Hà Nội

Quay clip ăn thịt chim đăng lên MXH có vi phạm pháp luật không?

14-04-2024 14:44 | Pháp luật
google news

SKĐS - Thời gian gần đây, chủ một nhà hàng chuyên về các món chim tại Hà Nam đã thường xuyên đăng tải những clip ăn thịt chim lên mạng xã hội. Việc làm này có phạm pháp không?

Những clip này khiến không ít người phải xuýt xoa vì nhìn món ăn rất hấp dẫn. Tuy nhiên, có người lại tỏ ra thương xót cho những chú chim, thậm chí có ý kiến còn cho rằng, nhà hàng này đã vi phạm pháp luật vì đã giết, mổ chim tự nhiên.

Vậy ý kiến nêu trên là đúng hay sai?

Theo Ths.Ls. Hoàng Thị Hương Giang, Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), với sự việc nêu trên, trước tiên phải tìm hiểu xem món ăn có phải được chế biến từ động vật hoang dã hay không, vì rất có thể, món ăn chỉ được chế biến bằng chim do con người nuôi.

Quay clip ăn thịt chim đăng lên MXH có vi phạm pháp luật không?- Ảnh 1.

Quay clip ăn thịt chim đăng lên MXH có vi phạm pháp luật không? (Ảnh minh họa).

Trong trường hợp nhà hàng kinh doanh các món ăn từ động vật hoang dã thì sẽ là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, theo quy định tại Điều 21 Nghị định 35/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp, đối với hành vi săn, bắt, giết, nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định của pháp luật, tùy từng loại động vật sẽ bị áp dụng mức xử phạt khác nhau. Mức phạt sẽ từ 1.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng tùy trường hợp.

"Trường hợp vi phạm vượt mức xử lý hành chính nêu trên thì bị xem xét xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, theo quy định Điều 234 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; hoặc Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo quy định Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017", luật sư Giang thông tin.

Cũng trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức Đoàn, Công ty Luật TNHH 1 thành viên số 1 YB nhận định, thực tế nhu cầu tiêu thụ những sản phẩm là động vật hoang dã vẫn còn tồn tại và lợi nhuận từ hoạt động buôn bán, kinh doanh này khá lớn. 

Theo quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 84/2021/NĐ-CP), các loài "chim trời" đều được coi là động vật hoang dã và theo đó, giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp là yêu cầu cần thiết để có thể kinh doanh các loài này. Cũng theo quy định tại Điều 21, 22, 23 Nghị định 35/2019/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghi định 07/2022/NĐ-CP), mọi hành vi săn bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép chim hoang dã (không phải loài nguy cấp, quý, hiếm) có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 300.000.000 đồng (đối với cá nhân).

"Không những vậy, hành vi quảng cáo kinh doanh trái phép các loài chim hoang dã (không phải loài nguy cấp, quý, hiếm) cũng có thể bị xử phạt từ 1.000.000 – 1.500.000 đồng theo quy định tại Điều 16 Nghị định 35/2019/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghi định 07/2022/NĐ-CP)", luật sư Nguyễn Đức Đoàn nhấn mạnh.  

Xem tiếp bài viết:

Hà Nội tăng cường công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dãHà Nội tăng cường công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã

SKĐS - Ngày 4/3, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành văn bản số 542/UBND-KTN về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn Thành phố.


Quỳnh Mai
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn