Những dấu hiệu gợi ý trẻ bị dị vật đường thở gồm: trẻ đang ăn, chơi đột ngột ho sặc sụa, khó thở, trợn mắt, mặt tím tái; Sau đó thở khó, ngưng thở do tắc nghẽn đường thở cấp. Nếu dị vật bít một phần đường thở trẻ sẽ thở rít kèm theo ho rũ rượi, cơn ho dồn dập, mặt đỏ gay.
Nguyên tắc chung khi gặp tình huống dị vật đường thở ở trẻ em
- Phụ huynh phải thật bình tĩnh để nhận định có phải trẻ bị hóc sặc dị vật đường thở không? Nếu nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở phải nhanh chóng xử trí sơ cứu không để trẻ ngạt thở.
- Nếu trẻ nói được, khóc được cần đưa trẻ đến ngay đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và gắp dị vật ra.
- Khi trẻ bị hóc dị vật, tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ, tránh nguy cơ làm dị vật vào sâu hơn, hay có thể làm trầy xước, chấn thương vùng hầu họng của trẻ.
Phương pháp vỗ lưng, ấn ngực dành cho trẻ nhỏ
Sơ cứu đúng cách
Để có thể tống xuất dị vật ra khỏi đường thở phụ huynh có thể áp dụng những phương pháp sau:
Đối với trẻ dưới 2 tuổi, dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực:
- Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái và giữ chặt đầu và cổ bằng bàn tay trái. Dùng gót tay phải vỗ năm cái thật mạnh vào lưng trẻ ở giữa khoảng hai bả vai. Sau đó lật ngửa trẻ sang tay phải, nếu thấy trẻ còn khó thở, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh năm cái ở vùng nửa dưới xương ức hoặc dưới đường nối hai vú một khoát ngón tay.
- Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực (khoảng 5 - 6 lần) cho tới khi dị vật được tống ra khỏi đường thở.
Với trẻ lớn, người lớn, dùng thủ thuật Heimlich:
- Trẻ còn tỉnh: đứng sau lưng trẻ, vòng hai tay ôm lấy thắt lưng trẻ, nắm chặt bàn tay làm thành một quả đấm đặt ở vùng thượng vị, ngay dưới chóp xương ức phía trên rốn. Ấn năm cái dứt khoát theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh và nhanh.
- Có thể lặp lại 6 - 10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật được tống ra khỏi đường thở.
Nếu việc sơ cứu tống xuất dị vật khỏi đường thở không đạt kết quả, phụ huynh phải tìm cách đưa bệnh nhân đến ngay bệnh viện gần nhất để soi gắp dị vật.
ThS.BS. ĐINH THẠC