Hà Nội

Phòng bệnh do phế cầu khuẩn hiệu quả nhờ quy tắc 6A

08-12-2023 11:15 | Y học 360
google news

Phế cầu khuẩn từ lâu được nhận định là loại vi khuẩn nguy hiểm, là "sát thủ giấu mặt" gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng cho sức khỏe con người. Mặc dù vậy, bệnh do phế cầu khuẩn có thể được phòng, chống hiệu quả nhờ vào 6 quy tắc, hay còn gọi là quy tắc 6A, trong đó quan trọng nhất là tiêm vaccine phòng bệnh từ sớm.

Phòng bệnh do phế cầu khuẩn hiệu quả nhờ quy tắc 6A- Ảnh 1.

Ai cũng có thể mắc phế cầu khuẩn - đây là nhận định từ các chuyên gia y tế của CDC Hoa Kỳ bởi vi khuẩn phế cầu có thể được tìm thấy ở 5-90% người khỏe mạnh tùy theo đặc điểm dân cư, dịch tễ. Xét về độ tuổi, tỷ lệ ở trẻ ở tuổi đến trường có mang vi khuẩn là 20-60%, còn người lớn thì khoảng 5-10%. Phế cầu khuẩn có thể lây lan từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với các chất bài tiết hô hấp như nước bọt hoặc chất dịch. Vi khuẩn này có thể cư trú trong họng và mũi của người khỏe mạnh và lây truyền từ người này sang người khác mà không gây ra triệu chứng nào.

Chia sẻ về sự nguy hiểm của vi khuẩn phế cầu, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM cho biết, phế cầu khuẩn gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng ở cả trẻ em và người lớn. Nhiễm phế cầu khuẩn có thể dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm như: Viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng máu, viêm tai giữa…Những bệnh lý này để lại hậu quả nghiêm trọng lên hệ thần kinh, hệ hô hấp và tỷ lệ tử vong là 10-20%, đặc biệt là ở trẻ nhỏ và người già tỷ lệ tử vong có thể lên đến 50%. Nếu may mắn chữa khỏi cũng có thể để lại nhiều di chứng như: mù, điếc, liệt và chậm phát triển tâm thần kinh… Thống kê cho thấy 1/20 người mắc viêm phổi do phế cầu khuẩn có thể bị tử vong, 1/12 trẻ em và 1/6 người lớn mắc viêm màng não do phế cầu khuẩn đối mặt nguy cơ tử vong, 1/30 trẻ em và 1/8 người lớn bị nhiễm trùng máu do phế cầu khuẩn có thể tử vong. Ước tính mỗi năm trên thế giới có 14,5 triệu trường hợp trẻ em dưới 5 tuổi mắc bệnh và có khoảng 500.000 trường hợp tử vong. Trong khi đó, có khoảng 600.000-800.000 người lớn tử vong mỗi năm do bệnh phế cầu khuẩn gây ra.

Phòng ngừa bệnh viêm màng não do phế cầu

Do đặc điểm của phế cầu khuẩn là khu trú thường trực trong vùng mũi – họng của mỗi người nên nó có thể gây bệnh bất cứ lúc nào khi hệ miễn dịch của cơ thể giảm sút. Tuy nhiên, một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn như: trẻ em dưới 2 tuổi, trẻ em mắc bệnh hồng cầu hình liềm, trẻ mắc ung thư. Người lớn ở mọi lứa tuổi cũng có nguy cơ mắc bệnh do phế cầu khuẩn, đặc biệt là người trên 65 tuổi, người có hệ thống miễn dịch suy yếu, người mắc bệnh tim, phổi, gan...... Đây cũng là những đối tượng cần đặc biệt chú ý đến các biện pháp phòng bệnh, nhất là tiêm vaccine. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, hiện nay, vaccine phòng bệnh phế cầu được chỉ định tiêm cho trẻ em từ 6 tuần tuổi trở lên. Tuy nhiên, người trưởng thành, nhất là người cao tuổi và người mắc các bệnh mạn tính như phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD); lao phổi, tim mạch, tiểu đường…cũng nên được tiêm phòng vaccine để tránh nguy cơ mắc bệnh, gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Tiêm vaccine phòng phế cầu khuẩn sớm cho trẻ từ 6 tuần tuổi là cách phòng bệnh hiệu quả nhất, giảm thiểu tỷ lệ tử vong, giảm chi phí và thời gian điều trị bệnh là lời khuyên của các chuyên gia. Với trẻ từ 6 tuần tuổi nên thực hiện 3 mũi tiêm cơ bản cách nhau tối thiểu 1 tháng và có thể tiêm nhắc lại khi trẻ 11-15 tháng tuổi, cách mũi 3 tối thiểu 2 tháng. Trẻ từ 12 tháng tuổi chưa được tiêm phòng vaccine trước đó nên tiêm 2 mũi, trong đó mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 2 tháng. Trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên và người lớn chỉ cần tiêm 1 mũi duy nhất.

Song, các chuyên gia y tế cho rằng, bất cứ ai cũng nên tiêm vaccine để chủ động bảo vệ an toàn cho chính bản thân và những người xung quanh. Bởi lẽ, chỉ cần một số ít người trong cộng đồng mang vi khuẩn phế cầu cũng có thể phát tán cho người khác. Trong khi đó, vaccine phòng phế cầu khuẩn được chứng minh giúp phòng các bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn gây nguy hiểm cho trẻ em và người lớn như viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa cấp tính, nhiễm trùng máu….

Ngoài ra, các bác sĩ cũng chỉ ra, tuân thủ các biện pháp phòng bệnh mỗi ngày là giải pháp để an tâm sống khỏe bằng cách, thường xuyên rửa tay với xà phòng, nhất là trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với các bề mặt nơi công cộng. Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển mùa, che chắn vùng mũi – miệng khi ho và hắt hơi. Tránh hút thuốc lá kể cả chủ động và thụ động. Tránh tiếp xúc gần với những người bệnh, người có nguy cơ cao. Cùng với đó, đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người là biện pháp hữu hiệu không chỉ bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh do phế cầu khuẩn mà còn cả các bệnh lý hô hấp nguy hiểm khác.



Hùng Anh – Phú Tiến
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn