Phong bì – Mày đi đâu?

09-12-2013 11:06 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Gần đây tôi thấy đồng nghiệp bàn tán về một nghiên cứu về "phong bì trong ngành Y tế" và tỏ ra bất bình. Tôi tò mò chờ đợi thông tin rõ ràng hơn để xem cụ thể cái nghiên cứu đó là gì và giá trị của nó đến đâu.

Nhân việc đồng nghiệp bàn tán về một nghiên cứu về "phong bì trong ngành Y tế" và tỏ ra bất bình. Tôi tò mò chờ đợi thông tin rõ ràng hơn để xem cụ thể cái nghiên cứu đó là gì và giá trị của nó đến đâu.

Tình cờ tôi đọc được bài báo này: http://www.baomoi.com/Home/SucKhoe/nld.com.vn/Noi-khong-phong-bi-van-loan/8695515.epi và nhờ thế tôi hiểu được họ đã làm nghiên cứu như thế nào. Trước bài báo này, đã có một vài bài báo khác mà tôi cho là đưa tin lá cải không đầy đủ giật tít câu khách. Bài báo này cá nhân tôi đánh giá là viết khá chân thực, chỉ có tên bài và đoạn đầu có vẻ hơi giật gân.

Tôi xin phân tích một chút về nghiên cứu này: Đây là một nghiên cứu ĐỊNH TÍNH, sử dụng phỏng vấn sâu để khai thác tâm lý và suy nghĩ của đối tượng, qua đó đánh giá được đúng suy nghĩ của đối tượng về câu hỏi nghiên cứu. Nghiên cứu định tính thường được sử dụng trong các nghiên cứu xã hội nhằm mục đích khai thác khía cạnh tâm lý. Cách thức thu thập số liệu được sử dụng ở đây là phỏng vấn sâu. Ưu điểm của nó là đánh giá được đa chiều và mô tả được các quan điểm của đối tượng nghiên cứu. Tuy nhiên nhược điểm của loại nghiên cứu này cũng khá nhiều mà một trong số đó là sai số của phép ngoại suy ra quần thể.

Nghiên cứu này được tiến hành trên "gần 180 người gồm bác sĩ (BS), y tá, bệnh nhân (BN), người nhà tại một số BV ở Hà Nội, Sơn La, Đắk Lắk, Cần Thơ", như vậy gồm 4 nhóm đối tượng và trên 4 địa bàn khác nhau với các đặc tính kinh tế, văn hóa ứng xử vùng miền khác nhau, trình độ nhận thức khác nhau, sơ sơ như vậy có đến 16 nhóm đối tượng nhỏ, và số lượng đối tượng trong mỗi nhóm sẽ vào khoảng 10-12. Về cơ bản, số mẫu cho một nghiên cứu định tính tôi nghĩ như thế là không quá nhỏ. Thông thường một buổi phỏng vấn sâu sẽ được tiến hành trên từng đối tượng và sẽ tốn khá nhiều thời gian. Giá trị của nghiên cứu này chỉ dừng ở mức đưa ra mô tả về một hiện tượng tâm lý của nhóm đối tượng mà không thể ngoại suy cho quần thể. Nói một cách khác, kết luận của nghiên cứu sẽ chưa khẳng định được điều gì mang tính đại diện cho suy nghĩ của BS/y tá/BN/người nhà nói chung đối với "phong bì".

Một vấn đề nữa, nghiên cứu này sẽ phải đối mặt với một loạt các sai số, trong đó có sai số nhớ lại và sai số nhận thức. Tôi cho rằng không ít bệnh nhân/người nhà BN lầm tưởng đội ngũ y tá, điều dưỡng, thậm chí hộ lý, "cò trắng" là bác sĩ. Lấy ví dụ như trong bài báo có chỗ mô tả với đại ý là: "Trước khi đưa tiền thì làm thủ tục vào khoa khó khăn, sau khi đưa thì nhanh chóng hơn hẳn". Tôi xin khẳng định BS ở trên toàn thế giới không có nhiệm vụ lo thủ tục nhập viện/khoa/phòng cho BN. Trong khi đó, đa số những người ngoài ngành Y khi bước chân vào BV thì đều mặc định: Ai mặc áo trắng là Bác sĩ.

Tiện đây tôi xin mô tả về hình ảnh của một BS trong BV tuyến TW như thế này để người ngoài ngành Y dễ hình dung:

- Đối với khối ngoại: Khi vào viện BN có thể được khám tại khối trực cấp cứu. Tuy tua trực có đông BS nhưng phòng mổ phía trong thì luôn kín bàn, vậy nên nhiều BN/người nhà BN có tâm lý: "Thấy họ ngồi không, nói chuyện với nhau mà không chịu đưa BN vào mổ". Như vậy vấn đề là bàn mổ chưa có và không thể đè BN ra mổ ở ngay tại khu vực khám cấp cứu cực kỳ nhiều vi khuẩn và mầm bệnh được.

Trên thực tế, một ca mổ có thể từ vài chục phút đến nửa ngày trời và để chuẩn bị bàn mổ cho một ca mổ mới ngay sau một ca mổ có vi khuẩn trước đó thì cũng không thể làm bừa được. Bàn mổ thường ưu tiên theo mức độ nguy hiểm đến tính mạng. Với tình trạng quá tải như ở BV Việt Đức thì hiện nay nhiều BS trong tua trực của họ không thể ra khỏi phòng mổ và liên tục mổ các ca nối tiếp nhau nên nhiều khi BN chỉ có thể biết ai là BS mổ trong phòng mổ, mà lúc đó BN thì đã... mê, còn người nhà BN đã bị cách ly vài chục mét phía bên ngoài khu vực vô khuẩn.

Một cơ hội khác là sau mổ thì buổi sáng sẽ có một đoàn người áo trắng tiến vào phòng bệnh để xem BN, gọi là "đi buồng", trong đoàn người này chỉ có một vài BS ngoại khoa, còn lại là y tá, học viên. Hàng ngày, những người chăm sóc tại giường bệnh là đội ngũ điều dưỡng, y tá. Đầu giường bệnh sẽ treo một cuốn sổ theo dõi tình trạng BN và có ghi tên BS mổ ở đó. Như vậy cơ hội để BN/người nhà BN biết mặt BS mổ cho mình thường ở thời điểm này, tức là sau cuộc mổ.

- Đối với khối nội: Một tua trực cấp cứu có vài BS nhưng ở BV tuyến trên thì BN thường đông và nặng. Tôi không hiểu các BV tuyến dưới thế nào, nhưng tôi tin rằng đồng nghiệp của tôi ở Hồi sức cấp cứu đa phần họ phải chiến đấu với tử thần để giành giật mạng sống lại cho nhiều BN cùng một lúc và với những người tôi biết thì có lẽ lúc đó điều duy nhất họ lo lắng là tính mạng BN. Tuy nhiên, người nhà BN thì thường cuống cuồng, lo lắng và dẫn đến tâm lý “vái tứ phương”. Và như vậy là, trong khi mấy ông BS trực đang tư duy xem nên cứu BN theo protocol nào thì người nhà BN tìm đến bất kỳ cái áo trắng nào và: “trăm sự nhờ bác sĩ” mà không cần biết đó có thực sự là bác sĩ hay không. Nếu như trực cấp cứu mà có BS nào đề cập đến chuyện phong bì thì tôi cũng đồng quan điểm với nhiều người: Đây đúng là hiện tượng “phong bì”.

Tại khoa phòng của khối nội, BN sau vào cấp cứu hoặc sau khi khám ở phòng khám, hoàn tất các thủ tục nhập viện, lên khoa, nhận giường. Những người mặc áo blouse trắng đến hỏi han, thăm khám, sờ sờ, nắn nắn, gõ gõ, nghe nghe, đó là những BS điều trị cho BN. Sẽ có một BS phụ trách điều trị chính, và bên cạnh là một vài BS khác. Ở đây tôi thấy đa phần người nhà BN cảm ơn khoa phòng bằng hoa quả sau khi BN ra viện. Tôi nghĩ đây là một hành động rất con người, khi mà bạn gắn bó với một nơi nào đó trong một vài ngày trở lên, khi ở đó có những người giúp bạn lấy lại sức khỏe và trở lại cuộc sống thường ngày. Và không ai nói với bạn là bạn bắt buộc phải làm như vậy, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào tình cảm bạn dành cho nơi đó.

 

- Đối với khối phòng khám: Tôi không hiểu liệu có tồn tại một BS ngồi phòng khám, một ngày khám vài chục đến một trăm BN, đầu óc đang kết nối chằng chịt, kiến thức chạy loạn xạ, thì có để ý nổi đến việc “phải khám chậm lại” hay “phải khám kém đi” để moi tiền thêm từ BN hay không? Tôi xin lưu ý, một phòng khám chỉ có một BS và có thể có vài y tá phụ việc bao gồm phụ khám sắp xếp dụng cụ khám, sắp xếp lượt BN. Trong ngày có bao nhiêu BN đến khám thì BS phải khám bấy nhiêu người. Một điều ngược đời nữa là BN đi khám bệnh vì có vấn đề sức khỏe nhưng lại luôn muốn mình nhanh đến lượt, tức là BS phải khám thật nhanh cho những người bệnh trước đó (điều này rất khó xảy ra vì chỉ có ở một BS “sợ quyền uy” của BN và đã có quá nhiều kinh nghiệm hoặc không có kiến thức/trách nhiệm/đạo đức) hoặc “nhờ vả” xin khám sớm hơn (tức là nhảy cóc lượt).

Như vậy, trong khi BS cắm đầu vào khám BN để còn khám hết được BN khi kết thúc ngày làm việc thì phía xa xa, BN dấm dúi với một “bác sĩ” khác xin được khám sớm hơn. Tiếp đó, khi BS đang khám cho BN thì nhiều bệnh nhân lập tức dúi vào tay, túi áo, cuốn sổ để trên bàn của BS một cái phong bì. Tôi nghĩ đây là thời điểm phổ biến đưa phong bì cho BS phòng khám một cách rất hồn nhiên và nhanh chóng. Cách cư xử đáp lại của BS ở thời điểm đó thường là trả lại ngay hoặc để nguyên đó rồi khám xong trả lại. Thậm chí sẽ có một nhóm phản ứng lại gay gắt và cho rằng mình bị xúc phạm. Một nhóm khác sẽ chậm rãi nói: bác ạ, tiền khám bệnh bác đóng ngoài kia là đủ rồi, bác không cần phải đưa thêm, đây là trách nhiệm của cháu. Và còn một nhóm nữa, tỷ lệ to nhỏ thế nào thì cần phải có nghiên cứu, sẽ coi như đây là chuyện bình thường. Tất cả sự phân nhóm trên chỉ là giả thuyết của cá nhân tôi, không có cơ sở khoa học.

Như vậy, qua mô tả và phân tích 3 môi trường cơ bản của BS, tôi xin tóm gọn như sau:

-       Cơ hội để bạn đưa phong bì cho BS là rất ít. BN /người nhà BN và xã hội nói chung trước khi khẳng định “BS nhận phong bì” thì cần phải cẩn trọng với sai số trong việc nhận biết ai thực sự là BS. Thậm chí nhiều người còn mang tiền cho “cò”, cũng mặc áo trắng, mà về đến nhà vẫn kể: hôm nay đưa phong bì cho BS. Nói như vậy không phải tôi dồn “trách nhiệm” cho các đồng nghiệp là y tá, điều dưỡng, hộ lý. Trong số họ tôi tin nhiều người cũng rất chuyên tâm với nghề và không lợi dụng công việc và tâm lý của người bệnh để trục lợi. Rất có thể đa phần là các bạn “cò trắng” mà thôi.

-       Phòng khám có thể là môi trường có thể dễ xuất hiện hiện tượng BN đưa phong bì, giả thuyết này chưa có nghiên cứu nào chứng minh. Tuy nhiên số BS nhận phong bì ở tình huống này là bao nhiêu % trong số các BS phòng khám thì không rõ và theo tôi cũng không nhiều do áp lực công việc rất cao.

-       BN/người nhà BN trong các trường hợp cấp cứu phải thực sự bình tĩnh, để cứu sống một người thì BS không cần sử dụng đến kiến thức về phong bì.

-       BN trong trường hợp đến khám cũng không nên chuẩn bị phong bì và đưa phong bì làm gì vì khám là trách nhiệm của BS rồi, nếu BS khám nào mà có nhận phong bì lúc khám bệnh thì chứng tỏ BS này cũng không chuyên tâm vào công việc đâu, vậy nên chuyên môn cũng sẽ không tốt, vậy nên bạn không cần tốn tiền làm gì, tìm BS khác tốt hơn. Còn nếu muốn khám sớm thì chỉ có cách đến sớm lấy phiếu sớm là đàng hoàng nhất. Nếu đến muộn mà muốn khám sớm thì e rằng tiền rơi vào “cò trắng” mất rồi.

Một vấn đề nữa mà nghiên cứu trong bài báo có nói đến: “tên gọi của tiền trong phong bì cũng rất “linh hoạt”, từ tế nhị như “tiền quan tâm”, “cảm ơn”, “cà phê cà pháo”, “chút quà cho cháu” đến sỗ sàng như “tiền bồi dưỡng”, “quan hệ”… Trong các lần phỏng vấn, không ít người chia sẻ rằng phong bì thời nay không chỉ là những “lá thư” mà đã “sành điệu” hơn nhiều. Đó là những món quà giá trị cả về vật chất và tinh thần, như: xin học cho con BS ở những trường chất lượng cao, môi giới mua nhà đất cho BS, làm sổ đỏ…”

Ở đây tôi cho rằng có sự đi chệch hướng của nghiên cứu này, hoặc bài báo không cung cấp đủ thông tin về nghiên cứu. Tôi không tìm thấy định nghĩa một cách rõ ràng về hiện tượng “phong bì trong ngành Y” ở đây. Tôi tạm đưa ra một khái niệm thế này để mọi người tham khảo: Người ta nhắc đến “phong bì” khi nó mang nghĩa xấu ở chỗ: Nhờ có nó mà bẻ cong được đạo đức, trách nhiệm ở thời điểm các hoạt động y tế được diễn ra. Tôi ủng hộ quan điểm của thầy Nguyễn Tiến Quyết - GĐ BV Việt Đức: “…Tuy nhiên, nhiều trường hợp khỏi bệnh, ra viện rồi quay lại cảm ơn BS thì không nên phê phán, bởi chỉ khi BS dành hết tâm và tài phục vụ thì khi BN xuất viện họ mới nhớ đến BS”. Như vậy: bất cứ hành động nào của BS nhận “phong bì” của BN khi chưa/đang tiến hành khám chữa bệnh và đặc biệt là hành động đề nghị “phong bì” ở bất kỳ thời điểm nào thì đều đáng lên án và coi đó là hiện tượng “phong bì tiêu cực trong ngành Y”. Mặt khác, ngành Y và công việc của BS nói riêng mang tính xã hội rất cao vì nó là một công việc lấy đối tượng là con người làm trung tâm. Như vậy tất yếu sẽ nảy sinh một mối quan hệ xã hội giữa BS và BN, trừ trường hợp BS là một cái máy khám hoặc BS khám cho một cái máy.

Ngoài công việc thì mối quan hệ BS-BN không còn, mà nó trở thành một mối quan hệ xã hội đơn thuần. Một BN được khám xong rồi, hoặc được ra viện rồi, vậy tại sao họ lại môi giới nhà đất, làm sổ đỏ cho BS? Ở đây rõ ràng có một mối quan hệ cung - cầu mới được xuất hiện, cái người mà lúc nãy làm BS (cung), bây giờ ở vai trò người có nhu cầu mua đất, một nhà đầu tư bất động sản, còn BN (cầu) bây giờ không được gọi là BN nữa mà gọi là nhà môi giới bất động sản. Tôi không hiểu có cái sự cảm ơn, tri ân gì ở đây, khi mà môi giới bất động sản luôn được hưởng 3-7% giá trị mua bán từ một trong hai phía, còn ông đầu tư thì chi một khoản tiền không nhỏ vào tài sản cố định và chờ đợi “sóng”. Riêng về ý: “xin học bổng cho con ở những trường chất lượng cao, theo tôi nên đặt dấu hỏi cho ngành giáo dục vì nếu “con bác sĩ” không đủ tiêu chuẩn được học bổng ở trường “chất lượng cao” mà vẫn có được thì rõ ràng vấn đề quá rồi còn gì. Nếu có trường hợp như thế thật thì trước hết phải xác minh chính xác tại các trường được gắn mác “chất lượng cao” đó. Nếu ngược lại, “con bác sĩ” hoàn toàn đủ tiêu chuẩn được học bổng, chỉ là thiếu thông tin để apply học bổng, thì tôi cho rằng đó hoàn toàn là một hành động mang tính xã hội thông thường của con người, không hề có biểu hiện “cảm ơn sành điệu” ở đây.

Lấy một ví dụ khác ngành thôi, bạn đi mua xe, bạn có sẵn sàng mời người môi giới bán xe cho bạn uống một cốc cà phê hay không? Hoặc trong câu chuyện, người môi giới xe tình cờ đang có nhu cầu mua nhà ở, bạn đáp lại bằng việc giới thiệu một căn nhà đang giao bán mà bạn biết, như vậy đâu thể gọi là “phong bì” được???

Cảm ơn BS sau khi được BS điều trị, chữa khỏi, ra viện là một hành động hết sức bình thường và hết sức con người. Thử đặt mình vào tình huống bị bệnh, không thể làm được những công việc hàng ngày, rồi nằm viện một thời gian, hàng ngày có một BS đến thăm khám, rồi dần dần bình phục, rồi quý mến BS vì đã tận tâm điều trị, đó chẳng phải là một thứ tình cảm hết sức bình thường hay sao? Nhưng nếu ông BS nào, dựa vào kết quả điều trị tốt mà chủ động vòi vĩnh BN thì rõ ràng đạo đức của ông BS đó có vấn đề, lúc này mới gọi đây là “phong bì” và cần lên án.

Toàn bộ quá trình phân tích trên, tôi tóm gọn lại một ý: Với những gì đã công bố, nghiên cứu này không thể trả lời được câu hỏi: “phong bì, mày đi đâu?” trong ngành Y tế được, cần một nghiên cứu quy mô lớn hơn với thiết kế chặt hơn, đặc biệt là phải đưa ra được khái niệm thế nào là “phong bì tiêu cực” và các biện pháp loại trừ sai số do nghiên cứu định tính phỏng vấn sâu.

BS. Thanh Huyền

Mọi bài vở tham gia diễn đàn xin gửi về email: bandientuskds@gmail.com. Các bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của tòa soạn. Trân trọng cảm ơn!

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn