Hà Nội

Phát động cuộc thi "Tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp khoa học của Giáo sư, Bác sĩ, Anh hùng, Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ"

12-04-2023 15:38 | Y tế

SKĐS - Ngày 12/4, tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (Bộ Y tế), PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương – Thứ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì lễ phát động cuộc thi "Tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp khoa học của Giáo sư, Bác sĩ, Anh hùng, Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ".

Nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực ký sinh trùng ở Việt Nam

Điểm lại về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Giáo sư, Bác sĩ, Anh hùng, Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, GS Đặng Văn Ngữ sinh ngày 4/4/1910 tại An Cựu, TP Huế trong một gia đình nhà nho nghèo.

Năm 1930, ông đỗ cả tú tài trong nước lẫn tú tài Pháp, nhờ vậy ông đã nhận được học bổng để tiếp tục theo học tại Trường Y - Dược thuộc Đại học Đông Dương.

Phát động cuộc thi "Tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp khoa học của Giáo sư, Bác sĩ, Anh hùng, Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ" - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng cuộc thi "Tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp khoa học của Giáo sư, Bác sĩ, Anh hùng, Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ" góp phần khơi dậy niềm tự hào của cán bộ y tế, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ nhân viên y tế trong hoạt động nghiên cứu khoa học, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Năm 1942, ông làm Trưởng phòng thí nghiệm ký sinh trùng và là giảng viên Sinh học Ban Dược. Với cương vị này, ông đã dành toàn bộ thời gian cho nghiên cứu khoa học. Trong suốt thời gian đó, ông đã công bố nhiều công trình nghiên cứu KH, trong đó có những công trình nổi tiếng thế giới và khu vực.

Từ năm 1943 đến cuối năm 1948, ông làm việc và nghiên cứu tại Nhật Bản; đã tìm ra giống nấm sản xuất ra penicillin.

Năm 1949, theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông về nước tham gia nghiên cứu khoa học phục vụ kháng chiến. Sau khi hòa bình lập lại, ông là người xây dựng ngành Ký sinh trùng Việt Nam. Năm 1957, ông sáng lập Viện sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng; Chủ nhiệm Chương trình tiêu diệt bệnh sốt rét ở miền Bắc.

Từ loài nấm do ông mang về từ Nhật Bản, nước lọc penicilline do ông nghiên cứu sản xuất thành công, đây là một công trình có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp các thương binh khỏi bệnh, thoát khỏi nguy cơ tử vong vì nhiễm trùng vết thương; không bị cắt cụt tay, chân do nhiễm trùng.

Phát động cuộc thi "Tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp khoa học của Giáo sư, Bác sĩ, Anh hùng, Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ" - Ảnh 2.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh - con trai Giáo sư, Bác sĩ, Anh hùng, Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ xúc động phát biểu tại lễ phát động cuộc thi viết về cha mình.

Tết Nguyên đán năm 1967 ông cùng một số học trò đi thực tế để nghiên cứu biện pháp phòng chống sốt rét tại chỗ, hạn chế sự hoành hành của dịch sốt rét trên các chiến trường Trung, Nam bộ, bảo vệ sức khỏe cho bộ đội và thanh niên xung phong. Và chuyến vượt Trường Sơn này cũng là hành trình cuối cùng cùa nhà giáo, nhà khoa học yêu nước. Chiều 1/4/1967, GS. Đặng Văn Ngữ hy sinh sau loạt bom B52 của máy bay Mỹ rải thảm xuống nơi ông và các đồng nghiệp đang thực hiện nghiên cứu.

"Cuộc đời và sự nghiệp khoa học của Giáo sư, Bác sĩ, Anh hùng, Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ gắn liền với những công trình nghiên cứu về bệnh ký sinh trùng, sốt rét, nấm"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, cuộc thi tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp khoa học của Giáo sư, Bác sĩ, Anh hùng, Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ do Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương phát động là đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng cho viên chức, cán bộ y tế dự phòng và phòng chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng; đây cũng là dịp để thể hiện tình cảm, trách nhiệm đối với Giáo sư, Bác sĩ, Anh hùng, Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ - nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực ký sinh trùng ở Việt Nam, là Viện trưởng đầu tiên của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.

Phát động cuộc thi "Tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp khoa học của Giáo sư, Bác sĩ, Anh hùng, Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ" - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và các đại biểu chụp ảnh cùng đại diện gia đình Giáo sư, Bác sĩ, Anh hùng, Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ

"Đây còn là hoạt động mang ý nghĩa sâu sắc, thiết thực để giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống ngành y đặc biệt trong lĩnh vực y tế dự phòng nói chung và phòng chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng nói riêng. Qua đó, góp phần khơi dậy niềm tự hào của cán bộ y tế, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ nhân viên y tế trong hoạt động nghiên cứu khoa học, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, để từ đó tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ được giao"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói.

"Cuộc thi là mạch nguồn để cha tôi tiếp tục sống trong lòng các đồng nghiệp, cộng sự"

Thay mặt gia đình Giáo sư, Bác sĩ, Anh hùng, Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ, đạo diễn Đặng Nhật Minh - con trai của cố GS Đặng Văn Ngữ chia sẻ: "Cha mất đã 56 năm, nhưng ngày nào tôi cũng cảm thấy như ông còn sống vì ngày xưa sự vắng mặt của cha là thường xuyên. 56 năm qua vắng mặt cha, chúng tôi vẫn tưởng ông đang đi công tác ở đâu đó….

Với ông "thác là thể phách, còn là tinh anh" - ông mất đi nhưng giá trị khoa học trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và tinh thần còn mãi mãi".

Các đại biểu xem phim tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp khoa học của Giáo sư, Bác sĩ, Anh hùng, Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ

Trong niềm xúc động, đạo diễn Đặng Nhật Minh bày tỏ thêm: "Tôi và gia đình cảm động vì nhiều bài báo viết về cha tôi. Chứng tỏ cha tôi không chỉ tiếp tục sống trong tâm hồn con cháu trong gia đình, trong các đồng nghiệp cộng sự và thế hệ học trò, mà còn ở trong tâm tưởng của không ít người dân. Đây là niềm xúc động, tự hào và động viên với gia đình. Việc phát động cuộc thi viết về cha tôi như là mạch nguồn để ông tiếp tục sống trong lòng các đồng nghiệp, cộng sự thế hệ kế tục sự nghiệp của cha tôi...".

Từ cuộc thi lan tỏa được tinh thần say mê tìm tòi, nghiên cứu khoa học

Thông tin về cuộc thi "Tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp khoa học của Giáo sư, Bác sĩ, Anh hùng, Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ", TS Hoàng Đình Cảnh – Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, đối tượng dự thi là cán bộ, viên chức, người lao động đã và đang công tác tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP. Hồ Chí Minh;

Cán bộ đã và đang công tác tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh, thành phố;

Cán bộ, sinh viên tại các trường đại học Y Dược: Đại học Y Hà Nội, Y Dược Hải Phòng, Y Dược Thái Bình, Y Dược Huế; Trường Cao đẳng Y tế Đặng Văn Ngữ; Hội viên Hội Ký sinh trùng học Việt Nam; Các cá nhân khác quan tâm.

Để cuộc thi đạt kết quả tốt, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, đơn vị đầu mối được Bộ Y tế giao tổ chức cuộc thi, Ban Tổ chức và các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí tích cực tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp khoa học của Giáo sư, Bác sĩ, Anh hùng, Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ đến được đông đảo cán bộ viên chức lao động các đơn vị cũng như cán bộ nhân viên toàn ngành y tế; chuẩn bị bộ tài liệu liên quan để cung cấp cho các đơn vị dự thi tham khảo; giám sát, đôn đốc triển khai kế hoạch cuộc thi trên toàn quốc.

Phát động cuộc thi "Tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp khoa học của Giáo sư, Bác sĩ, Anh hùng, Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ" - Ảnh 5.

TS Hoàng Đình Cảnh – Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương thông tin về cuộc thi

Yêu cầu lãnh đạo các Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng, các Trường Đại học Y Dược, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố, … quán triệt, chỉ đạo quyết liệt đơn vị mình, có kế hoạch triển khai cuộc thi phù hợp với đơn vị, đảm bảo số người tham gia đông đảo, bài dự thi có chất lượng cao, gửi bài thi đúng hạn cho Ban Tổ chức cuộc thi.

Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, Ban Cố vấn cuộc thi làm việc nghiêm túc, khoa học, công tâm chọn những bài dự thi có chất lượng cao để vinh danh, khen thưởng xứng đáng cho các tác giả.

Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ tin tưởng với sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo, cùng với sự kính trọng của các thế hệ cán bộ y tế đối với Giáo sư, Bác sĩ, Anh hùng, Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ, sẽ có nhiều bài dự thi chất lượng, lan tỏa được tinh thần say mê tìm tòi, nghiên cứu khoa học của cố Giáo sư, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Quy định về bài dự thi: Bài thi viết có kèm theo hình ảnh, tư liệu minh chứng.

Bài thi viết Hình ảnh, tư liệu minh chứng

Bài thi viết của các cá nhân trả lời câu hỏi của Ban Tổ chức; thể hiện sự hiểu biết về cuộc đời và sự nghiệp khoa học, những cống hiến to lớn của Giáo sư Đặng Văn Ngữ đối với sự nghiệp sốt rét, ký sinh trùng nói riêng, đối với y tế dự phòng nói chung và đối với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Gồm: Kỷ vật, video, clip, ảnh, sách, tài liệu nghiên cứu khoa học, tác phẩm, thư, bản nhạc, bài hát, thơ…

Ban Tổ chức khuyến khích cá nhân, tập thể trao tặng hiện vật, kỷ vật gửi dự thi để phục vụ trưng bày, lưu giữ, tuyên truyền giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp khoa học của Giáo sư, Bác sĩ, Anh hùng, Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ.

Thời gian, địa chỉ nhận bài dự thi

Thời gian thi: Bắt đầu tính từ khi Ban Tổ chức công bố Thể lệ cuộc thi. Hạn cuối cùng nộp sản phẩm dự thi về Ban Tổ chức là ngày 31/7/2023 (tính theo dấu bưu điện). Ban Tổ chức không nhận bài thi quá hạn nêu trên.

Nơi nhận: Phòng Tổ chức cán bộ, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương. Số 34 Trung Văn, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.

Thành lập Trường Cao đẳng Y tế Đặng Văn NgữThành lập Trường Cao đẳng Y tế Đặng Văn Ngữ

SKĐS - Ngày 3/8 Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung Ương, Trường Cao đẳng Y tế Đặng Văn Ngữ tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Trường Cao đẳng Y tế Đặng Văn Ngữ .

Thái Bình - ảnh Trần Minh
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn