Rau quả Trung Quốc dán nhãn mác Đà Lạt, có hay không?

03-12-2008 16:06 | Thời sự
google news

Thời gian gần đây, khi các cơ quan chức năng phát hiện ra sự "nhập nhèm" của tiểu thương buôn bán rau củ quả có nguồn gốc Trung Quốc nhưng mang nhãn mác "Đà Lạt" lại càng khiến cho dư luận hoang mang.

Lâu nay, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan của người trồng trọt là vấn đề chưa thể giải quyết triệt để. Thời gian gần đây, khi các cơ quan chức năng phát hiện ra sự "nhập nhèm" của tiểu thương buôn bán rau củ quả có nguồn gốc Trung Quốc nhưng mang nhãn mác "Đà Lạt" lại càng khiến cho dư luận hoang mang. Để giúp người đọc có được những thông tin cần thiết nhất, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Công Toản, Chánh thanh tra Cục Bảo vệ thực vật (BVTV - Bộ NN&PTNT) về vấn đề hết sức nóng bỏng này.

Ông Trịnh Công Toản. 

PV: Thưa ông, Cục BVTV có biết sự việc rau quả Trung Quốc được "hô biến" thành rau quả Đà Lạt hay không và đã có những động thái gì để quản lý chặt chẽ hơn các loại rau quả nhập khẩu?

Ông Trịnh Công Toản: Qua kiểm tra, chúng tôi biết có tình trạng này và hiện Cục BVTV đã chỉ đạo Thanh tra Cục, Phòng Kiểm dịch thực vật (KDTV), các Chi cục KDTV tại cửa khẩu phía Bắc và Trung tâm kiểm định và khảo nghiệm thuốc BVTV phía Bắc kiểm tra thực tế tình hình nhập khẩu hàng hóa nông sản, đặc biệt là rau xanh, lấy mẫu kiểm tra về dư lượng thuốc BVTV. Trong 2 ngày 18 và 19/11, đoàn kiểm tra đã phối hợp cùng lực lượng A17- Bộ Công an tiến hành kiểm tra tình hình nhập khẩu nông sản tại cửa khẩu Lạng Sơn và các chợ đêm đầu mối trên địa bàn thành phố Hà Nội (gồm chợ Dịch Vọng, Long Biên, Đền Lừ) đồng thời lấy một số mẫu rau để kiểm tra về dư lượng thuốc BVTV.

PV: Vậy kết quả kiểm tra này như thế nào thưa ông?

Ông Trịnh Công Toản: Kết quả kiểm tra các mẫu rau quả này chúng tôi vừa hoàn thành trong chiều 25/11. Trong 10 mẫu rau quả Trung Quốc (bao gồm: súp lơ xanh, cần tây, ớt quả, tỏi tây, tỏi khô, quýt, táo, lê, cải bắp), có 2 mẫu có dư lượng thuốc BVTV, tuy nhiên đều dưới mức cho phép. Các hoạt chất thuốc BVTV phát hiện dư lượng đều nằm trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Còn 12 mẫu rau được lấy từ các chợ đầu mối Hà Nội như Dịch Vọng, Long Biên, Đền Lừ, có 6/12 mẫu có dư lượng thuốc BVTV nhưng cũng đều dưới mức dư lượng tối đa cho phép.

Cũng theo kết quả kiểm tra tình hình nhập khẩu rau của Cục BVTV, rau xanh hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam qua 2 cửa khẩu là Lạng Sơn và Lào Cai, số lượng rau nhập khẩu từ Trung Quốc qua cửa khẩu này tăng thêm khoảng 42% so với trước đây.

PV: Như vậy, ông có khẳng định rau quả có nguồn gốc Trung Quốc là an toàn đối với người sử dụng hay không?

Ông Trịnh Công Toản: Đương nhiên là không ai có thể khẳng định chắc chắn 100% các loại rau quả có nguồn gốc Trung Quốc bán trên thị trường hiện nay là an toàn vì thực tế là chúng ta không thể kiểm soát hết được mọi đường vào của mặt hàng này. Việc giữ các lô hàng để chờ kiểm nghiệm mới cho qua cửa khẩu càng không thể làm được bởi việc kiểm nghiệm này mất ít nhất vài ngày mà để như thế thì rau quả bị thối, héo ai chịu trách nhiệm.

 
PV: Nhân đây xin nói về vấn đề thuốc BVTV, dư luận lo ngại về việc họ đang ăn phải những loại quả được sử dụng chất bảo quản quá nhiều và cả chất thúc chín hoa quả. Vậy Cục BVTV có giải pháp gì để giải tỏa mối lo ngại này của người dân?

Ông Trịnh Công Toản: Đối với các loại thuốc thúc chín hoa quả, Cục BVTV cũng bắt được một số lô hàng và đã cho tiêu hủy. Điều đáng nói là trên bao bì chỉ có chữ Trung Quốc, không ghi rõ thành phần, hạn sử dụng, không có hướng dẫn sử dụng. Đối với sản phẩm có tên Ethrel của Công ty hữu hạn hóa chất Phùng Xuân, Quảng Tây, Trung Quốc mà người dân ở xã Song Phượng (Đan Phượng, Hà Nội) sử dụng để "tắm" cho trái cây giúp cho quả đang từ xanh sẽ chín vàng, bóng đẹp, vỏ trơn nhẵn không được cấp phép nhập khẩu, buôn bán và sử dụng tại Việt Nam.

Để bảo vệ sức khỏe của mình và người thân trong gia đình, như khẩu hiệu của Cục ATVSTP (Bộ Y tế) đưa ra "Mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái", tôi cho rằng chính người tiêu dùng là người quyết định trong việc chọn mua các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và có chứng nhận ATVSTP của các cơ quan chức năng. Còn về phía Cục BVTV, chúng tôi cũng đang kiến nghị với Bộ NN&PTNT về việc kiểm tra và chứng nhận ATVSTP đối với các mặt hàng nông sản, trong đó rau quả chiếm tỷ trọng lớn xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc. Nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, Cục cũng kiến nghị Bộ làm việc với cơ quan kiểm tra chất lượng, kiểm dịch động, thực vật Trung Quốc để phối hợp hành động, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận ATVSTP cho hàng hóa nông sản xuất, nhập khẩu của hai nước. Trước mắt, Cục sẽ chỉ đạo chặt chẽ công tác kiểm dịch rau quả nhập khẩu qua biên giới.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hạ Hiền (thực hiện)


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn