Trong những năm qua, việc quảng bá văn hóa Việt ra thế giới được đặc biệt quan tâm thông qua các Tuần văn hóa, Tháng văn hóa Việt Nam ở nước ngoài với nhiều hoạt động liên hoan, triển lãm, trình diễn, giới thiệu văn hóa nghệ thuật truyền thống... Đáng tiếc, trong công cuộc quảng bá ấy, nhiều nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của dân tộc đã không được giữ gìn một cách trung thực và nguyên vẹn!
Câu chuyện từ chiếc áo dài
Đầu năm 2013, giới thời trang Việt Nam rất bất ngờ khi tà áo dài dân tộc lần đầu tiên được mời tham gia cuộc triển lãm mang tầm vóc một festival về văn hóa phương Đông tại Bảo tàng Natural History lớn nhất nước Mỹ. Bất ngờ hơn nữa khi người được mời đích danh lại là nhà thiết kế Lê Thanh Phương chứ không phải một nhà thiết kế áo dài nào khác nổi tiếng hơn! Giải thích về lý do chọn Lê Thanh Phương, Ban tổ chức cho biết: Vì những mẫu thiết kế áo dài của anh vẫn giữ được gần như vẹn nguyên chất truyền thống của áo dài Việt Nam, không chạy theo xu hướng cách điệu.
![]() Múa rối Việt Nam giao lưu và biểu diễn tại Mexico. |
Điều đáng nói là trong khi Lê Thanh Phương được mời sang Mỹ chỉ vì một lý do rất đơn giản ấy thì nhiều nhà thiết kế khác lại đang ra sức đua nhau cải tiến, “làm mới” áo dài nhằm gây ấn tượng với bè bạn quốc tế. Và thực tế đã chứng minh lựa chọn của BTC là có cơ sở: tại cuộc triển lãm, những chiếc áo dài nguyên gốc của Việt Nam đã chinh phục người xem bởi sự giản dị và vẻ đẹp truyền thống của nó. Cuộc triển lãm lần này đã tạo được tiếng vang hơn hẳn những cuộc triển lãm áo dài quy mô, hoành tráng trước đó. Bản thân Lê Thanh Phương cũng cho biết, anh rất “dị ứng” với cách nhiều nhà thiết kế đang thi nhau làm xấu áo dài bằng những sáng tạo hở da hở thịt hoặc biến áo dài trở thành súc vải nặng hàng chục kilôgam, dài mấy mét hoặc gắn đầy lông... Điều đó khiến cho chiếc áo dài không còn gây được thiện cảm nữa.
Từ câu chuyện chiếc áo dài nguyên bản, người ta không khỏi liên tưởng đến việc giữ gìn những thứ thuần Việt, những gì được coi là độc đáo và đặc sắc của riêng người Việt và đặc biệt là cách thức quảng bá nó ra với thế giới. Đơn cử như ở lĩnh vực nghệ thuật, cho dù chúng ta có một nền nghệ thuật truyền thống lâu đời rất đặc sắc, nhưng có một sự thực là khi nền nghệ thuật ấy được mang đi quảng bá, giới thiệu ở nước ngoài thì nó đã biến dạng đi rất nhiều. Còn nhớ một vụ việc mà báo chí trong và ngoài nước đã có lần xôn xao phản ánh: một đoàn nghệ thuật mang múa rối nước ra nước ngoài biểu diễn. Thay vì biểu diễn ở ao làng hay trong các nhà thủy đình vào đêm trăng sáng thì lần ấy, múa rối nước lại được biểu diễn ngay trên quảng trường thành phố nước bạn giữa ban ngày! Câu chuyện khác: chiếc đàn bầu vốn là một nhạc cụ dân tộc độc đáo, được nhiều người nước ngoài gọi là “cây đàn độc nhất vô nhị của Việt Nam”. Ấy vậy mà không ít đoàn nghệ thuật khi ra nước ngoài biểu diễn đã đưa đàn bầu hòa tấu cùng dàn nhạc với hàng chục khí nhạc khiến cái hay, cái độc đáo của cây đàn này bị xóa nhòa!
Rõ ràng việc giới thiệu và quảng bá văn hóa nghệ thuật dân tộc Việt Nam ở ngoài nước hiện còn bộc lộ những bất cập trong nhận thức về bản sắc dân tộc, truyền thống, cách tân trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay.
Vốn cổ mới là vốn quý!
