Hà Nội

Phòng chống dịch COVID-19: Xử lý nghiêm nếu để xảy ra việc tập trung trên 20 người

26-03-2020 14:02 | Thời sự
google news

SKĐS - "Nhân đây tôi nhắc nhở UBND Quận Tây Hồ có quá nhiều người lễ chùa vào ngày mùng 1 vừa qua" - Thủ tướng nhấn mạnh khi chủ trì họp trực tuyến Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống COVID-19 sáng ngày 26/3 và cho biết sẽ xử lý nghiêm chính quyền địa phương nếu để xảy ra việc tập trung trên 20 người.

Tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người

Trước những nỗ lực của cán bộ, y bác sĩ ngành y tế, Thủ tướng cho biết đã gửi thư động viên, nhất là khi ngành đã có một số bác sĩ bị lây nhiễm trong quá trình chăm sóc bệnh nhân. Thủ tướng cũng thăm, động viên lực lượng quân đội đang trực tiếp cách ly vất vả và thành công.

Phát biểu tại cuộc họp, thêm lần nữa Thủ tướng biểu dương ngành y tế, các cấp, các ngành, Ban chỉ đạo đã quyết liệt thực hiện nghiêm với quyết tâm cao trong triển khai các chủ trương, biện pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra về công tác phòng chống dịch trong những ngày qua.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tư pháp đã soạn thảo một số chủ trương, biện pháp trong thời kỳ tiền khẩn cấp. Cho biết những biện pháp tiền khẩn cấp này coi như đã khẩn cấp, Thủ tướng đề nghị các thành viên thảo luận tại phiên họp này.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống COVID-19            Ảnh Quang Hiếu/VGP

Cho rằng việc lây nhiễm COVID-19 đang gia tăng, xuất hiện tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, có trường hợp nhiễm tại cộng đồng nhưng chưa được phát hiện, Thủ tướng nêu rõ, cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp cần tăng tốc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần: Phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng dịch và điều trị bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân là mục tiêu tối thượng hiện nay.

Nhấn mạnh việc có 2 tuần để hành động và virus sẽ lây lan nhanh hơn hành động của chúng ta nếu chúng ta không có biện pháp phòng, chống kịp thời, quyết liệt, Thủ tướng yêu cầu ít nhất trong 2 tuần tới, người đứng đầu chính quyền các cấp tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người.

Đóng cửa các dịch vụ không cần thiết như massage vũ trường, các điểm du lịch, tham quan, các rạp chiếu phim, các quán bia hơi, nhà hàng ăn uống.

Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, sẽ xử lý nghiêm chính quyền địa phương nếu để xảy ra việc tập trung trên 20 người. "Nhân đây tôi nhắc nhở UBND Quận Tây Hồ có quá nhiều người lễ chùa vào ngày mùng 1 vừa qua" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Tạm thời đóng cửa các cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu trên toàn quốc.

Riêng đối với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thủ tướng chỉ đạo cần thực hiện đóng cửa toàn bộ các cơ sở dịch vụ, trừ dịch vụ cung cấp thực phẩm, dược phẩm, các cơ sở khám chữa bệnh. Cùng với đó là tạm dừng hoặc tổ chức lại rất ít chuyến các phương tiện giao thông công cộng. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo hạn chế bay từ hai thành phố lớn đến các địa phương khác.

Người dân được yêu cầu ở lại nhà, trừ trường hợp thật cần thiết mới ra ngoài. Đối với người dân từ các thành phố, khu vực đang có dịch diễn ra thì các địa phương phải có trách nhiệm quản lý như đối với các trường hợp đi từ vùng dịch. Thời gian thực hiện vấn đề này là từ 0h ngày 28/3/2020, có thể áp dụng trong một tuần hoặc vài tuần, sau đó sẽ xem xét cụ thể. Cấm tụ tập nhiều hơn 10 người ở bên ngoài các công sở và trường học, bệnh viện.

Chăm sóc tốt hơn cho các bác sĩ, nhân viên y tế, nhất là tại các bệnh viện trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19

Trước bối cảnh bệnh viện có nguy cơ trở thành nơi lây nhiễm phức tạp, Thủ tướng yêu cầu thực hiện xét nghiệm các nhân viên y tế ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm. Các cơ sở khám chữa bệnh khác nên khuyến cáo khám, chữa trị cho bệnh viện cấp cứu. Ngành y tế có biện pháp cách ly các bác sĩ, nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.

“Tinh thần là có phương án chăm sóc tốt hơn cho các bác sĩ, nhân viên y tế, nhất là tại các bệnh viện trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19”, Thủ tướng nói và yêu cầu bảo toàn đội ngũ y tế để có sức chiến đấu lâu dài trong mùa dịch.

Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương có trách nhiệm hỗ trợ việc cách ly này để các thầy thuốc yên tâm làm việc. Có phương án chăm sóc tốt hơn đối với nhân viên y tế, nhất là các bệnh viện trực tiếp điều trị COVID-19, bảo vệ toàn đội ngũ y tế để có sức chiến đấu lâu dài với dịch.

Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện nghiêm khắc quản lý biên giới đường bộ, đường hàng không, đường thủy. Thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung, không để tình trạng đến thăm, tiếp tế tại các khu này. Giám sát tốt việc cách ly chuyên biệt.

Xử lý nghiêm, kể cả xử lý hình sự nếu không khai báo và cách ly theo quy định pháp luật

Bộ Quốc phòng, Tư lệnh các quân khu chỉ đạo mở rộng các cơ sở cách ly ở miền Trung và Tây Nam. Các ngành chức năng xử lý nghiêm, kể cả xử lý hình sự nếu không khai báo và cách ly theo quy định pháp luật.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp  Ảnh Quang Hiếu/VGP

Thủ tướng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan chức năng có các hình thức trực tuyến phù hợp để kêu gọi các tầng lớp nhân dân ủng hộ, chung tay cùng cả nước phòng, chống dịch. Các cấp, ngành tiếp tục thay đổi thói quen làm việc để phù hợp tình hình dịch bệnh. Các tỉnh, thành phố cần tập trung đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ xét nghiệm và tiến hành xét nghiệm trên diện rộng. Đối với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần tăng thêm các cơ sở xét nghiệm, các test trong mỗi ngày đối với các trường hợp ghi nhiễm.

Thủ tướng yêu cầu ngành y tế mua ngay trang thiết bị y tế. Ngành y tế và Công thương hợp tác có hợp đồng cụ thể để sản xuất khẩu trang y tế và các khẩu trang đạt tiêu chuẩn khác để phục vụ đầy đủ nhu cầu trong nước và đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Nghiêm cấm đầu cơ tích trữ những nhu yếu phẩm và vật tư y tế. Xử lý nghiêm nạn đầu cơ nếu có và tình trạng buôn lậu các mặt hàng này; Xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật.

Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế phải triển khai các biện pháp chống dịch trong 2 tuần tới đây với tinh thần bình tĩnh, chuyên nghiệp, chặt chẽ. Các cấp, ngành và địa phương liên quan đảm bảo an sinh xã hội, an toàn xã hội mọi nơi, mọi lúc. Trong đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế thảo luận việc xây dựng một số bệnh viện dã chiến khi cần thiết. Bộ Y tế đề xuất mượn một số bệnh viện sẵn sàng cho công tác phòng, chống khi tình hình xấu xảy ra.

“Để bảo đảm an toàn, nhất là thời điểm hiện nay và thời gian tới, người dân nên ít di chuyển và thay đổi phương thức làm việc, từ trực tiếp sang trực tuyến và các hình thức phù hợp khác để tránh lây nhiễm”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo phối hợp Văn phòng Chính phủ có kịch bản, tình huống cụ thể xử lý các vấn đề đặt ra

 

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, hiện thế giới có khoảng 423.000 trường hợp mắc COVID-19 tại 198 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó tăng mạnh tại châu Âu, châu Mỹ. Có 7 nước có trên 10.000 trường hợp mắc. Số người chết do dịch đến nay đã lên tới trên 18.900 người.

Tại Việt Nam, tính đến 8h sáng 26/3 đã ghi nhận 148 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 17 trường hợp đã được điều trị khỏi và xuất viện tại 21/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, tại Hà Nội là 44 ca, Thành phố Hồ Chí Minh là 34 ca.

Đến nay, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly là gần 47.000 người, trong đó có 412 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 20.386 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 26.135 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Ngày 25/3, Bộ Công an đã có Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát các trường hợp người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài đã nhập cảnh Việt Nam từ ngày 7/3 đến ngày 24/3/2020. Theo đó, có 36.911 người nước ngoài và 44.636 người Việt Nam đã nhập cảnh. Hầu hết những người này đã được yêu cầu cách ly tại nhà, nơi lưu trú, thực hiện khai báo y tế và tổ chức cách ly tập trung.


Thái Bình
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn