LTS: PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, người đã có nhiều năm nghiên cứu giáo dục và tham gia viết sách, chị là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn. Mới đây, PGS TS Chu Cẩm Thơ đã có những chia sẻ rất hữu ích giúp các bậc cha mẹ phát hiện ra khả năng, tính cách và dậy cho trẻ “không sợ học”.
Được sự cho phép của PGS.TS Chu Cẩm Thơ, báo Sức khỏe&Đời sống xin đăng tải bài viết của PGS Thơ. Trong bài viết này ta sẽ thấy được những tâm huyết của chị dành cho các em học sinh, xin giới thiệu tới bạn đọc.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ
Sao tôi lại thay đổi, từ một giáo viên luyện cho học sinh giỏi, thành người giúp các em học "không sợ hãi"?
Tôi đi dạy học, tôi cũng muốn thành tích cho mình.
Tôi đi dạy học, tôi cũng muốn việc được nhẹ nhàng. Dạy học sinh ngoan, học sinh giỏi.
Khi đi quan sát các em, chỉ một hoạt động phân nhóm, đã thấy nảy sinh bao vấn đề.
Năm đó chúng tôi dự giờ ở một trường Top. Khi thấy một học sinh không tham gia hoạt động nhóm, cứ lủi thủi ngồi lặng lẽ, len lén xem các bạn chơi trò chơi, cô Thơ hỏi: Tại sao con không tham gia cùng các bạn? Học sinh ấy đã nói, rất hồn nhiên: Con học dốt, các bạn không thích con.
Rồi một lần khác, khi thấy các nhóm làm rất nhanh, nhóm của bạn học sinh ấy đã bức xúc, khiếu nại với giáo viên là: Nhóm con thua vì có bạn ấy.
Học sinh yếu kém, học sinh chậm, hay học sinh cá tính,... không ít trong một lớp học. Nhưng khi chúng ta cứ chạy đua theo kiến thức, theo chuẩn Giỏi, Ngoan,... thì các em ấy càng bị bỏ lại về sau.
Tôi, vì những ánh mắt len lét ấy ...
Rồi khi tôi tiếp xúc với các giáo viên, tôi hỏi họ chân tình: Vì sao cô ít dạy nhóm, vì sao các em không hợp tác? Họ nói, dạy nhóm chỉ là hình thức thôi. Các em giỏi trong nhóm sẽ làm hộ các em yếu, học sinh rất ngại trao đổi với nhau.
Tôi, vì những giờ học hình thức ấy,...
Cho nên, chúng ta hãy để tầm mắt mình xuống dưới lớp học, để nhìn thấy những gương mặt đang cúi gằm xuống, lặng lẽ, ...
Cho nên, chúng ta sẽ dạy tụi nhỏ, từ rất nhỏ, để chúng không sợ học, không sợ những người giỏi hơn mình, không ghét những người kém hơn, không đổ lỗi vì "nhóm con có bạn kém".
Tôi đã làm được một phần những điều đó. Giờ học của chúng tôi có đôi mắt sáng, có nụ cười, có đứa trẻ hồn nhiên trình bày cách giải ngô nghê, thế mà tụi bạn lại bảo: Bạn giải vui thế, tớ không nghĩ được như thế. Vì sao làm được điểu đó ư, vì tôi dám chắc rằng: bài toán cuộc đời không hề có duy nhất một đáp án, nó mở ra cho chúng ta cơ hội, nhưng phải bắt đầu bằng yêu thương, tôn trọng, trách nhiệm ta mới nghĩ ra hướng giải mà thôi.
Việc giúp đỡ học sinh yếu kém hay xây dựng một môi trường học tập tích cực, thân thiện, vì sự phát triển của từng học sinh là một quá trình rất lâu dài, không phải một bài học hay một chủ đề học tập là đạt được.
Mục tiêu của việc dạy cần được xác định vừa sức với các bạn học sinh, với mỗi em
Cách để học sinh không sợ học
Theo PGS Thơ, mục tiêu của việc dạy cần được xác định vừa sức với các bạn học sinh, với mỗi em. Giáo viên không được áp lực thành tích, học sinh phải làm được.
Thứ 2, giáo viên cần được trang bị các kĩ thuật dạy học tích cực. Chẳng hạn, các giáo viên của POMATH (chương trình toán tư duy cho trẻ em mà PGS Chu Cẩm Thơ là người sáng lập) đều được huấn luyện về sử dụng bản đồ tư duy, kĩ thuật 5W 2H, các kĩ thuật sáng tạo: phân nhỏ, đối xứng, lồng nhau, ...Giáo viên biết tổ chức hoạt động trải nghiệm trong giờ dạy, các tư liệu rất phong phú. Khi áp dụng các kĩ thuật này, việc học không còn CHAY nữa, các em đều phải tham gia và bộc lộ những thiên hướng, sở trường. Các em giỏi kiến thức chưa chắc đã mạnh toàn diện, và thường vui vẻ tiếp nhận các bạn khác. Sự khéo léo của giáo viên sẽ tổ chức nhóm hợp tác tốt, thành văn hóa của lớp học.
Thứ 3, với những học sinh đặc biệt, quá chậm tiếp thu, bị hội chứng tâm lí, thì giáo viên và gia đình có những tư vấn thêm, những tác động riêng (chẳng hạn, có học sinh viết ngược, không đọc được đề bài, nhút nhát, ...) thì giáo viên còn phải hỗ trợ phụ huynh ở nhà cách dạy, cách chơi với con.