Phập phồng “bong bóng du lịch” vì COVID-19

28-05-2021 18:01 | Quốc tế
google news

SKĐS - Năm 2020 được coi là "năm tồi tệ nhất trong lịch sử của ngành du lịch toàn cầu" khi lượng khách du lịch quốc tế giảm 1 tỷ lượt người (74%), thua lỗ trên 1,3 nghìn tỷ USD, cao gấp 11 lần mức thua lỗ được ghi nhận trong năm 2009 do khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Đến năm 2021, trong bối cảnh một số quốc gia dần dần kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, ý tưởng “bong bóng du lịch” được coi là giải pháp có thể cứu rỗi tình trạng tồi tệ của ngành du lịch toàn cầu.

Đặt kỳ vọng cao

“Bong bóng du lịch” được hiểu là hành lang đi lại an toàn không cần cách ly, về cơ bản là cơ chế hai hoặc nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ kiểm soát được dịch cho phép người dân đi sang lãnh thổ của nhau với những hạn chế tối thiểu. 

Khái niệm này lần đầu xuất hiện vào tháng 5/2020, khi New Zealand và Australia đàm phán nghiêm túc về việc cho phép đi lại tự do giữa hai quốc gia giữa đại dịch COVID-19. Ngày 15/5/2020, Estonia, Latvia và Litva trở thành những quốc gia đầu tiên triển khai thành công "bong bóng du lịch", cho phép công dân của họ được tự do đi lại bằng đường sắt, đường hàng không và đường biển mà không cần trải qua các biện pháp cách ly. Điều kiện là những công dân này không đi ra ngoài 3 quốc gia trên trong 14 ngày trước đó, không nhiễm COVID-19 và cũng không tiếp xúc với bất kỳ ai nhiễm loại virus này.

Ở châu Á, Trung Quốc và Singapore cũng tạo ra một "làn nhập cảnh nhanh" để tạo điều kiện cho việc kinh doanh thiết yếu và du lịch giữa hai nước. Thỏa thuận này cho phép người dân di chuyển giữa Singapore và 6 tỉnh thành của Trung Quốc (bao gồm Trùng Khánh, Quảng Đông, Giang Tô, Thượng Hải, Thiên Tân và Chiết Giang). Tuy nhiên, khách du lịch từ cả hai quốc gia phải tự trả phí thực hiện xét nghiệm PCR trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành và trình chứng nhận cho thấy họ âm tính với COVID-19.

Tháng 10/2020, Singapore và Hồng Kông đạt được thỏa thuận về việc thiết lập "hành lang đi lại hàng không" toàn diện đầu tiên trên thế giới, cho phép một lượng giới hạn người dân di chuyển giữa hai nơi mỗi ngày mà không phải cách ly để phòng dịch, miễn là hành khách có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính trước và sau khi nhập cảnh và bay trên các chuyến bay được chỉ định.

“Bong bóng” phập phồng

“Bong bóng du lịch” Singapore - Hong Kong được đánh giá là phiên bản toàn diện nhất của cơ chế này khi loại bỏ hoàn toàn quy định cách ly bắt buộc, áp dụng đối với toàn bộ người dân và không có hạn chế đối với hoạt động của họ khi ở nước ngoài, chỉ cần có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Đây là hai địa điểm từng được đánh giá kiểm soát khá tốt dịch COVID-19,  do đó, Singapore và Hong Kong tham vọng dẫn đầu một mô hình nếu thành công có thể mở ra “lối thoát” hồi sinh ngành du lịch quốc tế ngay cả khi các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa thể triển khai toàn diện tiêm chủng cộng đồng. Bộ trưởng Giao thông Singpore Ong Ye Kung từng hy vọng: “Nếu chúng tôi có thể chứng minh cho thế giới thấy một sự thành công, đây sẽ trở thành một điểm tham chiếu tốt để những nơi khác có thể xem xét áp dụng”. Do đó, không mấy ngạc nhiên khi “bong bóng du lịch” Singapore - Hong Kong được các nước đặc biệt quan tâm.

Tuy nhiên, chỉ 1 ngày trước thời điểm bắt đầu triển khai kế hoạch, được ấn định là vào ngày 22/11/2020, hai bên phải quyết định hoãn "mở cửa" 2 tuần trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 ở Hong Kong tăng cao mỗi ngày, quay trở lại mức cao nhất trong 3 tháng. Tiếp đó, đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư tại Hong Kong khiến mô hình “bong bóng du lịch” đầu tiên trên thế giới vẫn chỉ nằm trên giấy. Ngày 1/12, Singapore và Hong Kong tiếp tục lùi thời điểm triển khai "bong bóng du lịch" giữa hai bên đến năm 2021.

Hơn 4 tháng sau, khi Hong Kong đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, hai bên quyết định thỏa thuận đi lại “bong bóng du lịch hàng không” sẽ được khởi động lại từ ngày 26/5/2021. Kỳ vọng của Singapore trở thành nước Đông Nam Á đầu tiên thiết lập được bong bóng du lịch với một điểm đến ở châu Á cuối cùng vẫn chưa thể trở thành hiện thực khi đầu tháng 5, số ca mắc COVID-19 ở nước này tăng trở lại ở mức cao nhất theo ngày trong vòng 1 năm qua, mà ổ dịch lớn nhất chính là sân bay quốc tế Changi. Dự kiến, thông báo tiếp theo về kế hoạch “bong bóng du lịch” Singapore -Hong Kong sẽ được công bố vào ngày 13/6, khi giai đoạn áp dụng các biện pháp phòng dịch của Singapore kết thúc.

Ba lần trì hoãn triển khai “bong bóng du lịch” Singapore - Hong Kong là một lời nhắc nhở không mới nhưng cấp thiết về những khó khăn của việc phục hồi kinh tế và khôi phục một cuộc sống “bình thường” trong bối cảnh đại dịch - một bài toán mà rất nhiều nước đều đang phải đau đầu tìm lời giải. Chính Bộ trưởng Ong Ye Kung thừa nhận: “Đây là một lời nhắc nhở tỉnh táo rằng COVID-19 vẫn hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, và trong khi chúng ta cố gắng để giành lại một cuộc sống bình thường, hành trình này sẽ không thiếu những thử thách”.

Không chỉ Singapore - Hong Kong, hồi tháng 4, New Zealand đã phải ngừng "bong bóng du lịch" với nước láng giềng Australia chỉ 5 ngày sau khi khởi động do tại quốc gia lớn nhất châu Đại dương phát hiện các ca mắc mới. Đầu tháng này, Malaysia cũng tạm dừng chương trình “bong bóng du lịch” trong nước, vốn được khởi động cuối năm ngoái nhằm hỗ trợ ngành "công nghiệp không khói" bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch, khi mà số ca nhiễm mới ở quốc gia Đông Nam Á liên tiếp ghi nhận những con số cao nhất từ trước tới nay, ở thời điểm hiện nay là hơn 7.200 ca một ngày. 

Nhà phân tích Shukor Yusof của công ty tư vấn hàng không Endau Analytics, cho rằng mô hình “bong bóng du lịch” tiềm ẩn nhiều thách thức. Theo ông Yusof, các hành lang kiểu này không phải là câu trả lời cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Không có giải pháp nào cho đến khi có vắc xin cho tất cả mọi người.

Tuy nhiên, hiện chưa thể nói trước thế giới cần bao lâu để đạt được mức độ tiêm chủng cộng đồng đủ đảm bảo đi lại an toàn giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ, trong thời gian này, những nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch vẫn có thể đánh giá “bong bóng du lịch” là một giải pháp đáng thử. Tuy nhiên, dù trong bất kỳ tình huống nào, giới chuyên gia vẫn khuyến cáo việc triển khai mô hình này cần hết sức thận trọng, không thổi phồng "bong bóng du lịch" quá nhanh để tránh nguy cơ “nổ bong bóng” kéo theo những đợt bùng phát lây nhiễm khó kiểm soát.


Hà Anh
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn