Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.975.444 ca mắc COVID-19, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 20.019 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.969.294 ca, trong đó có 1.659.113 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (510.202), Bình Dương (291.804), Đồng Nai (99.069), Tây Ninh (84.070), Hà Nội (79.406).
Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.661.930 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.006 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 4.320 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 798 ca; Thở máy không xâm lấn: 143 ca; Thở máy xâm lấn: 726 ca; ECMO: 19 ca
Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 218 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 35.170 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 31.224.356 mẫu tương đương 75.979.528 lượt người, tăng 104.459 mẫu so với ngày trước đó.
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Trong ngày 12/01 có 927.829 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 164.482.313 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.458.908 liều, tiêm mũi 2 là 71.707.029 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là 14.316.376 liều.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 14/1 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 320.391.977 ca, trong đó có 5.537.882 người tử vong.
Các nước cũng ghi nhận trên 257.000.000 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 37 triệu ca và trên 92.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 800.000 ca), Anh và Pháp cũng lần đầu tiên kể từ đầu dịch tới nay chứng kiến trên 200.000 ca/ngày, trong khi Mỹ cũng có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 2.000 ca.
Chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản thông báo ghi nhận 3.124 ca mắc mới trong ngày 13/1, vượt ngưỡng 3.000 ca/ngày lần đầu tiên trong hơn 4 tháng. Thủ đô Tokyo đã nâng cảnh báo lên mức cao thứ hai từ trên xuống trong thang gồm 4 bậc. Đây là lần đầu tiên từ tháng 9/2020, cảnh báo ở cấp này được đưa ra.
Ngày 13/1, Ấn Độ đã ghi nhận 274.417 ca nhiễm mới, mức theo ngày cao nhất kể từ tháng 5/2020. Nếu so với cách đây 1 tháng, con số này cao gấp 30 lần. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ hiện là hơn 36,32 triệu ca, đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ.
Australia ghi nhận số ca mắc mới tăng cao nhất từ trước đến nay trong làn sóng mới do biến thể Omicron gây ra. Nước này đã ghi nhận tới hơn 147.000 ca mắc mới, trong đó riêng bang đông dân nhất là New South Wales (NSW) có tới 92.264 ca.
Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương: WHO sẽ đồng hành, ủng hộ, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm với Việt Nam cũng như tỉnh Yên Bái trong quá trình phòng, chống dịch
Trong hai ngày 12-13/1, ông Takeshi Kasai - Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương và ông Kidong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cùng Đoàn công tác Bộ Y tế do Thứ trưởng Trần Văn Thuấn dẫn đầu đã thăm, làm việc tại xã Đại Sơn, huyện Văn Yên (Yên Bái) về công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 và sức khỏe học đường.
Tại đây, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai bày tỏ tin tưởng và ấn tượng về hoạt động của Trạm Y tế; công tác phòng, chống dịch cũng như việc triển khai chiến dịch tiêm chủng của xã, huyện... nhằm bảo vệ sức khỏe người dân. Ông Takeshi Kasai hy vọng, sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền địa phương sẽ hạn chế thấp nhất ca tử vong do dịch bệnh; tin tưởng huyện Văn Yên cũng như tỉnh Yên Bái tiếp tục ứng phó hiệu quả, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh trong lâu dài.
Ông Takeshi Kasai thông tin thêm về biến chủng Omicron lây lan rất nhanh. Để đối phó với dịch, ông nhấn mạnh tới vai trò của vaccine, chú trọng bảo vệ đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi và lực lượng tuyến đầu, đề cao ý thức người dân trong thực hiện biện pháp phòng, chống dịch.
Ông Takeshi Kasai khẳng định, WHO sẽ đồng hành, ủng hộ, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm với Việt Nam cũng như tỉnh Yên Bái trong quá trình phòng, chống dịch.
Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 50 ca mắc COVID-19 nhiễm biến chủng Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (27), TP. Hồ Chí Minh (12), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (3), Khánh Hòa (2), Long An (1).
Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này; Chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch
TP HCM tiếp tục đi "từng ngõ, gõ từng nhà" tư vấn, thuyết phục người có nguy cơ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại nhà
Thông tin về tình hình sức khỏe của 12 trường hợp nhiễm biến thể Omicron tại TP HCM, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai- Chánh văn phòng Sở Y tế cho biết, trong số 12 trường hợp này, chỉ có 2 trường hợp có triệu chứng sổ mũi nhẹ, ho, nhức đầu; những trường hợp còn lại không có triệu chứng.
Hiện các trường hợp này đều đã được xuất viện đảm bảo theo quy định của Sở Y tế.
Đại diện Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP HCM cho biết, hiện các bệnh viện đang điều trị cho 4.152 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó có 82 trẻ em dưới 16 tuổi, 301 bệnh nhân nặng đang thở máy và 18 bệnh nhân can thiệp.
Hiện ngành y tế Thành phố đang đi "từng ngõ, gõ từng nhà" để tư vấn, thuyết phục người có nguy cơ tiêm vaccine tại nhà.
Bên cạnh đó, ngành y tế tiếp tục phát tờ rơi hướng dẫn chăm sóc nhóm nguy cơ; đồng thời sẽ xét nghiệm tầm soát đợt thứ 3 cho nhóm đối tượng nguy cơ trong tháng 1 và giữa tháng 2 tiếp tục mở rộng nhóm đối tượng nguy cơ.
Theo thống kê, tính đến hết ngày 12/1, TP HCM đã triển khai tiêm được 8.079.259 mũi 1, 7.226.684 mũi 2, 492.691 mũi bổ sung và 3.074.870 mũi nhắc lại.