SGK Lịch sử và Địa lý lớp 6 mới: Không nặng về thuộc con số, sự kiện

11-03-2021 11:24 | Thời sự
google news

SKĐS - Chia sẻ tại buổi tạo đàm “Những điểm ưu việt của bộ SGK lớp 2, lớp 6 xã hội hóa đầu tiên" do Báo Lao động tổ chức chiều nay 10/3, TS Nguyễn Văn Ninh - Đồng chủ biên sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý lớp 6-Bộ Cánh Diều cho biết, môn học lịch sử - địa lý học sinh sẽ biết về lịch sử thông qua kênh thông tin chứ không chỉ tiếp thu một chiều kiến thức thầy cô nhồi nhét.

 Đồng thời, câu hỏi bài tập không nặng phải thuộc con số, sự kiện lịch sử mà trọng những câu hỏi mà các em trình bày vấn đề lịch sử, vận dụng linh hoạt trong cuộc sống.

Được biết, đây là môn mới trong chương trình giáo dục phổ thông. Trong chương trình hiện hành thì Lịch sử - Địa lý là 2 môn học nhưng trong chương trình mới nó là 1 môn học. Sách giáo khoa Bộ Cánh Diều được tích hợp 2 phân môn, chủ đề tích hợp kiến thức cả lịch sử và địa lý. Vì thế vừa tích hợp kiến thức giao nhau của lịch sử và địa lý nhưng vẫn đảm bảo phân môn. Những kiến thức này được nhóm tác giả thể hiện rất rõ tích hợp nội môn, xuyên môn, liên môn.

Theo TS.Ninh, sách được thiết kế theo sát theo hướng dẫn của Bộ. Hệ thống tư liệu kết hợp hài hoà giữa kênh chữ và kênh hình. Không chỉ cung cấp thông tin mà còn đưa vào đó những lược đồ, tranh ảnh, hình ảnh tư liệu. Học sinh biết về lịch sử thông qua kênh thông tin chứ không chỉ tiếp thu một chiều kiến thức thầy cô nhồi nhét. Các tư liệu, câu hỏi trong SGK là cơ sở, gợi ý cho thầy cô dạy trên lớp.

“Câu hỏi bài tập chúng tôi không nặng phải thuộc con số, sự kiện lịch sử mà trọng những câu hỏi mà các em trình bày vấn đề lịch sử, vận dụng linh hoạt trong cuộc sống. Ví dụ khi học về văn hoá Ấn Độ, văn hoá Ấn Độ có dấu ấn gì ở Việt Nam? Các em có thể chọn điệu múa, tháp. Chúng tôi lồng ghép khéo trong đơn vị kiến thức”, TS Ninh nhấn mạnh.

Một điểm nổi bật trong sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý ở cấp THCS mới là đề cập đến Chủ đề biển đảo, về điểm này, TS Ninh cho rằng, chủ đề này được xây dựng trong chương trình mới được xã hội rất quan tâm. Các tác giả đã nghiên cứu để thể hiện trong chủ đề tích hợp này, đó không chỉ là các kiến thức về biển đảo, mà còn là mạch kiến thức về chủ quyền Việt Nam, xác định vị trí chiến lược của biển đảo Việt Nam, nhằm giáo dục học sinh về tinh thần yêu nước, nâng cao tinh thần trách nhiệm về việc bảo vệ chủ quyền của các em học sinh.

TS Nguyễn Văn Ninh - Đồng chủ biên sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý lớp 6  

Cũng theo Ts. Ninh sẽ có nhiều băn khoăn thắc mắc trong việc mới 2 môn học mới lịch sử địa lý thì đội ngũ giáo viên hiện hành thực hiện 2 môn học như thế nào. TS. Ninh cho biết,  Bộ GD&ĐT có 9 module dạy giáo viên, chúng tôi trực tiếp tập huấn giáo viên lịch sử địa lý. Hiện có nhiều Sở GD&ĐT triển khai bồi dưỡng đại trà theo nguyên tắc bồi dưỡng chéo. 1 giáo viên môn địa lý được bồi dưỡng 20 tín chỉ môn lịch sử. Sau đó chúng ta yên tâm là 1 giáo viên có thể dạy môn tích hợp. Khi giáo viên chưa bồi dưỡng tín chỉ thì có thể linh hoạt tại các trường. Nếu giáo viên đã tốt nghiệm chuyên ngành sử địa thì hoàn toàn có thể dạy môn học. Nếu không thì nhà trường có cơ chế thống nhất đánh giá môn học cho học sinh. Lâu dài, Bộ sẽ tìm ra giải pháp để các giáo viên yên tâm.

Về phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá của lịch sử- địa lý theo sách giáo khoa mới, TS Ninh  khẳng định tác giả là những chuyên gia hàng đầu Việt Nam, nên hiểu rất rõ thế nào là đổi mới. Sách thể hiện rõ phương pháp kiểm tra, phương pháp dạy học bám sát công văn định hướng của Bộ GD&ĐT trong việc định hướng các thầy cô dạy học ra sao.

 


H.Nguyên (ghi)
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn