Sáng 16/6: Ca COVID-19 nặng tăng lên; Vaccine là 'vũ khí chiến lược', là yếu tố quyết định trong phòng, chống dịch

16-06-2022 06:43 | COVID-19

SKĐS - Bộ Y tế cho biết số ca COVID-19 nặng đang điều trị gia tăng so với trước đó, hiện đang có 72 ca điều trị; Có nguy cơ gia tăng "gánh nặng kép" cho hệ thống y tế do xu hướng gia tăng các dịch bệnh mùa hè như sốt xuất huyết, tay chân miệng...

Ca COVID-19 nặng gia tăng

Theo Bộ Y tế, ngày 15/6, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 866 ca nhiễm mới đều ở trong nước (tăng 10 ca so với ngày trước đó) tại 43 tỉnh, thành phố (có 784 ca trong cộng đồng).

Hà Nội vẫn nhiều nhất, nhưng lần đầu sau nhiều tháng số mắc mới của thành phố đã dưới 150 ca/ ngày - (148 ca); riêng Hải Phòng tăng vọt số ca mắc, lên 124 ca, đứng thứ 2 sau Hà Nội. 41 tỉnh, thành còn lại số ca mắc từ 1- 43 ca COVID-19, trong đó hơn 20 tỉnh, thành ghi nhận dưới 10 ca/ ngày.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 768 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.734.151 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.378 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.726.385 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.603.373), TP. Hồ Chí Minh (609.720), Nghệ An (485.135), Bắc Giang (387.643), Bình Dương (383.792).

Sáng 16/6: Ca COVID-19 nặng tăng lên; Vaccine là "vũ khí chiến lược", là yếu tố quyết định trong phòng, chống dịch - Ảnh 1.

Bộ Y tế đề nghị đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho đối tượng được chỉ định tiêm trong quý II/2022; hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 12-18 tuổi; đẩy nhanh tiến độ tiêm cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi, tiêm mũi 4 cho các đối tượng theo hướng dẫn. Ảnh: Trần Minh

Tổng số người mắc COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi: 9.574.270 ca. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.116.798 trường hợp, trong đó có 72 trường hợp nặng đang điều trị, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 64; Thở ô xy dòng cao HFNC: 4; Không xâm lấn: 1; Xâm lấn: 3. Như vậy số ca COVID-19 nặng tăng thêm 19 ca so với ngày trước đó chỉ có 43 ca.

Biến thể phụ đáng lo ngại mới vẫn tiếp tục xuất hiện với tốc độ khá nhanh trên thế giới

Theo Bộ Y tế, dự báo thời gian tới dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến khó lường; số ca nhiễm có thể tiếp tục theo xu hướng giảm hoặc tăng trở lại tùy thuộc các điều kiện về tác nhân (xuất hiện các biến thể mới), về chính sách (thay đổi các biện pháp phòng chống dịch); đối tượng cảm nhiễm có thể còn khá lớn; các biến thể, biến thể phụ đáng lo ngại mới vẫn tiếp tục xuất hiện với tốc độ khá nhanh trên thế giới

Bên cạnh đó tình hình dịch bệnh ở một số quốc gia vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, tác động hậu COVID-19 chưa có nghiên cứu đầy đủ; hơn nữa miễn dịch do tiêm vaccine phòng bệnh và miễn dịch mắc phải không bền vững. 

Ngoài ra, có nguy cơ gia tăng "gánh nặng kép" cho hệ thống y tế do xu hướng gia tăng các dịch bệnh mùa hè như sốt xuất huyết, tay chân miệng,…; đồng thời không loại trừ nguy cơ xâm nhập các dịch bệnh mới phát sinh như viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân, bệnh đậu mùa khỉ...

Do đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả, đồng bộ Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; Bám sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm đến tận cấp cơ sở; Sẵn sàng hành động, chuẩn bị nguồn lực chủ động ứng phó, sẵn sàng kịch bản đáp ứng kể cả khi xuất hiện biến chủng mới lây lan nhanh, nguy hiểm hơn.

Tiếp tục coi vaccine là "vũ khí chiến lược", là yếu tố quyết định, nền tảng trong phòng, chống dịch COVID-19; đẩy mạnh tiêm vaccine mũi 3 cho đối tượng được chỉ định tiêm trong quý II/2022; hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 12-18 tuổi; đẩy nhanh tiến độ tiêm cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi, hoàn thành việc tiêm chủng trong quý II/2022 để bảo đảm an toàn cho trẻ trong kỳ nghỉ hè và chuẩn bị cho năm học mới...

