Chỉ còn hơn một tháng nữa học sinh lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Đây là giai đoạn quan trọng, đòi hỏi học sinh cần có kế hoạch ôn tập phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất.
Chia sẻ về việc ôn tập trong giai đoạn "nước rút" này, là người có nhiều năm trực tiếp ôn luyện thi tốt nghiệp THPT cho học sinh, thầy Nguyễn Bá Thịnh (giáo viên tại Hà Nội) cho rằng, khi thời gian thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2024 đang đến gần, các em học sinh lớp 12 thường cảm thấy lo lắng và áp lực khi phải chuẩn bị rất nhiều kiến thức chỉ trong khoảng thời gian khá ngắn vừa ôn thi tốt nghiệp THPT, vừa ôn thi các kỳ thi riêng.
Theo thầy Thịnh, không hẳn cứ học càng nhiều thứ càng tốt, mà quan trọng là học cái gì và học như thế nào?
Nhiều em vẫn có những suy nghĩ chưa thật chính xác về phương pháp ôn thi thế nào cho hiệu quả. 3 lỗi sai hay gặp nhất đối với sĩ tử trong giai đoạn "nước rút" quan trọng dưới đây, các em cần lưu ý:
Tìm và giải những dạng bài khó và lạ
Ngay lúc này mà các em vẫn còn đi tìm những dạng bài tập cực lạ, cực khó để giải với quan niệm "thi đại học thì phải học những thứ cao siêu"… Nếu đúng vậy thì các em đang bị lầm to đấy!
Thật ra, thi đại học cũng không phải toàn những dạng bài tập khó hay đánh đố như các em nghĩ. Tuy có một vài câu khó nhưng nó không đóng vai trò quyết định đến khả năng trúng tuyển bởi đa số những câu rất khó ấy cũng không nhiều học sinh giải được, nó nhằm xác định cho vị trí thủ khoa và á khoa. Nói như thế không có nghĩa đi thi gặp những câu quá hóc búa thì các em được phép bỏ qua dễ dàng mà trong lúc ôn tập các em không nên cứ chăm chăm tìm giải những dạng bài như vậy. Các em nên xác định mục tiêu chính của các em là gì? Là đạt điểm đủ để trúng tuyển.
Vì thế bạn phải tập trung vào những dạng bài tập quen thuộc, hệ thống lại những kiến thức cơ bản đã học trong sách giáo khoa. 50% đề thi cũng chỉ gói gọn trong những kiến thức và bài tập cơ bản, phần còn lại là dạng nâng cao hơn nhưng đa số cũng chỉ phát triển trên nền kiến thức, dạng bài tập cơ bản.
Hơn nữa, khi vào thi, các em phải chắc chắn làm đúng những dạng bài, câu hỏi quen thuộc để có thể lấy trọn điểm những phần đó, hơn là cứ tập trung giải bài khó trong khi những câu dễ hơn, chắc ăn hơn thì lại để sai vì bất cẩn, chủ quan.
Ví dụ phần Khảo sát hàm số hay bài tập về số phức… trong đề Toán thường là bài tập cho điểm (tất nhiên khi với học lực trung bình trở lên và làm cẩn thận). Nếu để mất điểm ở những phần này, các em sẽ mất đi khoảng 30% cơ hội so với các bạn khác.
Còn nếu lực học của em thật sự giỏi và có mục tiêu chinh phục những trường top đầu thì các em có thể thử sức với những dạng bài hóc búa, lạ hơn, nhưng vẫn phải ghi nhớ một điều: Không được mất quá nhiều thời gian dành cho việc giải những bài tập này khi chưa chắc chắn hoàn thành xong những dạng bài quen thuộc, căn bản. Phải vững từ gốc thì ngọn mới cao mới vững được, nên học từ cơ bản rồi dần dần nâng cao lên.
Cố gắng dung nạp nhiều kiến thức mới
Như đã nói ở trên, thời gian để hệ thống lại tất cả kiến thức đã được học chứ không phải nhằm bổ sung thêm quá nhiều kiến thức mới. Ví dụ nhiều bạn đang cố gắng đọc thêm sách tham khảo, hay bất cứ nguồn tài liệu nào mà bạn có được, không cần biết khả năng để đề thi ra trong phần kiến thức đó là hầu như không xảy ra. Thậm chí nhiều bạn còn cố gắng học cả những dạng bài của các năm trước mà năm nay đã bỏ, vì "lỡ đâu vẫn còn thì sao?".
Lời khuyên ở đây là hãy ôn tập và hệ thống những gì đã học, hay có thể nhờ thầy cô giúp rà soát lại những gì các em chưa nắm rõ. Và khi quyết định tự học thêm những nội dung mới mà các em cho là cần thiết thì nên tham khảo ý kiến thầy cô, vì có thể nội dung đó không nằm trong đề thi.
Giải tất cả những đề thi mà các em có
Giải đề là một kỹ năng và một khâu quan trọng gần như sau cùng của quá trình ôn thi, giúp các em thực hành cũng như rà soát lại những thứ đã học. Nhưng lúc này, các em không nên chỉ tập trung giải quá nhiều đề thi và đặc biệt phải biết chọn đề thích hợp để làm thử.
Nhiều em vì quá lo lắng nên thấy bất cứ bạn nào luyện thi ở trung tâm nào, thầy cô nào, miễn có đề thi thử là mượn photo để giải. Điều này có thể chấp nhận được nếu chúng ta có dư thời gian, nhưng ngay thời kỳ nước rút này thì không nên bởi việc giải quá nhiều dạng đề không cần biết có phù hợp hay không chỉ khiến các em mất thời gian và rối tung lên. Tâm trạng của các em có thể tồi tệ hơn, còn kiến thức thì lộn xộn hơn khi các em chú tâm vào giải những đề thi vô thưởng vô phạt ấy.
Lời khuyên ở đây là nên làm thử để thi của một hay vài năm gần đây, làm sao để bạn quen với cấu trúc một đề thi và biết phân phối thời gian làm bài.
Tóm lại, thời gian còn đủ để các em hệ thống và rà soát lại những kiến thức đã học, đặc biệt phải nắm vững những dạng bài tập cũng như lý thuyết cơ bản, rồi đến nâng cao dần. Bình tĩnh, tự tin, học đúng phương pháp và xác định đúng mục tiêu là bí quyết để bạn có một mùa "nước rút" thành công.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 diễn ra vào ngày 26-28/6. Thí sinh làm thủ tục dự thi ngày 26/6, làm bài thi Ngữ văn và Toán hôm 27/6. Ngày 28/6, thí sinh thi Ngoại ngữ và một trong hai bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân với giáo dục phổ thông; hoặc Lịch sử, Địa lý với giáo dục thường xuyên).
Năm ngoái, khoảng một triệu thí sinh thi tốt nghiệp THPT. Tỷ lệ đỗ đạt 98,88%, cao nhất kể từ năm 2015. Trong số này, hơn 546.000 em đăng ký xét tuyển đại học.