Hà Nội

“Sách trắng” về tương lai châu Âu hậu Brexit thách thức cận kề, băn khoăn còn đó

05-03-2017 13:19 | Quốc tế
google news

SKĐS - Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker vừa công bố "Sách trắng" về tương lai châu Âu, gồm 32 trang với 5 kịch bản.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker vừa công bố "Sách trắng" về tương lai châu Âu, gồm 32 trang với 5 kịch bản. Một trong những kịch bản này là châu Âu sẽ tính đến khả năng 27 nước thành viên không có khả năng tìm thấy tiếng nói chung trong rất nhiều lĩnh vực. Giới phân tích nhận định, những gì mà sách Trắng về Tương lai EU đặt ra cho thấy khối này đang đứng trước rất nhiều mâu thuẫn và phân rẽ. Nó cũng đặt ra câu hỏi lớn về sự tồn tại của toàn cầu hóa đối với các quốc gia.

-"Sách trắng" về tương lai châu Âu gồm 32 trang với 5 kịch bản nhằm xác định các đường hướng mới cải tổ để EU có thể mở ra "một chương mới" cho Lục Địa Già sau khi nước Anh rời khỏi EU (Brexit), đồng thời kêu gọi 27 nước thành viên thống nhất và vai trò lãnh đạo. Trong Sách Trắng, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Juncker đưa ra 5 kịch bản khác nhau cho châu Âu, đồng thời kêu gọi các lãnh đạo châu Âu phải có lập trường rõ ràng cho từng lịch bản. Một trong số đó, châu Âu sẽ tính đến khả năng 27 nước thành viên không có khả năng tìm thấy tiếng nói chung trong rất nhiều lĩnh vực và các giải pháp tìm kiếm sự đồng thuận. Sách Trắng về Tương lai châu Âu cũng sẽ được đưa ra nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của Liên minh châu Âu (EU) tại Rome, Italy vào ngày 25/3 tới. “Tương lai của châu Âu không nên trở thành con tin của các cuộc bầu cử, của các đảng chính trị. Brexit dù là một sự đáng tiếc, nhưng sẽ không thể ngăn Liên minh châu Âu tiến đến tương lai của mình”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Juncker nói “Chúng ta sẽ tiếp tục con đường của mình và đó là điều mà chúng ta phải làm”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker thừa nhận đang không có ít băn khoăn về tương lai EU

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker thừa nhận đang không có ít băn khoăn về tương lai EU

Bộn bề khó khăn

Trước hết, khi đưa ra sách Trắng về Tương lai EU, những đại diện cao nhất của châu Âu đều kỳ vọng những đường hướng cải tổ hậu Brexit (nước Anh rời khỏi EU) có thể giúp khối này mở ra "một chương mới" với việc với 27 nước thành viên của khối phải tự quyết định vận mệnh của chính mình. Tuy nhiên, trong “Sách trắng”, nhà lãnh đạo cao nhất của châu Âu đã đưa ra 5 kịch bản. Một trong số đó là việc 27 nước thành viên không có khả năng tìm thấy tiếng nói chung trong rất nhiều lĩnh vực. Và dưới góc nhin phân tích, rất có thể, “ngôi nhà chung mới của châu Âu sẽ thu nhỏ và phải chấm dứt nguyên tắc bất cứ điều gì mà tất cả đồng thuận mới có thể làm được”.

Không phải chờ tới thời điểm này giới lãnh đạo châu Âu mới thừa nhận có nhiều thách thức đặt ra. Đó không chỉ là sự khác biệt về quan điểm và hành động, mà đó còn là sự bất đồng âm ỉ, sự chia rẽ sâu sắc giữa các nước Tây Âu, Trung Âu hay Nam Âu với những lo ngại có thực rằng “những nước EU nghèo sẽ bị gạt khỏi cuộc chơi” trên con đường nhất thể hóa EU.

Trên thực tế, câu chuyện một EU “hai tốc độ”, giữa Tây Âu giàu có và Trung Nam Âu nghèo khó đã được đề cập tới nhiều lần. Thế nhưng việc những nhà lãnh đạo cao nhất của EU đề cập đến nó một cách công khai trong sách Trắng, cho thấy EU đang đứng trước những khó khăn thực sự. Mới đây nhất, việc bốn nước Trung Âu gồm Ba Lan, Slovakia, CH Séc và Hungary đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) đối xử bình đẳng với tất cả các nước thành viên, là một ví dụ cho thấy điều đó. Chưa bao giờ, bóng ma chia rẽ, xu hướng phân ly, chia tách và tan rã… đe dọa Lục Địa già lại hiển hiện rõ như thế.

Với việc sách Trắng về Tương lai châu Âu được công bố, cũng đang có rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Châu Âu sẽ làm thế nào để hàn gắn những hố sâu ngăn cách như thế? Châu Âu sẽ làm thế nào để vượt qua bất đồng? Và nếu bỏ qua nguyên tắc đồng thuận như trong sách Trắng đề cập, liệu EU có rơi vào tình trạng hỗn loạn, mạnh ai người đó làm hay không?

Sách Trắng về Tương lai EU đã đưa ra tới 5 kịch bản. Theo sách Trắng, EU cũng sẽ chuyển quyền tự quyết cho các quốc gia thành viên. Vậy, có khả năng EU sẽ hình thành các nhóm quốc gia có lợi ích riêng và hoạt động riêng biệt hay không?  Giới quan sát cho rằng: nếu điều này xảy ra, từ một khối thống nhất có tiếng nói chung, EU có thể sẽ bị chia nhỏ thành nhiều tổ chức khác nhau. Một điều chắc chắn, viễn cảnh về nhiều liên minh mới hình thành trong “một cơ thể EU già cỗi” sẽ là hiện hữu chứ không còn ở trên lý thuyết.

Những gì đang diễn ra ở châu Âu cũng đang khiến người ta phải đặt thêm nhiều câu hỏi về toàn cầu hóa. Có nên coi toàn cầu hóa là một xu hướng chung và tất yếu không?  Trong trường hợp câu trả lời “là không”, chắc chắn cấu trúc chính trị và thể chế của các nước có thể vận hành theo chiều hướng khác cái mà mọi người đang suy nghĩ và như vậy toàn cầu sẽ đứng trước một tương lai bất định thậm chí là bất trắc.

Khó khăn đang hiện hữu. Và Liên minh châu Âu chắc chắn sẽ phải cải cách để tồn tại và phát triển. Liệu sẽ EU sẽ tiến bước hay thụt lùi? Có lẽ, EU sẽ đưa ra câu trả lời về tương lai cúa mình tại Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 25/3 sắp tới.


N.Quang (Theo Euronews, BBC)
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Tags: