“Tay bẩn, bạn phải rửa cẩn thận cho sạch, nhưng đã bao giờ bạn phải rửa đi rửa lại nhiều lần bằng xà phòng, đứng hàng giờ đồng hồ trong nhà vệ sinh, khi đi ra ngoài với bàn tay nhợt nhạt do bạn đã sử dụng quá nhiều chất tẩy để rửa tay”. Chính là bạn đã có biểu hiện của căn bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng bức.
Biểu hiện của rối loạn ám ảnh cưỡng bức
Bệnh gồm có hai biểu hiện: Ý nghĩ cưỡng bức và hành vi cưỡng bức.
Ý nghĩ cưỡng bức là những ý nghĩ không mong muốn, không thể kiểm soát được, những hình ảnh, những xung động cứ luôn luôn xảy ra, lặp đi lặp lại trong đầu bạn. Mặc dù bạn không muốn có ý nghĩ đó và thực tế là bạn thấy nó không có ý nghĩa gì nhưng bạn cũng không thể làm cho những ý nghĩ đó dừng lại, một điều không may mắn là những ý nghĩ ám ảnh đó thường làm cho bạn cảm thấy lo lắng, rối trí, quẫn trí.
Hành vi cưỡng bức là những hành vi hoặc những nghi thức mà bạn cảm thấy như là có một xu hướng cưỡng chế bắt buộc phải thực hiện nhiều lần. Thông thường, những hành vi ám ảnh này được thực hiện để nhằm cố gắng làm cho những ý nghĩ ám ảnh mất đi, ví dụ như nếu bạn sợ bị bẩn, bạn rửa tay rất cẩn thận, tỉ mỉ. Nhưng những ý nghĩ sợ bẩn ấy không bao giờ kết thúc và quay lại với một mức độ mạnh hơn. Cuối cùng, những hành vi ám ảnh cưỡng bức ấy gây cho bạn lo lắng vì càng ngày cường độ của chúng càng mạnh và làm cho bạn mệt mỏi vì mất thời gian.
Hầu hết, những người bệnh bị rối loạn ám ảnh cưỡng bức thuộc vào một trong số các loại sau với những biểu hiện:
- Rửa tay liên tục vì sợ bẩn: thường xuyên cọ và rửa tay một cách bắt buộc.
- Thường xuyên kiểm tra nhiều lần, lặp đi lặp lại một điều gì đó, ví dụ như đã tắt lò sưởi, cửa đã khóa chưa vì nghĩ đến những điều không hay xaảy ra, ví dụ như cháy hoặc bị mất trộm.
- Nghi ngờ và sợ rằng nếu như sự việc xảy ra không hoàn hảo hoặc không làm những việc đúng thì có những điều tồi tệ sẽ xảy ra hoặc mình sẽ bị trừng phạt.
- Đếm và sắp xếp đồ đạc với một trật tự, đúng vị trí, bạn có những biểu hiện một cách cuồng tín về một con số nhất định, màu sắc hoặc một sự sắp xếp đồ đạc trong phòng của bạn.
- Tích trữ những vật dụng nhất định vì sợ rằng nếu bạn vứt bỏ nó đi thì sẽ có điều xấu xảy ra. Bạn bị cưỡng bức phải tích trữ đồ vật mà bạn không cần thiết đến nó hoặc không bao giờ sử dụng nó.
Những biểu hiện của ám ảnh cưỡng bức có sự kết hợp cả của những ý nghĩ ám ảnh và những hành vi ám ảnh hoặc ý nghĩ ám ảnh nhiều hơn hay ngược lại, nó có thể tăng giảm theo thời gian và nặng lên khi bạn gặp phải những căng thẳng, stress.
Làm việc quá sức dễ dẫn đến rối loạn ám ảnh cưỡng bức. |
Cần làm gì khi bị bệnh?
Nếu bạn bị ám ảnh cưỡng bức, bạn có thể tự giúp đỡ mình bằng rất nhiều cách:
- Tự giáo dục bản thân mình: Bạn tìm hiểu và đọc các sách về rối loạn ám ảnh cưỡng bức, nói chuyện với bác sĩ và nhà điều trị, bạn càng biết nhiều về bệnh thì bạn càng xử lý tốt các biểu hiện của bệnh.
- Thực hành những kỹ thuật mà bạn đã được hướng dẫn, chủ động để loại bỏ những ý nghĩ và hành vi ám ảnh, điều này đòi hỏi phải kiên trì và thực hành hằng ngày.
- Cần phải duy trì quan hệ, tiếp xúc với những thành viên trong gia đình và bạn bè. Ám ảnh cưỡng bức có thể làm bạn bị cô lập về xã hội và sự cô lập này có thể làm cho tình trạng bệnh của bạn nặng lên, chính vì vậy mà cần phải có sự giúp đỡ của bạn bè, gia đình mới giúp bạn cải thiện tình trạng bệnh.
- Bạn có thể chia sẻ, tâm sự với nhóm, giúp đỡ những người bị bệnh như bạn, bạn sẽ không cảm thấy cô đơn, bạn có thể được chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ kinh nghiệm.
Điều trị bệnh như thế nào?
Liệu pháp điều trị quan trọng đối với rối loạn ám ảnh cưỡng bức là liệu pháp nhận thức hành vi, gồm có hai phần: phơi nhiễm, đáp ứng có tính chất phòng ngừa và liệu pháp nhận thức.
Bạn được đề nghị là liên tục tiếp xúc với những nguồn gây ám ảnh cho bạn, sau đó bạn được đề nghị phải kiềm chế, không thực hiện những hành vi mà trước kia bạn vẫn làm để giảm đi sự căng thẳng, ví dụ như bạn bị ám ảnh cưỡng bức phải rửa tay, bạn được bác sĩ đề nghị là hãy chạm tay vào cửa nhà vệ sinh công cộng và sau đó sẽ ngăn không cho bạn rửa tay, khi bạn không rửa tay với tâm trạng căng thẳng, tình trạng bắt buộc phải rửa tay này sẽ từ từ biến mất, bằng cách này, dần dần bạn sẽ quen rằng rửa tay không phải là cách duy nhất bắt buộc để làm bạn giảm đi lo âu và dần dần bạn sẽ kiểm soát được tình trạng ám ảnh của mình. Phần nhận thức là cách giúp bạn hiệu quả và có khoa học trong việc đáp ứng với những ý nghĩ hành vi ám ảnh. Để thực hiện được liệu pháp này, cần có sự hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa tâm thần.
|