Tại các con phố thời trang của Hà Nội như Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), Chùa Bộc (Đống Đa), phố Huế (Hai Bà Trưng)… vốn sầm uất vì có đến hàng chục thậm chí hàng trăm cửa hàng thời trang nằm san sát nhau. Những cửa hàng này bán nhiều mặt hàng thời trang phục vụ đủ mọi lứa tuổi, với nhiều mức giá khác nhau. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các con phố trên không còn được đông đúc như thường lệ.
Chị Minh Thanh - chủ một cửa hàng thời trang tại phố Chùa Bộc chia sẻ: "Không hiểu vì sao mà thời gian gần đây cửa hàng cứ vắng hoe, lượt khách bỗng nhiên sụt giảm đến mức phải giật mình. Mặc dù cửa hàng đã treo biển sale tới 50%, thường xuyên live stream bán hàng online nhưng vẫn không ăn thua".
Tương tự, chị Hoài Anh – chủ cửa hàng thời trang nữ trên phố Nguyễn Trãi cho hay, doanh số bán hàng ở thời điểm hiện tại so với cùng kỳ năm ngoái có sự sụt giảm đáng kể. Cửa hàng chị vừa phải thông báo cho nghỉ bớt 2 nhân viên bán hàng vì không có khách.
"Mình nghĩ có lẽ là do nền kinh tế khó khăn, dân không kiếm ra tiền thì cũng không có tâm trạng đi mua sắm được. Thôi thì tình hình chung, hy vọng vào hè tình trạng bán hàng sẽ khá khẩm hơn", chị Hoài Anh tự động viên.
Cùng chung tâm trạng, nhân viên của một cửa hàng thời trang có thương hiệu khá nổi tiếng cũng cho biết: "Thời điểm này bán hàng rất khó, nhân viên như mình xác định là không có thêm doanh thu từ doanh số vì có bán được hàng đâu. Mà nhất là cửa hàng thuộc thương hiệu nổi tiếng, thời điểm này không hề giảm giá một mặt hàng nào cả nên càng khó bán hơn. Thế nên nhân viên bán hàng bọn mình dạo này "nhàn" lắm".
Vì sao nhiều cửa hàng thời trang ế ẩm?
Lý giải nguyên nhân vì sao mọi người ít đi mua sắm mặt hàng thời trang ở thời điểm hiện tại, chị Huyền Hoa (Hà Đông) cho hay, như gia đình chị thì vừa mới Tết xong nên bị hụt tiền, vì đợt Tết vừa rồi gia đình chị mua sắm hơi "quá đà".
"Tết vừa rồi nhà mình ngoài thăm nội, ngoại rồi lo Tết hai bên, mừng tuổi, mua sắm đồ đạc… là gần như chỉ còn lại một ít để phòng những lúc cần đến tiền. Còn hiện tại lương hàng tháng cũng chỉ đủ chi tiêu, rồi con cái học hành…, xong cũng phải để lại phần nhỏ để tích cóp thêm nên cũng không có dư giả để đi mua sắm", chị Hoa chia sẻ.
Còn chị Thanh Mai (Tây Hồ) lại cho rằng, không đi mua sắm quần áo, giày dép, túi xách… ở thời điểm này là vì "không có gì để mua cả".
"Thời điểm này thời tiết ẩm ương, nóng không ra nóng, lạnh không ra lạnh cộng với việc các cửa hàng chủ yếu là bán sản phẩm mẫu cũ nên không kích cầu được. Hơn nữa, vừa mới qua đợt sale cuối năm 2022, nhà nhà, người người đi mua sắm rồi nên thành ra chưa có nhu cầu mua thêm.
Hơn nữa, kể cả có sale đến 50% tại thời điểm này thì cũng chỉ sale những mặt hàng mẫu cũ, chất lượng không được như mới 100% và hầu như lẻ size, rất khó để tìm được mẫu ưng ý", chị Mai nói.
Cùng quan điểm với chị Mai, chị Hạnh Minh (Hoàn Kiếm) cũng cho biết, bản thân cách đây mấy hôm cũng bị thu hút bởi mấy biển thông báo sale tới 50% của một số cửa hàng thời trang. Nhưng khi bước vào thì vô cùng thất vọng bởi những mặt hàng sale chỉ nằm ở một góc rất nhỏ của cửa hàng, mẫu mã lại xấu và không hề có size để lựa chọn.
Theo như tìm hiểu của phóng viên, không chỉ là những cửa hàng thời trang mà hiện tại, nhiều cửa hàng bán đồ gia dụng, điện tử cũng phải "kêu trời" vì quá ế ẩm. Các chủ cửa hàng này cho rằng, lý do vì mới ăn Tết xong, dân tình còn đang mải đi du xuân hoặc tập trung "cầy cuốc" bù lại khoản chi tiêu đợt Tết nên sẽ ít để ý đến việc mua sắm. Họ đều mong chờ, sau khoảng một đến hai tháng tới, khi đã hết hẳn Tết và mùa hè đến gần, người dân sẽ dư dả hơn và đi mua sắm nhiều trở lại.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Bắt Gọn Đối Tượng Lên Cơn Nghiện, Túng Quẫn Đi Cướp Vé Số Của Người Đi Xe Lăn, Trấn Lột Già - SKĐS