Tỷ lệ tử vong/ ca mắc mới do COVID-19 ở nước ta giảm mạnh
Theo Bộ Y tế, ngày 13/6, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 617 ca nhiễm mới trong đó 1 ca nhập cảnh và 616 ca ghi nhận trong nước (tăng 48 ca so với ngày trước đó) tại 37 tỉnh, thành phố (có 527 ca trong cộng đồng).
Hà Nội vẫn nhiều nhất với 187 F0. 36 tỉnh, thành khác ghi nhận từ 1- 87 F0, trong đó 24 tỉnh, thành có số mắc dưới 10 ca ngày.
Trung bình số ca COVID-19 mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 790 ca/ngày. Đây là con số thấp nhất trong nhiều tháng qua, bởi trước đó số mắc trung bình rất cao, có thời điểm lên đến hơn 100.000 ca/ ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.732.429 ca nhiễm. Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là 9.562.523 ca. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.126.823 trường hợp, trong đó có 53 trường hợp nặng đang điều trị gồm: Thở ô xy qua mặt nạ: 47; Thở ô xy dòng cao HFNC: 2, xâm lấn: 4
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ ngày 15/3 đến 10/6, cả nước ghi nhận 4.352.243 ca mắc COVID-19; 1.604 ca tử vong (tỉ lệ tử vong/mắc là 0,04% đã giảm mạnh so với hơn 3 tháng trước đó với tỉ lệ tử vong/mắc là 0,25%). Số mắc mới mỗi ngày hiện còn dưới 1.000 ca , có ngày xuống dưới 600 ca (thấp nhất hơn 11 tháng qua).
Riêng 30 ngày qua, số tử vong/mắc là 0,05% (21/45.709), trong đó có 18 ngày không ghi nhận ca tử vong trên toàn quốc.
99,5% số xã, phường thuộc vùng xanh - cấp độ dịch COVID-19 nguy cơ thấp
Những chỉ số tích cực về phòng chống dịch COVID-19 đã làm cho bản đồ dịch tễ cấp độ dịch uy mô xã, phường trên cả nước cũng có sự thay đổi theo chiều hướng vùng xanh gần như bao phủ toàn quốc.
Cập nhật cấp độ dịch mới nhất của Bộ Y tế cho biết trong số 10.604 xã phường cả nước, đến nay 99,5% xã, phường được xếp nhóm vùng xanh (nguy cơ thấp) và vùng vàng (nguy cơ trung bình) 0,5%.
Như vậy đây là lần đầu tiên kể từ khi đánh giá cấp độ dịch ở nước ta, màu xanh chiếm chủ đạo, bao phủ gần như cả nước. Đây cũng là lần đầu tiên không còn xã, phường nào trên cả nước vùng cam hay vùng đỏ. Trong khi giai đoạn cao điểm, vùng cam và đỏ chiếm đến hơn 50% số xã, phường trên cả nước.
Nguy cơ "gánh nặng kép" cho hệ thống y tế do xu hướng gia tăng các dịch bệnh mùa hè
Theo Bộ Y tế, virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng và tử vong. Hiện Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng.
Có thể xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.
Dự báo thời gian tới dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến khó lường; số ca nhiễm có thể tiếp tục theo xu hướng giảm hoặc tăng trở lại tùy thuộc các điều kiện về tác nhân (xuất hiện các biến thể mới), về chính sách (thay đổi các biện pháp phòng chống dịch); đối tượng cảm nhiễm có thể còn khá lớn;
Các biến thể, biến thể phụ đáng lo ngại mới vẫn tiếp tục xuất hiện với tốc độ khá nhanh trên thế giới; tình hình dịch bệnh ở một số quốc gia vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, tác động hậu COVID-19 chưa có nghiên cứu đầy đủ; hơn nữa miễn dịch do tiêm vaccine phòng bệnh và miễn dịch mắc phải không bền vững.
Bên cạnh đó, có nguy cơ gia tăng "gánh nặng kép" cho hệ thống y tế do xu hướng gia tăng các dịch bệnh mùa hè như sốt xuất huyết, tay chân miệng,…; đồng thời không loại trừ nguy cơ xâm nhập các dịch bệnh mới phát sinh như viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân, bệnh đậu mùa khỉ...
Bộ Y tế tiếp tục nhấn mạnh, vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch tập trung truyền thông về đẩy mạnh tiêm chủng; Đồng thời chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng cho người dân nâng cao sức khỏe; cảnh báo với các biến chủng mới; hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19; không chủ quan sau khi mắc bệnh...