Những thông tin này được nêu ra tại Hội nghị triển khai công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật, khám, chữa bệnh từ xa năm 2024 và đóng góp ý kiến xây dựng Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn mới do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức chiều qua (13/5).
Không lồng ghép hoạt động do Bộ Y tế cấp kinh phí và đã phê duyệt nội dung với hoạt động chỉ đạo tuyến khác
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhấn mạnh đến thời điểm hiện tại, công tác chỉ đạo tuyến không những là hoạt động thường quy mà đã được các bệnh viện phát triển thành thế mạnh, mở ra rất nhiều hoạt động hợp tác và huy động nguồn lực để thực hiện công tác này.
Cũng theo PGS Khuê, thời gian qua Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện tuyến trung ương, ngành y tế các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật và khám, chữa bệnh từ xa... và đã đạt được những thành tựu quan trọng mang tính đột phá hỗ trợ tích cực cho các cơ sở y tế tại nhiều vùng miền của đất nước, nhất là những vùng núi xa xôi còn nhiều khó khăn.
"Những hoạt động trên đã thực sự mang lại những hiệu quả thiết thực với ngành y tế, hiệu quả thực tiễn với người bệnh, góp phần to lớn vào việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân"- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.
Về triển khai công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật, khám, chữa bệnh từ xa năm 2024, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê đề nghị trong quá trình thực hiện nếu cần thay đổi nội dung hoạt động để phù hợp với điều kiện thực tế, các đơn vị cần có báo cáo về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh sẽ tham mưu Lãnh đạo Bộ giao cho Cục chịu trách nhiệm rà soát và phê duyệt thay đổi nhằm rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi cho các bệnh viện trong triển khai thực hiện đảm bảo tối ưu và hiệu quả kinh phí đã được giao.
Đồng thời, PGS Khuê cũng lưu ý các bệnh viện tuyệt đối không lồng ghép các hoạt động do Bộ Y tế cấp kinh phí và đã phê duyệt nội dung với các hoạt động chỉ đạo tuyến khác của bệnh viện huy động từ các nguồn lực khác hoặc hợp tác, ký kết hợp đồng chuyển giao kỹ thuật giữa các bệnh viện với nhau.
Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật của tuyến dưới
Tại Hội nghị, TS Dương Huy Lương, Phó Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh đã giới thiệu về dự thảo Đề án "Nâng cao năng lực chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2024 – 2030".
Theo TS Dương Huy Lương, Quyết định số 774/QĐ-BYT ngày 11/3/2013 của Bộ Y tế phê duyệt "Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020" có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật của tuyến dưới, giúp sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế đã được đầu tư.
Đề án đã được các địa phương tích cực triển khai và đạt được một số thành tựu quan trọng. Đề án có 14 bệnh viện hạt nhân bao gồm 9 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, 5 bệnh viện thuộc Sở Y tế Hà Nội và TPHCM, với tổng số bệnh viện vệ tinh là 45 tại các tỉnh.
Đề án đã xác định ưu tiên thành lập mạng lưới bệnh viện vệ tinh của 5 chuyên khoa thường xuyên quá tải: ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi; trong đó có hoạt động nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh tại chỗ của các bệnh viện vệ tinh thông qua hoạt động đào tạo cán bộ y tế và chuyển giao kỹ thuật… Tiếp theo Đề án đã phát triển thành 10 chuyên khoa gồm 5 chuyên khoa trên và các chuyên khoa nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc.
Sau khi triển khai thực hiện, Đề án đã vượt chỉ tiêu và hình thành 23 bệnh viện hạt nhân, 138 bệnh viện vệ tinh.
Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực toàn diện các chuyên khoa và cả về mặt quản lý, xây dựng và mở rộng phạm vi đề án và các hoạt động khác phù hợp với sự phát triển các bệnh viện, Bộ Y tế giao Cục Quản lý Khám chữa bệnh là đầu mối xây dựng dự thảo Đề án "Nâng cao năng lực chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2024 – 2030".
Hiện dự thảo Đề án đã được hoàn thiện và đang lấy ý kiến các bệnh viện, các đơn vị liên quan. Dự thảo đề ra mục tiêu cho từng giai đoạn như sau: Giai đoạn 2024-2025, ưu tiên đầu tư các chuyên khoa, lĩnh vực có nhu cầu khám, chữa bệnh cao: tim mạch, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, ung bướu, huyết học truyền máu, hồi sức cấp cứu, hô hấp, tiết niệu, thần kinh, nội tiết, da liễu, răng hàm mặt… và các lĩnh vực có nhu cầu phát triển cấp thiết như công nghệ thông tin, quản lý chất lượng…
Giai đoạn 2025-2026, tiếp tục đầu tư phát triển bệnh viện hạt nhân vùng, nâng cấp một số bệnh viện vệ tinh thành bệnh viện hạt nhân vùng; mở rộng các chuyên khoa, lĩnh vực khác có nhu cầu. Các bệnh viện vệ tinh được mở rộng tương ứng với các chuyên khoa và số lượng bệnh viện hạt nhân được mở rộng thêm.
Giai đoạn sau năm 2026, đánh giá hiệu quả hoạt động đề án, tiếp tục duy trì những kết quả tích cực và các kết quả tốt của Đề án giai đoạn 2024-2026, đồng thời căn cứ vào nhu cầu thực tế và điều kiện kinh tế xã hội để mở rộng Đề án.
Về khám chữa bệnh từ xa, TS Lương cho biết. năm 2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2628/QĐ-BYT phê duyệt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 với thông điệp "Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa".
Thông qua mô hình này, các y bác sĩ trên cả nước, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa được cập nhật, học hỏi các kiến thức chuyên môn, từ đó tăng cường năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới, được nâng tầm vươn lên "chất lượng cao hơn".
Thông tin với báo chí mới đây, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đang tái khởi động đề án bệnh viện vệ tinh, chương trình đào tạo, chỉ đạo tuyến và đề án 1816 gián đoạn trong giai đoạn tập trung phòng chống dịch để các bệnh viện tuyến trên hỗ trợ chuyên môn cho bệnh viện tuyến dưới, làm sao để bệnh viện tuyến huyện làm được mọi kỹ thuật của bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến tỉnh làm cơ bản, đầy đủ mọi kỹ thuật của tuyến trung ương.
"Có như thế người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn... mới được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng một cách thuận tiện, ngay tại nơi sinh sống, không vất vả đi lại" - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Sau sản khoa và nhi khoa là hai lĩnh vực thiết thực, người dân cần nhất, tới đây các bệnh viện sẽ tiếp tục chuyển giao kỹ thuật theo đề nghị của y tế cơ sở, cơ sở cần kỹ thuật gì thì tuyến trên chuyển giao kỹ thuật đó. Có thể sẽ là các chuyên ngành tim mạch, chấn thương chỉnh hình, ung bướu...
Theo đó, không riêng gì bệnh viện tuyến trung ương hay bệnh viện ở TP HCM, Hà Nội, lần tái khởi động này có thêm các bệnh viện ở Huế, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ tham gia chỉ đạo tuyến.