Số ca mắc sốt xuất huyết tại 20 tỉnh, thành phía Nam đã tăng 82%, tử vong cũng tăng

Theo báo cáo của Sở Y tế TP HCM tại cuộc họp chiều ngày 15/6 cho thấy, TP HCM có số ca mắc mới và ca tử vong do sốt xuất huyết cao nhất trong số 20 tỉnh thành khu vực phía Nam. Tính đến ngày 9/6, TP ghi nhận 13.520 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 87% so với cùng kỳ năm 2021. Đến nay, đã có 9 ca tử vong tại TP HCM. Trong đó quận 12, Bình Tân, Tân Phú, huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn có số ca mắc và số ca mắc/100.000 dân cao nhất. 

Theo nhận định của Sở Y tế, dù đây là bệnh lưu hành nhưng trong năm 2022, dịch có xu hướng tăng cao rõ rệt. 

Trước đó, tại hội nghị tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết tại khu vực phía Nam, BS. Lương Chấn Quang - phó trưởng khoa kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Viện Pasteur TP HCM - cho biết số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam, trong đó số ca mắc chiếm 80% và ca tử vong chiếm 100% so với cả nước. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng 82% và tử vong cũng tăng. 

Trong 4 tuần gần đây, số ca mắc và tử vong đều chiếm khoảng 50% so với số ca tích lũy từ đầu năm đến nay. Điều này cho thấy số ca mắc và tử vong tăng lên rất nhanh. 

Đặc biệt số trẻ em tử vong do căn bệnh này cũng cao hơn so với người lớn. Trong khi những năm trước, số lượng người lớn thường cao hơn.

Bác sĩ dùng nhiều phương pháp phẫu thuật tiên tiến giúp trẻ 14 tuổi thoát khỏi các cơn động kinh liên tục 

Bệnh viện Việt Đức cho biết, các bác sĩ khoa Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh của bệnh viện đã phẫu thuật thành công cho nam bệnh nhân 14 tuổi có tiền sử động kinh 8 năm. 

Cháu N.T.D đến từ Nghệ An xuất hiện cơn động kinh đầu tiên cách đây 8 năm, đến nay hàng tuần có khoảng 3-5 cơn, mỗi cơn kéo dài trung bình 1 phút. Những cơn động kinh kéo dài nhiều năm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và học tập của D.

Trước phẫu thuật, D đã dùng qua rất nhiều loại thuốc chống động kinh với liều cao tối đa trong cân nặng của cháu.

Khi đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, D đã được các chuyên gia Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh tiến hành thăm khám kỹ lưỡng và thực hiện các chỉ định cận lâm sàng. Sau khi được hội chẩn bởi các bác sĩ, D đã được phẫu thuật bằng các phương pháp  như: cảnh báo sớm vùng vận động, định vị thần kinh, xây dựng bản đồ vỏ não trc mổ và phẫu thuật vi phẫu cắt vùng tổn thương.

ThS.BS Trần Đình Văn, Khoa Phẫu thuật Thần kinh 1 trực tiếp phẫu thuật cho cháu D cho biết: Vùng tổn thương của cháu D nằm ở hồi sau trung tâm, cách vùng vận động chỉ vài mm, trong phẫu thuật nếu không cẩn thận chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể gây tổn thương vận động.

Sáng 16/6: Ca COVID-19 nặng tăng lên; Vaccine là "vũ khí chiến lược", là yếu tố quyết định trong phòng, chống dịch - Ảnh 3.

ThS.BS Trần Đình Văn thăm khám, hướng dẫn bệnh nhân tập sau phẫu thuật.

Ca phẫu thuật đã diễn ra thành công, tổn thương được cắt bỏ hoàn toàn. Hiện tại sau mổ cháu tình trạng cháu D ổn định, không liệt, không có rối loạn cảm giác, không xuất hiện cơn động kinh sau một tuần phẫu thuật. 

Hiện nay trên 60% động kinh là ở đối tượng trẻ em, trong đó động kinh kháng thuốc chiếm từ 20-30%. Động kinh kháng thuốc do các tổn thương vùng vận động hoặc gần vùng vận động là thử thách lớn với phẫu thuật thần kinh chức năng hiện nay do rủi ro cao và gây yếu liệt sau mổ.

Ngày 15/6: Có 866 ca COVID-19 mới; số khỏi gấp 6 lần; tiếp tục không có F0 tử vongNgày 15/6: Có 866 ca COVID-19 mới; số khỏi gấp 6 lần; tiếp tục không có F0 tử vong

SKĐS - Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 15/6 của Bộ Y tế cho biết có 866 ca COVID-19 mới tại 43 tỉnh, thành; Trong ngày số khỏi gấp 6 lần ca mắc mới; tiếp tục không có F0 tử vong

Thái Bình
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn