tạo thuận lợi nhiều trong việc triển khai các hoạt động. Đối với địa phương như chúng tôi thì các Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS sẽ chủ động xây dựng kế hoạch. Việc phân bổ kinh phí cho các sở, ban, ngành; phổ biến và chỉ đạo cho các trung tâm y tế huyện, thị thực hiện xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch được bám sát hơn. Từ đó giám sát hỗ trợ, theo dõi đánh giá các hoạt động kịp thời... và sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Để đáp ứng được với sự gia tăng của dịch HIV/AIDS và chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch cũng như triển khai các hoạt động, chúng tôi muốn đề nghị với Trung ương trong những năm tới và lâu dài, dự án phòng, chống HIV/AIDS được đứng độc lập như năm nay. * Ông Hoàng Xuân Chiến - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Điện Biên: Hỗ trợ nhiều hơn cho các tỉnh nghèo Tại Điện Biên, dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp. Do địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, giao thông đi lại khó khăn là những trở ngại khi triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại phòng lây nhiễm HIV. Hơn nữa, hệ thống dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS ở đây vẫn chưa hoàn thiện và việc đào tạo, tập huấn cho cán bộ còn hạn chế... Điện Biên là một tỉnh nghèo, kinh phí phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu dựa vào ngân sách trung ương và các tổ chức quốc tế. Thế nhưng, hiện nay, nguồn kinh phí mới đáp ứng được khoảng 35% nhu cầu hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương. Trong khi đó, nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế lại đang giảm dần. Việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2011-2015 giúp tỉnh Điện Biên có nguồn kinh phí ổn định, chủ động triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh việc duy trì, nâng cao chất lượng các dịch vụ hiện có sẽ xây dựng, triển khai các dịch vụ mới; Tiếp tục đào tạo nâng cao năng lực về chuyên môn, quản lý cho lực lượng cán bộ phòng, chống HIV/AIDS... Năm 2011, Điện Biên được cấp 3.420 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia. Đây là nguồn kinh phí rất quan trọng bổ sung các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh. |
|