Vừa mới dự buổi lễ tổng kết năm học vào chiều ngày 1/6, ngay hôm sau chị Hoa (35 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) đã vội vã tìm lớp học hè cho con.
Tháng 9 năm nay, con gái lớn sẽ vào lớp 1 nên chị Hoa phải lo lắng để tìm lớp tiền tiểu học cho con. Hết hỏi thăm bạn bè, hàng xóm, chị Hoa lại kết bạn và nhắn tin với những phụ huynh có con cùng lứa tuổi để hỏi thăm về các lớp tiền tiểu học. Sau thời gian tìm hiểu, chị Hoa mừng rỡ vì đã tìm được cô giáo lớp 1 để chuẩn bị cho con theo học, đáp ứng đủ các tiêu chí chị đặt ra: Cô dạy trường con sẽ theo học và chuyên dạy lớp 1, nơi học lại gần nhà.
Sau khi "rủ" được vài phụ huynh khác cũng có con chuẩn bị vào lớp 1, chị Hoa cùng những phụ huynh này đã đưa con đến nhà cô giáo để xin vào lớp tiền tiểu học. Nhưng khi đến nơi chị mới biết, không chỉ có nhóm phụ huynh của chị mà rất nhiều phụ huynh khác cũng cùng chung nỗi lo "tiền tiểu học".
Chưa kịp nghỉ hè, nhiều phụ huynh đã bắt con đi học tiền tiểu học. Ảnh: Quỳnh Mai.
Theo chia sẻ của cô giáo, hiện lớp cô đã có khoảng 40 học sinh, các em đã bắt đầu học ngay từ những ngày đầu tháng 6. Học sinh theo học lớp này sẽ học bán trú 5 ngày/tuần, từ thứ 2 đến thứ 6. Giống như chính khóa, lớp học bắt đầu từ 8 giờ sáng và kết thúc vào 16h30 chiều, buổi trưa sẽ ăn và ngủ lại nhà cô.
Sau khi nghe chia sẻ của cô giáo, chị Hoa "sốc nặng" vì không ngờ học tiền tiểu học lại vất vả đến như vậy. Thương con, chị quyết định cho con về quê nghỉ hè vài tuần nữa rồi tính tiếp.
Giống với chị Hoa, chị Mai (34 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) cũng "chết lặng" sau khi nghe cô giáo thông báo lớp đã có khoảng 40 em học sinh, lại phải học bán trú không khác gì chính khóa.
"Ban đầu tôi giật mình vì lớp quá đông, chỉ nghĩ có khoảng 15 em nhưng con số thực tế lại vượt xa ngoài sức tưởng tượng. Tôi thấy lo lắng nhiều hơn về các điều kiện của lớp học này, vì lớp học tiền tiểu học là tại nhà riêng của cô giáo, tầng 1 là lớp học, tầng 2 là để các con ăn ngủ.
Tôi bắt đầu đặt ra các câu hỏi như ai sẽ quản lý 40 học sinh này trong suốt thời gian dài như vậy? Thức ăn của các con liệu có được đảm bảo hay không? Nhà cô giáo có an toàn cho các con hay không? Nếu không may có cháy xảy ra ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Việc dạy và học bán trú tại nhà riêng của cô giáo có cơ quan nào quản lý hay không?...
Cũng theo chị Mai, gần đây chị mới biết, rất nhiều phụ huynh có nhu cầu cho con theo học lớp tiền tiểu học với mô hình bán trú. Phần lớn các phụ huynh đều cho rằng đó là môi trường 'thử nghiệm' trước khi các con chính thức bước chân vào lớp 1.
Có nên cho con học tiền tiểu học?
Theo cô Phùng Thị Hương, giáo viên trường tiểu học Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội), tiền tiểu học là giai đoạn trước khi trẻ bước vào lớp 1, thường là với các bé 5 tuổi. Đây là cột mốc đánh dấu bước chuyển mình quan trọng với cuộc đời của mỗi trẻ. Lúc này các con sẽ phải tự mình đối mặt với nhiều điều mới lạ, chính vì vậy nhiều bé sẽ khó tránh khỏi những bỡ ngỡ, rụt rè.
Việc trang bị cho con một tinh thần tốt, kiến thức vững chắc trong giai đoạn đầu là rất cần thiết. Tuy nhiên, không cứ phải đến lớp tiền tiểu học thì mới là tốt nhất.
"Việc học các lớp tiền tiểu học có cần thiết hay không còn phải tùy thuộc vào việc giáo dục trẻ của từng gia đình. Khi cha mẹ đã tự chuẩn bị 1 hành trang đầy đủ, vững chắc để con bước vào lớp 1 thì sẽ không cần đến với lớp tiền tiểu học. Còn khi cha mẹ đang không biết phải làm gì hay việc học ở mầm non của con không đủ thì việc tìm đến lớp tiền tiểu học là cần thiết.
Tại lớp tiền tiểu học, các con không chỉ học chữ, học số… mà còn học về thói quen, nề nếp… để con không bỡ ngỡ khi vào lớp 1", cô Hương cho hay.
Cũng nói về vấn đề này, TS. Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay, có rất nhiều bé không học trước nhưng đi học rất tốt. Ngược lại, có những bé lại đuối so với các bạn, do ở nhà con quá được cưng chiều... Một đứa trẻ khi chưa bao giờ phải làm gì thì sẽ khó có thể quen với việc phải học.
TS. Vũ Thu Hương cũng cho rằng, tiền tiểu học phải đáp ứng yêu cầu không dạy chữ trước. Điều cần dạy ở tiền tiểu học là trách nhiệm, là kỹ năng sống và rèn cho con tính tự giác trong cuộc sống và học tập, dạy cho con nếp sinh hoạt khi vào lớp 1.