Không khả thi!
Tổng cục Thuế vừa kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch mua bán vàng. Đề xuất này được đánh giá sẽ giúp minh bạch thị trường, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, việc thu thuế giữa các đơn vị kinh doanh công bằng hơn. Nhưng để áp dụng vào thực tế, theo các chuyên gia là khó khả thi.
Nhận định đề xuất thanh toán không tiền mặt trong giao dịch kinh doanh vàng sẽ gia tăng tính minh bạch cho thị trường, nhưng PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, thừa nhận nếu quy định này được ban hành thì không mang tính khả thi trong thực tế và cũng không liên quan đến việc quản lý thị trường vàng theo như thông điệp gần đây của Thủ tướng Chính phủ. Việc xuất hóa đơn điện tử thì tất cả doanh nghiệp đã thực hiện và đây là điều bắt buộc, kinh doanh vàng cũng không ngoại lệ.
Trong khi đó, hình thức thanh toán bằng tiền mặt hay không tiền mặt vẫn là sự lựa chọn của người dân chứ không phải là quy định cấm một phương tiện nào, vì không phải ai cũng có tài khoản. Nếu bắt buộc sẽ bất tiện cho người dân, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu mua vàng của người dân là bình thường.
"Nhiều người chỉ đủ tiền để mua 5 phân, 1 chỉ; những người ở các vùng sâu, vùng xa hay người lớn tuổi thường không có tài khoản ngân hàng, không biết đến các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt... Vì vậy, cấm thanh toán bằng tiền mặt là không thực tế, làm khó người dân", ông Ngô Trí Long nói và lập luận, hiện tại trong nhiều sinh hoạt hằng ngày, người dân VN vẫn còn sử dụng tiền mặt, từ việc đi chợ đến các giao dịch lớn hơn, thậm chí cả mua bán nhà. Do đó, việc cấm sử dụng tiền mặt trong mua bán vàng là điều không thể, đi ngược với nhiều quy định khác.
Thay vì đó, các cơ quan quản lý nên tính đến phương án khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch vàng, tương tự như khuyến khích trong toàn bộ hoạt động của nền kinh tế nói chung. Hoặc giả sử trước hết xem xét, nghiên cứu để đưa ra một quy định như chỉ áp dụng khi giao dịch từ 1 lượng vàng miếng trở lên thì cần thực hiện chuyển khoản, sẽ khả thi và phù hợp hơn.
Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng cho rằng quy định này chỉ phù hợp với người mua số lượng vàng lớn hay vàng miếng SJC. Còn mua nhỏ lẻ, một chỉ nhẫn trơn hay vàng nữ trang, sẽ khó thực hiện. Nếu bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch mua bán vàng cũng không tác động nhiều đến thị trường, không khiến thị trường vàng trầm lắng.
"Nếu dùng biện pháp hành chính bắt buộc trong thanh toán giao dịch vàng miếng không dùng tiền mặt nhằm kiểm soát thị trường vàng, nó sẽ đi "ngầm" hết. Hơn nữa, việc kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ đang tiến tới ngành kinh doanh không có điều kiện, giờ lại đề xuất không dùng tiền mặt với giao dịch mua bán vàng là mâu thuẫn", ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết.
Cách nào quản lý thị trường vàng?
Hiệp hội Kinh doanh vàng cũng kiến nghị cơ quan quản lý cần có khảo sát thực tế về tình hình giao dịch mua bán vàng thời gian qua trước khi quyết định việc cấm mua bán vàng bằng tiền mặt. Nếu kết quả 90% giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, quy định này sẽ không ảnh hưởng nhiều tới thị trường. Tuy nhiên, trường hợp tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt chỉ khoảng 50% thì cần có lộ trình cụ thể để triển khai trong thực tế.
Theo PGS. TS Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, thị trường vàng Việt Nam hiện nay có các doanh nghiệp đầu mối được phép kinh doanh vàng trong lãnh thổ Việt Nam. Các đầu mối cấp 1 phải do Ngân hàng nhà nước có văn bản quyết định. Đầu mối cấp 2 phải do đầu mối cấp 1 cho phép, việc cho phép phải được các ngân hàng đồng ý.
"Như vậy đúng ra việc nhập bao nhiêu, xuất bao nhiêu vàng phải rõ ràng, công khai, minh bạch nhưng tiếc là thời gian vừa qua chúng ta chưa làm được việc này. Vì vậy, điều rất quan trọng phải áp dụng hóa đơn điện tử và kết nối với cơ quan thuế trong hoạt động kinh doanh vàng thì lúc đó tính công khai, minh bạch mới rõ ràng" , PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Về những bất cập trong cơ chế quản lý, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, Nghị định 24/2012/NĐ-CP ban hành cách đây hơn 10 năm, trong bối cảnh thị trường vàng bất ổn, "vàng hóa" mạnh và buộc phải chống "vàng hóa". Nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ.
Tuy nhiên, với giai đoạn hiện nay là hội nhập thị trường vàng phải phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam cho nên trong Nghị định xuất hiện nhiều bất cập, cần phải sửa đổi.
Trong đó, bất cập về nguồn cầu thì tăng, nhưng nguồn cung hạn chế dẫn đến đẩy giá vàng lên cao. Thường cuối năm là thời điểm nhu cầu mua tích trữ vàng tăng cao, nhiều người dân đã tăng mua vào, nhất là vàng miếng SJC để tích trữ. Trong khi đó nguồn cung vàng SJC hạn chế, bởi vàng SJC không được sản xuất thêm, chỉ còn ở trong dân và doanh nghiệp. Tiếp nữa là độc quyền vàng thương hiệu SJC.
Chính vì vậy, phải sửa Nghị định 24/12012/NĐ-CP theo hướng theo thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam để giảm giá vàng trong nước, đồng thời phát huy được nghề kinh doanh trang sức.
Ngân hàng Nhà nước chỉ nên thực hiện chức năng quản lý và hoạch định chính sách điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng theo pháp lệnh ngoại hối, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng mà không nên tham gia sản xuất kinh doanh hoặc điều tiết thị trường bằng các biện pháp hành chính, không trực tiếp can dự việc kinh doanh của các doanh nghiệp.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bản tin dự báo thời tiết mới nhất ngày 18/5 | SKĐS