Trong thời hội nhập, giao lưu văn hóa ngày càng sâu rộng, đưa văn hóa nghệ thuật truyền thống ra nước ngoài biểu diễn nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh của đất nước là hết sức cần thiết. Thế nhưng, biểu diễn thế nào, giới thiệu ra sao để có thể có được những cái nhìn chính xác nhất, giành được nhiều thiện cảm nhất từ bạn bè quốc tế về một nền văn hóa Việt Nam đa dạng, đậm đà bản sắc - đó mới là mục tiêu và là điều quan trọng nhất của công cuộc quảng bá.
Theo nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc - GS. Trần Quang Hải, để đạt được thành công trong việc quảng bá văn hóa của Việt Nam ra thế giới, cần phải mang đến giới thiệu cho công chúng thế giới những gì trung thực nhất, gần gũi nhất với truyền thống của dân tộc. Giả dụ, muốn giới thiệu dân ca quan họ Bắc Ninh, phải tuyển lựa những nghệ nhân hát quan họ có trình độ cao và hát theo đúng lối cổ, trình diễn theo đúng lệ tục truyền thống. Không nên vì thị hiếu, muốn vui lòng công chúng khán giả nước bạn mà pha trộn những khía cạnh gọi là giao lưu văn hóa, tân – cổ giao duyên, tây – ta lẫn lộn thì sẽ đi đến chỗ làm cho người ta thất vọng, bởi vì cái mà họ muốn tìm hiểu, muốn khám phá, muốn trải nghiệm chính là những gì thuộc về truyền thống, đặc trưng văn hóa lâu đời của riêng Việt Nam hơn là những tiết mục hiện đại, na ná học đòi giống họ.
Một xu hướng dễ nhận thấy trong các chương trình trình diễn, giới thiệu văn hóa nghệ thuật dân tộc ở nước ngoài là chọn toàn những người trẻ đẹp, mặc quần áo lộng lẫy đưa lên sân khấu trình diễn, làm cho các chương trình đó thật hoành tráng với dàn nhạc hòa âm phối khí; ra sức sáng tạo đổi mới tiết mục cố mong phù hợp với lối sống và trình độ nhận thức của công chúng nước sở tại. Trong khi đó, nếu chúng ta hiểu được đòi hỏi của công chúng khán giả nước ngoài là muốn xem cái độc đáo trong truyền thống của ta thì chỉ cần vài ba nghệ nhân điêu luyện cùng với nhạc cụ của họ và một sự trình diễn tự nhiên, giống với những gì bấy lâu họ vẫn trình diễn là đủ. Như nghệ thuật sân khấu Noh của Nhật Bản, chỉ có vài nhân vật với một số nhạc cụ đệm cho diễn xuất trên sân khấu, thế mà vẫn thu hút người nước ngoài xem trong vài giờ. Vấn đề ở đây là bản sắc nghệ thuật, là kỹ năng biểu diễn chứ không phải là hiện đại hóa nghệ thuật cho mới lạ và hoành tráng. Còn kiểu đem dàn nhạc giao hưởng đệm cho cuộc trình diễn thời trang áo dài Việt Nam hoặc áo dài Việt Nam biến thành áo liền váy của người châu Âu thì đó là quảng bá lệch pha dân tộc. Không những hiệu quả của việc quảng bá bị hạn chế mà còn gây ra những cách hiểu, cách cảm sai lệch về nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc!
Là người đã nhiều lần dẫn các đoàn nghệ thuật đi giao lưu văn hóa, biểu diễn ở nước ngoài, nghệ sĩ Nguyễn Hữu Phần - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen rút ra nhận xét: “Người nước ngoài đặc biệt thích thú những tiết mục múa dân gian và âm nhạc truyền thống Việt Nam. Có những điệu múa đương đại được sáng tác công phu, biểu diễn hoành tránh nhưng lại không gây được ấn tượng sâu sắc bằng một điệu múa Chăm-pa hoặc múa của các dân tộc thiểu số ở Việt Bắc hay Tây Nguyên”. “Chính vốn văn hóa cổ truyền mới là sức mạnh và là tài sản thiêng liêng của mỗi quốc gia. Vốn cổ mới là vốn quý. Vì thế, trong quảng bá văn hóa hiện nay, cần phải giữ lấy cái vốn cổ để làm căn bản, từ đó mới đẻ ra nhiều chuyện khác nữa. Chứ bây giờ, mình lo sáng tạo, thay đổi hay chế biến đặng mong phát triển, hòa nhập mà quên đi vốn cổ thì dần dần sức mạnh và tài sản quốc gia sẽ hao hụt và biến mất” – nghệ sĩ Nguyễn Hữu Phần khẳng định.
|