"Chỉ một tấm lưng thon hay một bờ vai mỏng cũng có thể khiến ta hình dung ra cả tuổi thanh xuân đang tràn sức sống. Mỗi bức ảnh nude nghệ thuật thực sự là một khám phá mới về vẻ đẹp của cơ thể người phụ nữ, một góc nhìn đúng nghĩa nghệ thuật...".
Tìm người mẫu giữa đời thường
Phải nói ngay rằng, để có một tác phẩm ảnh khỏa thân nghệ thuật thành công, ngoài sự tài tình của người nghệ sĩ thể hiện ở con mắt tinh tế, sắc sảo, phát hiện ra những góc nhìn đẹp, sáng tạo thì không thể không kể đến sự đóng góp thầm lặng vì nghệ thuật của người mẫu. Không phải bất kỳ cô gái nào có thân hình đẹp cũng đủ dũng khí để làm mẫu ảnh nude. Vì vậy để tìm được một phụ nữ vừa đẹp vừa dám "phơi" thân thể ra trước ống kính là chuyện không dễ.
NS. Thái Phiên kể rằng, trước đây tìm được người mẫu khó lắm, nhưng giờ có dễ hơn vì cách nghĩ của phụ nữ hiện đại về ảnh khỏa thân đã có chút thay đổi. Anh không sợ thiếu mẫu nữa, chỉ sợ thiếu ý tưởng. Chỉ cần người phụ nữ đủ tự tin, yêu cái đẹp, vượt qua được chính mình và thành trì định kiến của xã hội là có thể làm mẫu nude. NS. Trần Huy Hoan bật mí: "Hầu hết mẫu của tôi là những phụ nữ rất bình thường, lắm khi cô bán rau cũng khiến tôi xúc cảm cho ra đời tác phẩm giá trị. Điều quan trọng ở người mẫu là tỷ lệ hài hòa của vẻ đẹp nữ tính và gây được cảm xúc. Một bàn chân lấm bùn mà khiến tôi xúc cảm còn có giá gấp ngàn lần bàn chân nuột nà sơn móng xanh móng đỏ”.
Chọn được người mẫu đã khó, nhưng tìm ra nét đẹp của mẫu và biết cách tôn thêm vẻ đẹp ấy bằng nghệ thuật còn khó hơn. Mỗi người mẫu có một vẻ đẹp khác nhau, người đẹp ở đôi bờ ngực, ở độ cong mướt của đường hông, có người lại đẹp ở những phần khác. Nữ nhiếp ảnh gia Lan Hương cho rằng, điều quan trọng là nghệ sĩ phải tìm được điểm nhấn của mẫu và biết đặt mẫu ấy trong khung cảnh nào, tư thế nào để làm toát lên nét đẹp cơ thể họ. Sự hợp tác và diễn đạt của người mẫu cũng là yếu tố khá quan trọng. Mẫu nude dù chỉ đạt điểm 5 nhưng nếu biết hợp tác với người chụp cũng vẫn có thể có được những bức ảnh đẹp.
Suối mơ - Cúp bạc VAPA, Việt Nam 2005 - HCV FIAP 2006.Ảnh: Dương Quốc Định |
Khó nhất là... chế ngự cảm xúc
30 năm trước, chụp nude là cả một vấn đề "kinh hoàng", nhưng 7, 8 năm gần đây nhìn nhận về ảnh nude đã cởi mở hơn. Trong số nhiều người chụp nude, có thể kể tên 4 nghệ sĩ đã đạt được những thành công nhất định là Thái Phiên, Trần Huy Hoan, Dương Quốc Định và Lê Quang Châu. Cái tài tình của họ là thể hiện được vẻ đẹp nữ tính với phong cách phóng khoáng mà thoát tục, đa dạng và phiêu diêu, lôi cuốn người xem vào thế giới của những đường nét, ánh sáng, bố cục. Họ tìm ra và thể hiện được những góc nhìn nghệ thuật về phụ nữ mà những người khác không nhìn ra hoặc không thể hiện được thành tác phẩm.
Với nghệ sĩ, nghề chụp ảnh nude là nghề dễ mắc tai tiếng nhất. Người ngoại đạo thường cho rằng trong studio, chỉ có mỗi người mẫu và nghệ sĩ mà người mẫu cứ khỏa thân như thế thì khó tránh khỏi chuyện nọ, chuyện kia. Chụp nude quan trọng nhất là cảm xúc, nếu không có sự rung động, ảnh sẽ rất khô. Vì vậy, người chụp nude vừa phải tạo ra cảm xúc vừa phải biết chế ngự, làm chủ xúc cảm của mình - đó là điều rất khó, đòi hỏi phải có bản lĩnh "cao siêu". Bên cạnh đó, người nghệ sĩ còn phải tạo được một bầu không khí làm việc tự nhiên, tin cậy cho mẫu, để mẫu bớt đi sự ngượng nghịu, căng thẳng, thế mới mong có được những tác phẩm tự nhiên, biểu cảm.
Một tác phẩm đẹp là thành quả quá trình lao động rất vất vả của cả nghệ sĩ và người mẫu. NS. Lê Quang Châu cho biết, mỗi buổi chụp nude của anh thường kéo dài khoảng 3 - 4 giờ, căng thẳng và mệt hơn rất nhiều so với các buổi chụp khác vì vừa phải động não, di chuyển đèn, vừa phải... làm chủ cảm xúc. Anh tâm sự: Chụp trong studio thuận lợi hơn vì chủ động ánh sáng và tập trung được cao độ nhưng cảnh sắc lại không phong phú tự nhiên. Còn chụp ngoài trời thường rất khó để tìm được địa điểm phù hợp và an toàn.
Bao giờ ảnh nude nghệ thuật được nhìn nhận đúng giá trị?
Đó là câu hỏi mà không ít nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và những người yêu nghệ thuật muốn tìm câu trả lời. NS. Thái Phiên tâm sự: Tôi rất buồn vì "các con của mình" không được đối xử sòng phẳng, gần như là bị bạc đãi. Mặc dù các bức ảnh khoả thân của tôi đã giành nhiều giải thưởng quốc tế và được triển lãm ở nhiều nơi trên thế giới nhưng nó vẫn chưa đến được với động đảo công chúng trong nước. Trong khi ảnh nude đã khẳng định được vị thế của nó trên thế giới cả trăm năm nay thì ở Việt Nam nó vẫn bị nhốt trong bóng tối vì quan điểm "thuần phong mỹ tục".
Giới nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam hơn lúc nào hết, mong sớm đến thời điểm ảnh nude nghệ thuật có chỗ đứng và được công nhận trong xu thế hội nhập. Đến nay, vẫn chưa có một quy chế cụ thể nào quy định về việc triển lãm tranh, ảnh khoả thân. Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Vụ phó Vụ Văn nghệ, Ban Tư tưởng văn hoá Trung ương, đã đến lúc phải mở rộng cánh cửa để ảnh nude nghệ thuật đến với công chúng và cũng đã đến lúc phải có một quy chế cụ thể để thừa nhận ảnh khỏa thân nghệ thuật như là một loại hình đương nhiên phải có trong nghệ thuật nhiếp ảnh.
Hồng Nga